Ôn thi tốt nghiệp Ngữ văn: Nghị luận về một đoạn trích văn xuôi
Thí sinh lưu ý những điều sau để làm tốt phần nghị luận văn học - nghị luận về một đoạn trích văn xuôi kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.
Để làm tốt câu nghị luận văn học (làm văn), thí sinh lưu ý bốn yêu cầu sau đây để tránh mất điểm:
Thứ nhất, đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề nghị luận; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.
Thứ hai, xác định đúng vấn đề nghị luận. Thí sinh cần xác định đúng vấn đề cần nghị luận để tránh lạc đề, phân tích đoạn văn xuôi cho sẵn để làm rõ một vấn đề nội dung của tác phẩm, từ đó nhận xét về một khía cạnh nội dung hoặc nghệ thuật tiêu biểu của tác phẩm.
Thứ ba, khi triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, thí sinh có thể làm theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.
Các yêu cầu cần được đảm bảo: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận (khái quát nội dung của đoạn trích văn xuôi); phân tích nội dung và nghệ thuật của đoạn văn xuôi; đánh giá chung (nội dung và nghệ thuật của đoạn trích, khẳng định vai trò, vị trí của tác giả, tác phẩm).
Thí sinh cần tránh phân tích toàn bộ nội dung tác phẩm hoặc chỉ nội dung được yêu cầu. Nghĩa là thí sinh cần đặt nội dung đoạn trích cho sẵn trong mối quan hệ với những phần khác trong tác phẩm để phát triển được ý. Sau đó, nhận xét về một khía cạnh nội dung hoặc nghệ thuật tiêu biểu của tác phẩm theo yêu cầu đề bài.
Thứ tư, cần đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt khi viết. Cuối cùng, cần thể hiện khả năng sáng tạo, suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, diễn đạt mới mẻ.
Vận dụng lí thuyết vào một đề thi Ngữ văn cụ thể: Cảm nhận đoạn trích "Vợ nhặt"
Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:
- Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...
Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn.
Bà lão đặt đũa bát xuống, nhìn hai con vui vẻ:
- Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ.
Bà lão lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười:
- Chè đây - Bà lão múc ra một bát - Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.
Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vẫn tươi cười, đon đả:
- Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.
Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người.
(Trích "Vợ nhặt", Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục, 2008, trang 31)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cái nhìn về hiện thực cuộc sống của nhà văn Kim Lân.
Gợi ý cách làm bài nghị luận về đoạn trích văn xuôi
Thí sinh cần giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận. Thí sinh có thể mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy vào khả năng của mình.
Hình ảnh bữa cơm ngày đói: Đó là bữa cơm của gia đình Tràng với lần đầu tiên có sự hiện diện của người phụ nữ "vợ nhặt". Nhà văn Kim Lân lại chú ý đặc tả hình ảnh bữa ăn nhà Tràng. Quan sát bữa ăn của gia đình họ, người đọc không thể không trỗi lên một niềm thương cảm. Bữa ăn chỉ có một ít cháo và rau chuối, không đủ cho ba miệng ăn. Bởi vậy, ngay sau đó bà cụ Tứ đã bổ sung thêm món "chè khoán". Gọi là "chè khoán" chứ thực chất đó là món cháo cám, một thứ người ta vẫn thường dùng làm thức ăn cho gia súc.
Hình ảnh bữa cơm là một tín hiệu nghệ thuật quan trọng, gợi mở nhiều điều về hiện thực. Đó là sự thảm hại của cuộc sống người nông dân nơi xóm ngụ cư vào những ngày nạn đói hoành hành. Bình thường, cuộc sống của người dân xóm ngụ cư vốn đã đầy ắp những nỗi khó khăn. Giờ giữa nạn đói, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn.
Bà cụ Tứ: Bữa ăn đón nàng dâu mới mà bà cụ Tứ chuẩn bị không thể tránh khỏi cái thảm hại của một gia đình nghèo nàn. Với tất cả sự cố gắng của bà cũng chỉ có thể chuẩn bị cho bữa cơm với một nồi cháo lõng bõng và một lùm rau chuối thái rối.
Nhưng điều quan trọng là ở chỗ, để tránh cho hai đứa con, đặc biệt là người con dâu cảm thấy xót xa trong bữa ăn, bà cụ Tứ đã nói toàn những câu chuyện vui với cái nhìn phấn khởi. Không phải ngẫu nhiên bà lại nói với hai đứa con về việc mua gà để "ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng mấy mà có ngay đàn gà".
Đằng sau câu chuyện là niềm tin với người nông dân Việt Nam đã được dồn tụ từ ngàn đời nay, đó là bài ca dao "Mười cái trứng" với thông điệp quan trọng: "Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây".
Câu chuyện chính là sự động viên khích lệ rất lớn của bà cụ Tứ để đứa con tràn đầy niềm tin vào cuộc sống.
Nhưng dù cố gắng đến đâu thì những câu chuyện vui, những niềm lạc quan mà bà cụ Tứ nói ra cũng không đủ che lấp đi hiện thực nghiệt ngã của bữa ăn ngày đói. Món ăn dù quá xoàng xĩnh cũng không đủ để ba mẹ con vượt qua được cái đói. Bởi vậy, cuối cùng dù không muốn bà lão vẫn phải xuống bếp để bê lên nồi cám mà bà gọi tránh đi là "chè khoán".
Ở chi tiết này, hình ảnh bà cụ Tứ thật đáng thương, tội nghiệp. Bà đã cố gắng để Tràng và người vợ mới về không bị sốc khi đối mặt với hiện thực này bằng những câu nói: "Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ" hay "chè đây... chè khoán đây, ngon đáo để cơ".
Cùng với ngôn ngữ là dáng điệu, cử chỉ, nhà văn Kim Lân đã tỏ ra rất tinh tế khi phát huy tối đa hiệu quả biểu đạt của tiếng Việt. Với ba từ láy liên tiếp "lật đật, lễ mễ, khuấy khuấy", Kim Lân đã đặc tả thành công dáng điệu tất bật vội vã gắn với sự hào hứng, đồng thời vẫn đậm chất nông dân của bà cụ Tứ.
Dường như từ ngôn ngữ đến điệu bộ, cử chỉ bà lão đang cố gắng làm cho nồi cám trở nên hấp dẫn hơn, để hiện thực bớt đắng chát hơn. Dù không thể hiện được nhưng sau khi đưa miếng cám vào miệng, cả ba người đều cảm thấy cái đắng chát nghẹn bứ trong cổ họng. Dẫu sao những cố gắng và tình cảm của bà cụ Tứ một lần nữa làm sáng lên vẻ đẹp của một người mẹ nhân từ hết lòng yêu thương con.
Tràng: "Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ". Cách ứng xử này vừa cho thấy Tràng là người chồng có trách nhiệm với nỗi thẹn không thể dành cho người vợ mới cưới của mình một bữa ăn đủ đầy, một tiệc cưới sang trọng. Chi tiết cũng cho thấy Tràng là người con hết sức khéo léo trong cách cư xử với mẹ, hiểu rõ được hoàn cảnh của gia đình mình.
Người vợ nhặt: "Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng". Bữa cơm nghèo buổi sáng hôm ấy, thị cũng như bà cụ Tứ và anh Tràng đều thấy một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mình khi phải cố nuốt những miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Song, thị cũng như hai mẹ con Tràng, đều cố tránh nhìn mặt nhau, đều không muốn làm người khác phải buồn đau hơn.
Điều này cho thấy sự ý nhị, tinh tế trước thái độ ứng xử đầy nhân bản của người vợ. Sự đanh đá, trơ trẽn trước kia chẳng qua là do đói khát mà ra. Khi được sống trong tình thương, trong mái ấm gia đình, người đàn bà ấy đã sống với bản chất tốt đẹp của mình, của một người phụ nữ Việt Nam. Cái đói có thể cướp đi nhân phẩm trong khoảnh khắc nào đó, chứ không vĩnh viễn cướp đi được tâm hồn con người.
Đánh giá chung: Bữa cơm ngày đói cho thấy nạn đói đe dọa đến sự sống và bao trùm mọi ngóc ngách, ngôi nhà của những người lao động nghèo, cướp đi sinh mạng của biết bao con người khốn khó. Thế nhưng, những con người trong bức tranh nạn đói ấy chưa bao giờ bi quan, tiêu cực mà luôn hướng đến cuộc sống tốt đẹp ở tương lai, thể hiện sức sống tinh thần đầy mạnh mẽ. Đặc biệt qua hình ảnh nồi cháo cám đã thể hiện sự trân trọng của nhà văn Kim Lân đối với khát khao sống chính đáng ở những người nông dân nghèo.
Về nghệ thuật: Nghệ thuật tạo tình huống độc đáo, đó là chuyện "nhặt vợ" của một anh nông dân có tên là Tràng.
Nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật: Ở đoạn trích này có ba nhân vật xuất hiện là Tràng, vợ Tràng và mẹ Tràng. Họ là những con người khốn khổ lại sống trong tình cảnh "thảm hại" nên khi phác thảo chân dung của họ, nhà văn Kim Lân vừa chấm phá được nét tự nhiên, vừa phác họa được nét riêng chân dung của từng người.
Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật: không phải là tâm trạng lụi tàn mà tâm lí theo chiều phát triển. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ: nhà văn Kim Lân rất có biệt tài trong việc chọn lọc và vận dụng ngôn từ, tạo nên được sự hòa hợp tuyệt đối trong ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ chân chất đồng quê.
Nhận xét cái nhìn hiện thực của tác giả: Đoạn trích nói riêng, tác phẩm nói chung đã tái hiện được bối cảnh hiện thực rộng lớn, quan trọng của một giai đoạn lịch sử: nỗi khổ, tình cảnh thê thảm của con người trong nạn đói do tội ác của bọn phát xít, thực dân và phong kiến tay sai gây nên.
Hiện thực ấy hiện lên qua những chi tiết đầy ám ảnh, nhức nhối: mâm cơm đón nàng dâu mới thật "thảm hại", đặc biệt là nồi "chè khoán ngon đáo để" của bà cụ Tứ, thực ra là cám. Tràng, người mẹ và người vợ nhặt của anh đã bám víu vào nhau dưới mái nhà tồi tàn nhưng cái đói, nỗi tủi cực đã khiến cho tất cả đều có cảm giác chua xót, bẽ bàng – miếng cháo cám đắng chát, nghẹn bứ trong cổ. Hiện thực đó được thể hiện bởi bút pháp tả thực già dặn, tình huống truyện độc đáo, ngôn ngữ đậm chất nông dân… của nhà văn.
Bức tranh hiện thực được khắc hoạ rõ nét ở toàn cảnh và cả cận cảnh, ở số phận của từng con người. Qua đó, nhà văn gián tiếp tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945. Tác phẩm thể hiện tấm lòng xót thương, đồng cảm với số phận bi đát và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, gửi gắm niềm tin vào sự đổi đời của người nông dân Việt Nam.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/on-thi-tot-nghiep-ngu-van-nghi-luan-ve-mot-doan-trich-van-xuoi-179230405170111529.htm