Pakistan: Thảm họa lũ lụt năm 2022 có thể khiến 14,6 triệu người nghèo đói

PV
16:26 - 06/01/2023

Cơn lũ lịch sử tại Pakistan vào năm 2022 đã khiến hơn 1.700 người thiệt mạng. Ngoài ra, ít nhất 2 triệu ngôi nhà bị phá hủy, cùng với khoảng 13.000 km đường bộ, 3.000 km đường sắt, 439 cây cầu và 4,4 triệu mẫu đất nông nghiệp đã bị hư hại...

Pakistan: Thảm họa lũ lụt năm 2022 có thể khiến 14,6 triệu người nghèo đói - Ảnh 1.

Một con đường bị hư hỏng sau trận mưa lớn gió mùa ở thị trấn Noshki, tỉnh Balochistan, Pakistan. Ảnh: News.cn

Những tổn thất nặng nề sau nhiều tháng lũ lụt xảy ra

Đại diện thường trực của Pakistan tại Liên hợp quốc Khalil Hashmi đưa ra những thông tin về thiệt hại nặng nề mà người dân Pakistan phải gánh chịu, do trận lũ lịch sử xảy ra vào năm ngoái.

Lũ lụt không chỉ gây tổn thất về nông nghiệp mà còn tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân nơi đây. Thậm chí ở thời điểm hiện tại, nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người dân bị ảnh hưởng từ cơn lũ, vẫn là thách thức không nhỏ cho đất nước Nam Á này.

Pakistan: Thảm họa lũ lụt năm 2022 có thể khiến 14,6 triệu người nghèo đói - Ảnh 2.

Thị trấn Noshki, tỉnh Balochistan, Pakistan, vào ngày 1/8/2022. Ảnh: News.cn

Ngày 5/1, đại diện thường trực của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Pakistan – ông Knut Ostby cho biết: "Do nước vẫn còn chưa rút ở một số khu vực, nhiều người chưa thể quay lại sinh kế thường ngày và vẫn phải phụ thuộc vào các hoạt động hỗ trợ nhân đạo".

Giá cả nhiều mặt hàng nông sản và lương thực tiếp tục gia tăng tạo nên nguy cơ về sự bùng nổ số người nghèo đói, theo ước tính con số này có thể tăng gấp đôi , từ 7 triệu lên 14,6 triệu người. Trong khi đó, thảm họa lũ lụt khiến người dân không thể gieo trồng đúng thời vụ, hệ lụy kéo theo là mùa màng bị tổn thất nặng nề.

Ngày 9/1 sắp tới sẽ diễn ra Hội nghị quốc tế về khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của Pakistan do Chính phủ Pakistan và Liên hợp quốc đồng tổ chức. Sự kiện dự kiến tổ chức tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), gồm sự tham dự của Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Các thông tin cập nhật về tình hình thiên tai tại Pakistan được đưa ra trước thềm cuộc họp kể trên.

Sự kiện hướng tới mục tiêu, tập hợp ủng hộ từ các nhà lãnh đạo khu vực công và tư nhân nhằm huy động hỗ trợ tài chính cho các cộng đồng bị ảnh hưởng, cũng như xây dựng lại hệ thống cơ sở hạ tầng bị hư hại sau trận lũ lụt lịch sử tại Pakistan hồi năm ngoái.

Kịch bản thiên tai ở Pakistan có thể xảy ra ở nhiều quốc gia khác

Cơ quan xử lý thảm họa quốc gia công bố có khoảng 530 trẻ em thiệt mạng trong đợt lũ lịch sử. Theo đó, lũ lụt do mưa mùa lớn kỷ lục và băng tan tại vùng núi phía Bắc Pakistan đã ảnh hưởng đến 33 triệu trong số 220 triệu dân, cuốn trôi nhiều nhà cửa, phương tiện giao thông, mùa màng và gia súc với thiệt hại ước tính 30 tỷ USD.

Pakistan: Thảm họa lũ lụt năm 2022 có thể khiến 14,6 triệu người nghèo đói - Ảnh 3.

Xe cộ hư hỏng sau trận lũ quét do mưa gió mùa lớn ở thị trấn Noshki, tỉnh Balochistan, Pakistan. Ảnh: News.cn

Chính quyền dựng hàng rào để ngăn nước lũ tràn vào các công trình quan trọng như trạm điện cũng như nhà cửa, trong khi những người nông dân ở lại tìm cách cứu gia súc đối mặt với nguy cơ mới do cỏ khô bắt đầu cạn kiệt.

Chính phủ Pakistan và Liên hợp quốc cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây lũ lụt sau khi nhiệt độ mùa Hè tăng cao kỷ lục.

Thời tiết cực đoan đã khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, tạm lánh trong lều trại hoặc ngoài trời, dọc đường cao tốc.

Trong tháng Bảy và tháng 8 năm 2022, Pakistan ghi nhận lượng mưa lên đến 391mm, cao hơn gần 190% mức trung bình của 30 năm qua, thậm chí ở tỉnh miền Nam Sindh - một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, mức chênh lệch này lên tới 466%.

Đại diện UNDP đưa ra cảnh báo thêm rằng, dù trận lũ lụt xảy ra ở Pakistan hồi năm ngoái là điều "chưa từng có tiền lệ", song kịch bản này có thể xảy ra ở các quốc gia khác.

Nguồn: Tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/pakistan-tham-hoa-lu-lut-nam-2022-co-the-khien-146-trieu-nguoi-ngheo-doi-17923010616034407.htm