Petrovietnam tăng cường mối quan hệ hợp tác đối ngoại kinh tế

08:48 - 03/04/2024

Trong lĩnh vực lọc hóa dầu, Petrovietnam tăng cường quan hệ hợp tác với các công ty Nhật Bản về các lĩnh vực thượng nguồn và hạ nguồn đã hợp tác và tiếp tục nâng tầm trong thời gian tới.

Petrovietnam tăng cường quan hệ hợp tác với các công ty Nhật Bản trong lĩnh vực lọc hóa dầu

Từ ngày 25 đến 29/3/2024, đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) do Phó Tổng Giám đốc Lê Xuân Huyên dẫn đầu đã có chuyến thăm, làm việc với các đối tác tại Nhật Bản.

Đoàn công tác của Petrovietnam đã gặp và làm việc với Công ty Idemitsu Kosan (IKC) do ông Susumu Nibuya - Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc đại diện pháp luật công ty dẫn đầu. Hai bên cùng thảo luận các nội dung thuộc lĩnh vực thượng nguồn và hạ nguồn đã hợp tác trong thời gian qua, đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, củng cố sự tin tưởng, tìm tiếng nói chung giữa các bên góp vốn nhằm xử lý các vấn đề khó khăn hiện nay tại dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tập trung nguồn lực hỗ trợ Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) tái cấu trúc toàn diện để NSRP hoạt động hiệu quả hơn.

Đoàn công tác đã thăm làm việc tại Công ty Japan CCS Co., Ltd. (JCCS) là cơ sở thu giữ, lưu trữ carbon (Carbon Capture and Storage - CCS) thuộc khu vực Tomakomai, tỉnh Hokkaido, Nhật Bản. CCS là công nghệ tiềm năng giúp giảm phát thải CO2, góp phần giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia tiên phong ở Châu Á trong trình diễn công nghệ CCS. Dự án trình diễn công nghệ CCS Tomakomai do Công ty Japan CCS Co., Ltd. (JCCS) thực hiện. Công ty JCCS được thành lập vào năm 2008 bởi các công ty lớn của Nhật Bản quan tâm đến việc thử nghiệm công nghệ và đánh giá mức độ an toàn của công nghệ CCS. Mục tiêu của JCCS là trình diễn và triển khai các dự án CCS tại Nhật Bản. Dự án CCS Tomakomai đã được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) ủy quyền cho JCCS và tổ chức Phát triển công nghệ, công nghiệp và năng lượng mới (NEDO) thực hiện. Dự án CCS Tomakomai đã được nghiên cứu và triển khai từ năm 2012 đến năm 2015. Trong quá trình thử nghiệm và trình diễn, dự án đã đạt được mục tiêu thu giữ 100 nghìn tấn CO2/năm và lưu trữ lâu dài dưới các tầng chứa dưới đáy đại dương. Dự án sẽ tiếp tục được theo dõi, hoàn thiện và sẵn sàng cho việc lưu trữ khí CO2 quy mô lớn từ năm 2030.

Petrovietnam tăng cường mối quan hệ hợp tác đối ngoại kinh tế- Ảnh 1.

Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên và đoàn công tác thăm, làm việc tại Nhà máy lọc dầu Hokkaido của IKC.

Trong chuyến thăm, làm việc tại Công ty dự trữ dầu thô Hokkaido (Hokkaido Joint Oil Stockpiling - HJOS) ngày 26/3, với công suất chứa 9,9 triệu m3, 90 bể chứa nổi, diện tích đất 135 ha, là trung tâm lưu trữ dầu thô lớn nhất Nhật Bản (chiếm khoảng 20% công suất chứa của cả nước), đoàn công tác đã nghe Ban Lãnh đạo HJOS giới thiệu về lịch sử hình thành, quá trình xây dựng, vận hành và nguyên tắc quản lý điều hành kho dự trữ dầu thô của Nhật Bản. HJOS được thành lập tháng 3 năm 1979, là một trong 20 công ty (bao gồm cả công ty tư nhân và công ty Nhà nước) có nhiệm vụ lưu trữ dầu thô quốc gia của Nhật Bản để đảm bảo khi có sự cố xảy ra thì nguồn dầu thô dự trữ vẫn đảm bảo nguồn cung dầu thô đáp ứng nhu cầu sử dụng cho cả nước trong vòng 90 ngày.

Ngày 27/3, đoàn đã thăm và làm việc tại Nhà máy lọc dầu Hokkaido. Đây là nhà máy thuộc sở hữu và vận hành bởi IKC, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1973 (công suất chế biến 150.000 thùng/ ngày) với mục tiêu cung cấp năng lượng cho toàn bộ đảo Hokkaido (tuy nhiên hiện mới cung cấp được 70% nhu cầu, 30% còn lại được cung cấp từ các nguồn khác). Tại buổi làm việc, hai bên đã chia sẻ về mô hình quản lý, quản trị nhà máy lọc dầu, các nội dung liên quan về lĩnh vực kỹ thuật và lộ trình áp dụng các cam kết về giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Petrovietnam cũng gặp gỡ và làm việc với công ty Electric Power Development Co., Ltd. (J-Power) tại Tokyo ngày 28/3. Đây là công ty bán buôn điện lớn nhất Nhật Bản, tiền thân là công ty nhà nước thành lập năm 1952 và tư nhân hóa hoàn toàn vào năm 2004. Doanh thu năm 2023 của J-Power đạt 13,7 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế 848 triệu USD và tổng tài sản đạt 25,1 tỷ USD. Tính đến tháng 3/2023, tổng công suất phát điện của J-Power đạt 26 Gigawatt (GW), trong đó tổng công suất phát ở Nhật Bản là 18 GW. Hiện nay, J-Power đang đứng đầu về thị phần điện than, đứng thứ hai về thị phần thủy điện và điện gió tại Nhật Bản. Công ty đồng thời sở hữu nhiều đường dây truyền tải, nhà máy điện tại Nhật Bản, Mỹ và Thái Lan. J-Power cũng cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật về điện, có khả năng tận dụng gói tài chính hỗ trợ từ AZEC của chính phủ Nhật Bản, phát triển các dự án nguồn điện trên toàn thế giới, J-Power cũng đã mở văn phòng tại Việt Nam từ năm 2006, hiện J-Power đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác với Petrovietnam trong lĩnh vực phát triển năng lượng.

Qua chuyến thăm làm việc với các đối tác tại Nhật Bản, đoàn công tác của Petrovietnam vừa khẳng định tinh thần thắt chặt hợp tác, củng cố sự tin tưởng, tìm tiếng nói chung để cùng xử lý các vấn đề khó khăn của dự án đang hợp tác cũng như tìm kiếm, tham khảo những cơ hội hợp tác khả thi trong tương lai giữa Tập đoàn, các đơn vị liên quan của Tập đoàn và các đối tác Nhật Bản.

Chuyến công tác của đoàn công tác Petrovietnam tại Nhật Bản đã kết thúc tốt đẹp, hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra. Các buổi làm việc giữa đoàn công tác với các đối tác Nhật Bản đã diễn ra cởi mở trên tinh thần thiện chí cao, hướng tới sự hợp tác phát triển giữa Tập đoàn, các đơn vị thành viên với các đối tác trong thời gian tới. 

Thông qua các cuộc trao đổi, thăm quan nhà máy lọc dầu và các cơ sở vật chất, đoàn công tác đã có thêm thông tin về tình hình, xu hướng phát triển lĩnh vực lọc hóa dầu, thu hồi và lưu trữ carbon, dự trữ dầu thô… Đặc biệt, chuyến công tác đã góp phần tăng cường sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa Petrovietnam và Công ty Idemitsu Kosan cũng như củng cố mạnh mẽ sự tin tưởng hai bên dành cho nhau, tìm được tiếng nói chung nhằm xử lý các vấn đề khó khăn của NSRP.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/petrovietnam-tang-cuong-moi-quan-he-hop-tac-doi-ngoai-kinh-te-179240403084822821.htm