Ông giáo ngày xưa
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tình thầy trò giữa "ông giáo ngày xưa", Nhà giáo Ưu tú Vũ Mạnh Kha với những người học trò cũ vẫn thắm thiết.
"Ông giáo ngày xưa" Vũ Mạnh Kha nguyên là Hiệu trưởng Trường Đống Đa, trước khi nghỉ hưu thầy là Giám đốc Sở Giáo dục, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.
Về hưu, dù là cán bộ cấp cao của thành phố, thầy vẫn sống cuộc sống "an bần lạc đạo". Ngôi nhà đơn sơ của gia đình thầy ở khu tập thể Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong ngõ Hàng Cháo, phía khán đài B sân vận động Hàng Đẫy. Ngôi nhà nằm sát vách với những căn nhà khác, không có cái cổng bề thế và dãy hàng rào cầu kỳ như dạng "biệt phủ" của nhiều quan chức bây giờ.
Về gặp thầy, chỉ thấy cảm giác ta đang về với một ông giáo già bình dị và thân thiện như ở mọi miền quê của đất nước. Phòng khách nhà thầy có chiếc giường gỗ để thỉnh thoảng thầy hoặc cô ngả lưng cho đỡ mỏi, bộ salon gỗ điển hình thời bao cấp. Trên tường, ngoài tấm ảnh thân phụ chụp chung với Bác Hồ và Chính phủ hồi kháng chiến, thầy chỉ treo những tấm ảnh chụp cùng học trò và đồng nghiệp.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, thầy vẫn nhớ nhiều học sinh thời thầy làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông Công nghiệp cấp 3 Đống Đa - Hà Nội.
Thầy là lứa Thiếu sinh quân Việt Nam đầu tiên, rồi học Trung cấp Sư phạm Khoa học tự nhiên, và khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thụ giáo những thầy cô nổi tiếng như cô Nghiêm Chưởng Châu, thầy Ngô Thúc Lanh, thầy Nguyễn Cảnh Toàn… và được truyền thụ tình yêu nghề sư phạm.
Hơn 40 năm "trồng người", công tác ở nhiều địa phương, lúc Đông Triểu (Quảng Ninh), khi Đống Đa (Hà Nội), thầy vẫn giứ tác phong mô phạm của một nhà giáo mẫu mực. Khi làm quản lý, thầy dành thời gian đứng lớp, trực tiếp truyền thụ kiến thức cho học trò. Thế cuộc xoay vần buộc thầy làm quan chức, chứ thực tâm thầy chỉ muốn làm nhà giáo trọn đời.
Thầy ghét lễ nghi tiệc tùng. Những khi họp mặt Hội Cựu giáo chức hay những dịp gặp học trò, mới là lúc thầy được là một ông giáo, bên bạn bè và các trò nhỏ thân yêu.
Với mọi người, thầy mãi là một nhà giáo luôn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Gần đây, khi một số tài liệu được giải mật, nhiều người mới biết thân phụ thầy là ông Trần Hiệu (tức Vũ Văn Địch), là "ông trùm của những huyền thoại tình báo Việt Nam".
Năm 1945, ông Trần Hiệu thuộc nhóm bảy người được tình báo Anh thả dù xuống miền Bắc Việt Nam để hoạt động cho quân đội Anh và quân Đồng minh. Nhóm tình báo này là các đảng viên cộng sản bị đày tại quốc đảo Madagascar, nhận lời tham gia quân Đồng minh để có cơ hội về nước tham gia cách mạng. Ngay năm ấy, ông được cử làm Phó Tổng Giám đốc Nha Công an Việt Nam.
Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 108/SL, phong ông Trần Hiệu làm Cục trưởng Cục Tình báo Quân đội. Năm 1951 ông được cử làm Giám đốc Nha Liên lạc (Tình báo) thuộc Thủ tướng phủ.
Ngày 10/6/1957, Nha Liên lạc hợp nhất với Cục Quân báo thành Cục Tình báo. Đại tá Trần Hiệu là Cục trưởng đầu tiên. Năm 1960, sau Đại hội lần thứ 3 Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại tá Trần Hiệu thôi giữ chức Cục trưởng Cục Tình báo và được bổ nhiệm làm Viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Ông Trần Quốc Hương, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, trực tiếp phụ trách mạng lưới tình báo trong chiến tranh chống Mỹ, chính là người được ông Trần Hiệu đưa về Cục Tình báo và trực tiếp đào tạo. Các tình báo viên huyền thoại Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn và nhiều người khác đều được Cục Tình báo Việt Nam tuyển chọn và đưa vào lòng địch thời kỳ ông Trần Hiệu làm Cục trưởng Cục Tình báo.
Là con trai trưởng của người lãnh đạo đầu tiên Cục Tình báo Việt Nam, và là Viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, nhưng các đồng sự của thầy Vũ Mạnh Kha đều chưa thấy thầy thổ lộ bao giờ.
Thầy ghét lễ nghi tiệc tùng. Những khi họp mặt Hội Cựu giáo chức hay những dịp gặp học trò, mới là lúc thầy được là một ông giáo, bên bạn bè và các trò nhỏ thân yêu.
Với mọi người, thầy mãi là một nhà giáo luôn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ong-giao-ngay-xua-179220610141142726.htm