"Ông hoàng phở" Lý Quí Trung: Không ai đẻ ra đã giỏi
Mind Talks 5 vừa được tổ chức bởi Mạng lưới Tri thức số MetaMinds Network và Đại học Fulbright Việt Nam, với sự tham gia của anh Lý Quí Trung - Giáo sư kiêm nhiệm & Cố vấn cao cấp ĐH Western Sydney (Úc).
Anh được biết tới với biệt danh "ông hoàng phở" với chuỗi cửa hàng Phở 24 từ năm 2003. Sau khi bán thương hiệu Phở 24, anh đã tiếp tục "xuất khẩu" phở Việt ra nước ngoài bằng việc mở hệ thống các nhà hàng món ăn Việt tại Australia. Năm 2009, là người Châu Á đầu tiên và trẻ tuổi nhất được phong hàm Giáo sư danh dự tại trường Đại học Griffith. Năm 2016 anh tiếp tục được trường đại học Western Sydney University phong hàm Giáo sư Danh dự, trở thành một trong những người Việt hiếm hoi được hai trường đại học ở nước ngoài bổ nhiệm chức danh này.
"Work-life balance" - cân bằng cuộc sống là một điều, nghe có vẻ đơn giản, nhưng để đạt được nó thì vô cùng khó. Với chủ đề "Thăng bằng trong cuộc sống" ở Mind Talks 5, anh Lý Quí Trung đã chia sẻ với các bạn trẻ những khó khăn và bài học trong con đường tìm kiếm sự thăng bằng trong cuộc sống của mình.
Đa dạng sự lựa chọn
Thông điệp đầu tiên anh Trung mang tới với các bạn trẻ đó là cuộc đời nên có nhiều sự lựa chọn. Khi đặt tên cuốn tự truyện của mình là "Bầu trời không chỉ có màu xanh", anh vừa chuyển nhượng công ty phở 24 nên nội dung chứa đựng cảm xúc, tình cảm, suy tư trong xuyên suốt thời gian lập nghiệp, gây dựng và bán đi thương hiệu. Đối với anh, bầu trời không chỉ có màu xanh, mà còn có thể là nhiều màu sắc đẹp khác nữa. Trong bức tranh có bầu trời, bầu trời ấy màu gì là tuỳ người vẽ, giống như cuộc đời và tương lai của mình như thế nào là tuỳ mình quyết định.
Đầu tiên đó là thông điệp cho chính anh - rằng anh sẽ không chỉ có "phở 24", mà còn nhiều dự án và đam mê khác nữa. Tiếp theo đó còn là thông điệp cho các bạn trẻ: Cuộc đời có nhiều hướng đi và nhiều sự lựa chọn. Theo anh, người hạnh phúc là người có nhiều sự lựa chọn. Mình phải có ý thức biết được mình có những lựa chọn nào, và lòng dũng cảm để thực hiện cái quyền lựa chọn ấy.
Nhiều bạn trẻ có nhiều sự lựa chọn, nhưng các bạn lại chỉ chọn 1 con đường thôi, anh Trung cảm thấy rất là phí. Con đường đi có nhiều ngã rẽ, mỗi ngã rẽ lại có một sự thú vị riêng. Dù chọn cho mình ngã rẽ nào thì anh cũng sẽ enjoy nó.
Tầm quan trọng của ước mơ
Anh Lý Quí Trung chia sẻ rằng mình là người lãng mạn trong suy nghĩ và nghề nghiệp. Ước mơ đối với anh cũng là một sự lãng mạn. Ước mơ làm cho tư duy của mình bay bổng hơn. Ước mơ vừa quý giá lại vừa rẻ vì không tốn chi phí để ước mơ.
Hồi nhỏ anh thất bại nhiều, nhưng từ khi có ước mơ, anh lại thành công. Mỗi một giai đoạn cuộc đời anh lại có những ước mơ khác nhau.
Anh ước mơ đi học đại học nhưng không được, anh quyết định đi làm phục vụ bàn. Rồi anh ước mơ làm tiếp tân khách sạn, khi làm được rồi anh bắt đầu ước mơ làm tổng giám đốc khách sạn. Từ đó, anh có ước mơ đi du học nước ngoài và trở về làm tổng giám đốc.
Anh luôn tưởng tượng mình được đi học như thế nào và trở về làm công việc mong muốn ra sao. Hồi đó đi du học không có tiền nên rất cực khổ, nhưng với cái ước mơ, cái sự lãng mạn đó, thì tất cả những cái khó khăn đều trở nên vô cùng nhỏ bé.
Anh Trung đã chỉ ra cái lợi hại của uớc mơ. Đó là khi chúng ta có ước mơ rồi, thì những khó khăn sẽ trở thành những "stepping stones" - những bước đệm, những viên gạch để mình bước tới đích.
Thái độ tích cực đối mặt với thất bại
Anh Lý Quí Trung luôn vượt qua thất bại rất nhẹ nhàng nhờ việc định nghĩa cụm từ này khác đi. Trong từ điển của anh không có từ "thất bại", mà anh hiểu đó là "kết quả không được như mong muốn ban đầu".
Với anh Trung, kể cả khi chúng ta có thất bại, chúng ta đã có một thành công rồi. Có thể không đạt kết quả mong muốn vì tài chính chẳng hạn, nhưng ta đã thành công trên con đường đi, có thêm nhiều kinh nghiệm, đó chính là một thành công.
Anh Trung còn kể cho khán giả của Mind Talks một câu chuyện về người bạn đã không may mắn trượt kì thi đại học Y. Anh Trung đã nói chuyện và khuyên người bạn ấy rằng: "Trượt đại học không nghĩa lý gì hết. Bạn thử nghĩ coi: Cái gì xảy ra khi bạn trượt đại học? Kể cả bạn có trượt hêm lần nữa thì bạn chỉ tốt nghiệp bác sĩ trễ 2 năm thôi, 2 năm đó so với 40 năm làm việc cả cuộc đời thì chẳng đáng là bao. Trừ khi bạn từ bỏ thì mới là vấn đề, chứ nếu bạn vẫn có quyết tâm thi lại, thì 1-2 năm đó rất là nhỏ bé". Đó chính xác là những gì anh đã làm cho mình khi gặp thất bại giống như vậy.
Anh vô cùng cảm động và hạnh phúc khi mấy chục năm sau, anh đã nhận được thư từ người bạn đó, nói rằng cô cảm ơn lời khuyên của anh và hiện nay cô đã trở thành một bác sĩ giỏi tại Pháp.
Giáo sư Lý Quí Chung. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Lời khuyên cho khởi nghiệp F&B
Theo quan sát của anh Lý Quí Trung, khởi nghiệp F&B bùng nổ lớn tại Việt Nam trong 5-7 năm vừa qua (F&B là thuật ngữ viết tắt của Food and Beverage - mô hình cung cấp các dịch vụ liên quan đến ẩm thực cho khách hàng. Từ đó ngành F&B có thể được hiểu là loại hình dịch vụ kinh doanh ẩm thực, nhà hàng và ăn uống).
Trước hết, người tiêu dùng Việt Nam rất có sức mua, tiêu thụ đồ ăn ngoài, hưởng thụ văn hoá ẩm thực, tuy thu nhập đầu người không cao. Tinh thần ấy sau dịch còn mạnh mẽ hơn cả nước Úc khi chính phủ Úc tặng voucher ăn tối, xem phim, nghe nhạc cho người dân để đẩy mạnh kinh doanh, nhưng vẫn chưa đông lại như ở Việt Nam mình.
Hơn nữa, trình độ ẩm thực của các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam rất cao so với thời trước và so với quốc tế, có nhiều quán ăn và cà phê đẹp được gây dựng bài bản chất lượng, vậy nên sự cạnh tranh trở nên rất khốc liệt, thậm chí là hơn cả trên thế giới. Càng ngày sự cạnh tranh đó sẽ khắc nghiệt hơn khi có nhiều chuỗi thương hiệu mở thêm mặt bằng, nhận thêm đầu tư từ các quỹ…
Vậy nên, các bạn khởi nghiệp cần cân nhắc rất kỹ vì làm nhà hàng vô cùng cạnh tranh, rất rủi ro, và phải bận rộn từ sáng tới khuya. Trừ khi các bạn thật sự đam mê thì hãy làm! - anh Trung đưa lời khuyên.
Tuy nhiên, phần thưởng bù lại thì vô cùng lớn khi lợi nhuận tỷ lệ rất cao và sự thành công dễ được nhiều người biết tới. Không chỉ anh Lý Quí Trung mà nhiều người kinh doanh F&B nghiện chất "dopamin" (hóocmôn tiết ra làm con người hưng phấn) khi nhìn thấy nhà hàng đông khách. "Cảnh đông khách đó là một bức tranh đẹp nhất trong nhà hàng mà không trang trí nội thất nào sánh bằng" - anh Trung nhấn mạnh.
Phá bỏ sự rập khuôn
Anh Lý Quí Trung chia sẻ rằng anh lúc nào cũng có xu hướng nghĩ và làm những sự khác biệt, anh cũng khuyến khích đối tác và nhân viên làm như vậy. Nói về sự phá bỏ quy tắc, anh khuyến khích làm khác đi nhưng vẫn phải có hiệu quả. Ví dụ trong một năm làm việc, anh không có những bài báo cáo dài và quá nghiêm túc, nhưng tổng giám đốc vẫn nắm được hết tình hình và chi tiết.
Anh đánh giá cao hiệu quả quan trọng hơn là hình thức. Thời đại ngày nay không còn giống như trước, sự thay đổi là liên tục, nên kế hoạch kinh doanh cần được cơ cấu để có thể điều chỉnh được liên tục. Sự uyển chuyển là vô cùng cần thiết hiện nay.
Thêm nữa, anh Trung nghĩ rằng phá vỡ quy tắc là làm mới "in a nice way" - làm tốt hơn, chứ không phải phá vỡ một cách vô kỷ luật. Làm doanh nhân phải nghĩ ngược lại với số đông, hãy trở thành thiểu số.
Anh còn chia sẻ một câu chuyện về sự bất quy tắc trong nhân sự khi các chủ doanh nghiệp thường giận thậm chí từ luôn nhân viên của mình khi họ rời công ty. Nhưng anh đã học được có những người chủ họ sẵn sàng chào đón nhân viên cũ quay lại. Cách làm đó vừa giúp có thêm nhân sự quen việc, lại vừa nó khiến cho những nhân viên hiện tại đang phân vân đi hay ở, không muốn đi nữa.
Đó cũng là sự uyển chuyển anh muốn đề cập nhiều hơn nữa trong cuốn sách sắp tới có tên là: "Những kỹ năng kinh doanh bất quy tắc".
Kỹ năng đa nhiệm là xu thế mới
Ngoài ra, anh Lý Quí Trung còn có rất nhiều sở thích như là vẽ tranh, chơi golf, hay chơi piano. Anh nhấn mạnh rằng, kĩ năng đa nhiệm rất cần thiết với xu thế mới vì môi trường kinh doanh thời nay có nhiều biến động, cộng với cách mạng công nghệ, AI, Blockchain, Metaverse… khiến chúng ta bắt buộc phải đa nhiệm hơn. Các bạn trẻ bây giờ phải học 2-3 thứ.
Khởi nghiệp ngày nay cũng phải phối hợp giữa công nghệ và kinh doanh. Sự đa nhiệm cần thiết không chỉ cần trong kỹ năng mà còn trong tư duy. Mình phải sẵn sàng đảm nhiệm nhiều thứ cùng một lúc. Nếu làm nông dân hay kỹ sư, quản trị, mà có tư duy suy nghĩ như một doanh nhân thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
Thăng bằng trong cuộc sống
Để có được sự thăng bằng, anh Lý Quí Trung không quan tâm tới số lượng giữa hai bên mà tập trung vào sự hạnh phúc. Thăng bằng không có công thức chung, mà mỗi người sẽ có cách làm riêng. Khi người ta sống mà hạnh phúc, tự tại, nghĩa là người đó thăng bằng.
Để có được sự thăng bằng đó, thứ nhất, anh Trung đã luôn có sự tập trung và niềm đam mê khi làm bất cứ việc gì. Khi chơi golf, anh chơi với 101% năng lượng: Tắt điện thoại, thưởng thức trận golf với bạn bè, anh thậm chí cưa trái banh ra xem có gì trong đó, hay dịch 1 cuốn sách về luật golf.
Khi anh vẽ tranh, đánh đàn, hay hát, thì anh cũng hoà mình 100% trong cái không gian ấy. Đối với anh Trung, có những thứ mình làm không cần quá nhiều, nhưng với sự tập trung khi làm chúng, mình có thể giỏi cùng lúc nhiều việc. Để chơi giỏi thì phải đam mê, yêu thích, hưởng thụ và làm đến tận cùng - anh Trung chia sẻ.
Thứ hai, sự sắp xếp ưu tiên là vô cùng quan trọng để đạt được sự thăng bằng này. Ban ngày anh dành thời gian cho đối tác, sự nghiệp, bạn bè, ban đêm anh dành thời gian cho gia đình. Nếu mình lẫn lộn giữa 2 bên, là mình mất thăng bằng.
Buổi tối khi bạn bè rủ đi chơi, anh Trung cũng rất thích, nhưng họ đi được 10 lần, còn anh chỉ đi được 1 lần, vì anh còn bận đọc sách và viết sách. Đối với anh, đó là sự ưu tiên và hi sinh. Mỗi khi anh viết ra câu diễn đạt được đúng cảm xúc, suy nghĩ của mình, anh cảm thấy sung sướng và thoả mãn, không giống như viết để trả nợ.
Không áp đặt con cái
Không chỉ là một người cha, anh Lý Quí Trung là bạn của con mình, anh không bao giờ áp đặt con anh. Anh chia sẻ rằng, khi con gái anh học rất giỏi nhưng lại quyết định học vào ngành khá bình thường, anh vẫn ủng hộ con mình 100%.
Thế nhưng trước đó, anh cũng nói ra hết những con đường mà con gái có thể chọn, ví dụ như học song bằng có lợi ích và nhược điểm gì, bác sĩ luật sư là con đường có cái hay và cái dở như thế nào. Tuy nhiên, anh để con cái quyết định sau cùng.
Anh Trung luôn luôn nghĩ rằng công việc và trách nhiệm của mình là cho họ thấy hết những gì người ta có thể đi, nhưng sẽ không quyết định thay họ. Anh cũng chia sẻ rằng người trẻ hiện nay rất giỏi nhưng thiếu kinh nghiệm sống. Khi anh đi dạy cho sinh viên, anh cũng cố gắng nói hết ra cho các em tham khảo, nhưng quyết định như thế nào là quyền của sinh viên.
Động lực và lẽ sống
Anh Lý Quí Trung đã mất nhiều năm để trả lời câu hỏi" Bây giờ anh muốn cái gì?". Khi sang Úc thử mở nhà hàng, anh lại cảm thấy đây không phải cái anh muốn, nó vẫn không đã. Vào thời điểm này, anh luôn tìm dự án nào đó nó có ý nghĩa, chứ không cần to lớn.
Ví dụ, việc giảng dạy, đóng góp cho trường đại học, mở ra những cơ hội cho các bạn trẻ, anh thấy vui sướng vì nó có ý nghĩa và đúng với cảm xúc mong muốn của anh lúc này. "Thành công thì ai cũng thích, nhưng có khiến mình sướng hay không, thì chưa chắc" - anh Trung nói.
Khi nói về lẽ sống, anh Trung chia sẻ rằng anh muốn sống có ích cho xã hội. Anh không cảm thấy yên khi thấy mình vô dụng. Nếu anh ngồi trên một đống tiền, ăn đồ ngon, ở nhà đẹp, mà anh không đóng góp được gì thì anh cũng cảm thấy rất đau khổ.
Anh Lý Quí Trung đã chia sẻ cuốn sách có tên "Những kẻ xuất chúng" của Malcolm Gladwell. Anh Trung rất tâm đắc triết lý trong cuốn sách này, đó là: Không ai đẻ ra đã giỏi, mà ai cũng cần thực tập trau dồi nghiên cứu 10 ngàn giờ.
Muốn làm diễn giả giỏi thì phải tập nói nhiều, muốn kinh doanh giỏi phải kinh doanh và thất bại nhiều. 10 ngàn giờ ấy mình phải thực tập, làm thật, và trải nghiệm thật.
Một điều nữa từ cuốn sách mà anh thấy đồng cảm là: Thành công đến từ cơ hội. Người thành công sẽ biết chờ nó tới, nhận diện ra nó, và nắm bắt cơ hội ấy cho mình.
Đối với một người trẻ, tương lai rất rộng mở ở phía trước, đừng bao giờ quên rằng mình có rất nhiều sự lựa chọn. Dù là lựa chọn nào đi nữa, quan trọng nhất là mình cũng phải cần cảm thấy hạnh phúc. Vì đó là mục tiêu cuối cùng của con người, mình đi về hạnh phúc, chứ không đi về công việc, công việc cũng chỉ là một phần trong cuộc sống mà thôi.
Dự án Mind Talks: Better Reader - Better Me là chuỗi sự kiện trò chuyện trực tuyến về các chủ đề đa dạng thông qua những tác phẩm nổi tiếng, được ra đời nhằm khuyến khích giới trẻ ươm dưỡng thói quen đọc sách và xây dựng lối sống tích cực. Chương trình hy vọng rằng các bạn trẻ, theo đó, sẽ trở thành đại sứ và tiếp tục lan truyền niềm yêu thích đọc sách với cộng đồng rộng hơn, kiến tạo một làn sóng thay đổi từ ý thức, thói quen, cho tới hành động.
Mind Talks hứa hẹn sẽ trở thành một sân chơi mới lạ, đa dạng và đầy thú vị cho giới trẻ để tự do học hỏi, khám phá và kết nối với những học giả và bạn bè đồng trang lứa, qua đó, tạo nên những giá trị tích cực cho xã hội với sự góp mặt của các tác giả danh giá trong nước và quốc tế, những nhân vật truyền cảm hứng và những trí thức tiêu biểu của thời đại.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ong-hoang-pho-ly-qui-trung-khong-ai-de-ra-da-gioi-179220618220530329.htm