Ôn thi tốt nghiệp môn Ngữ văn: Cách làm bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ
Thí sinh lưu ý những điều sau đây để làm tốt câu nghị luận văn học - nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.
Đề thi nghị luận về một đoạn thơ những năm qua
Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm qua thường yêu cầu thí sinh nghị luận (cảm nhận, phân tích) về một đoạn thơ cho sẵn.
Theo đó, đề thi Ngữ văn năm 2017: Cảm nhận đoạn thơ: "Đất là nơi anh đến trường... Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ" trong đoạn trích "Đất Nước", từ đó, bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Đề thi Ngữ văn năm 2020 (lần 1): Phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn trích: "Em ơi em... Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại".
Đề thi Ngữ văn năm 2020 (lần 2): Phân tích cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến được nhà thơ Tố Hữu thể hiện qua đoạn trích: "Nhớ khi giặc đến giặc lùng... Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng" (Việt Bắc).
Đề thi Ngữ văn năm 2021 (lần 1): Cảm nhận đoạn thơ: "Trước muôn trùng sóng bể... Cả trong mơ còn thức" trong bài thơ "Sóng". Từ đó, nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh (lần 1);
Đề thi Ngữ văn năm 2021 (lần 2): Trình bày cảm nhận đoạn thơ: "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa... Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa" trong bài "Tây Tiến", từ đó, nhận xét cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng trong đoạn thơ.
Dàn ý nghị luận về một đoạn thơ
Mở bài: Giới thiệu tác giả dẫn vào bài thơ và trích dẫn đoạn thơ.
Thân bài: Giới thiệu xuất xứ (bài thơ trích trong tập thơ nào?); hoàn cảnh sáng tác (sáng tác năm nào, gắn liền với sự kiện lịch sử gì nổi bật?); tóm tắt nội dung, bố cục bài thơ.
Phân tích nội dung, nghệ thuật bài thơ: Lần lượt làm rõ nội dung, nghệ thuật đoạn thơ. Chia đoạn thơ thành từng đoạn nhỏ (gồm những câu thơ có cùng nội dung hoặc liên quan với nhau về nội dung) rồi giới thiệu, trích thơ và phân tích dẫn chứng thơ.
Giới thiệu dẫn chứng: Giới thiệu vị trí dẫn chứng, giới thiệu nội dung chính của dẫn chứng, kết hợp nêu vị trí dẫn chứng với nội dung chính.
Trích dẫn dẫn chứng: Phải trích nguyên văn và đặt dẫn chứng trong ngoặc kép, viết dẫn chứng thành đoạn riêng.
Phân tích dẫn chứng: Dùng lời văn của mình để làm rõ nội dung (nói cái gì, nói như vậy là có ý gì); nghệ thuật (biện pháp tu từ nào); ý nghĩa của dẫn chứng (có thể từ ngữ tiêu biểu hoặc cả câu thơ được trích dẫn).
Để phân tích được dẫn chứng phải hiểu nghĩa của từ ngữ, vận dụng những hiểu biết về tác giả, hoàn cảnh sáng tác bài thơ, những kiến thức đọc hiểu về văn bản, hiểu biết về văn học và đời sống; liên tưởng và tưởng tượng, nhận xét và suy luận (lưu ý: phân tích, cảm nhận chứ không diễn xuôi đoạn thơ, sẽ bị trừ điểm).
Đánh giá chung thành công về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
Giải quyết yêu cầu phụ (nếu có).
Kết bài: Tóm lại, đoạn thơ nổi bật gì về nội dung và nghệ thuật? Gợi liên tưởng rộng hơn, sâu sắc hơn (thường nêu tác động của đoạn thơ đến tư tưởng, tình cảm của người đọc hay đóng góp của đoạn thơ với văn học, với đời sống. Có thể nêu ngắn gọn cảm nghĩ về tác giả, bài thơ, đoạn thơ.
Vận dụng lí thuyết vào một đề thi thử
Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ trên, từ đó nhận xét nghệ thuật vận dụng các chất liệu văn học dân gian vào đoạn thơ.
Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Khoa Điềm và đoạn trích "Đất Nước" và phân tích đoạn thơ theo gợi ý sau:
Phần đầu khúc ca, nhà thơ đưa người đọc về với cội nguồn đất nước. Câu thơ mở đầu được nhà thơ viết theo thể câu khẳng định: "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi". Cách nói "Đất Nước đã có rồi" đã thể hiện niềm tự hào mãnh liệt về sự trường tồn của Đất Nước qua mấy ngàn năm lịch sử. Hai từ "Đất Nước" được viết hoa diễn tả sự tự hào, trân trọng, yêu quý của tác giả khi nói về đất nước.
Hai câu thơ tiếp theo nhà thơ diễn tả vẻ đẹp của Đất Nước trong chiều sâu văn hóa, phong tục. Những từ ngữ như Đất Nước "có trong", Đất Nước "bắt đầu" là những từ ngữ diễn tả rất nhẹ nhàng về sự ra đời của Đất Nước: "Đất Nước có trong những cái 'ngày xửa ngày xưa' mẹ thường hay kể/ Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn".
Tác giả mượn chất liệu văn học dân gian để diễn tả về Đất Nước. Đối với trẻ thơ, Đất Nước thân thương qua lời kể "Ngày xửa ngày xưa" của bà của mẹ… Có nghĩa là Đất Nước đã có từ lâu đời. Đất Nước có từ trước khi những truyện cổ ra đời, rồi khi những truyện cổ có mặt trong đời sống tinh thần của ta, ta lại thấy Đất Nước hiện diện trong những câu chuyện ấy. Đó là Đất Nước của một nền văn học dân gian đặc sắc với những câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết.
Không chỉ "có trong những cái ngày xửa ngày xưa", Nguyễn Khoa Điềm còn xác định cái buổi ban đầu ấy qua một nét sống giản dị nhưng đậm đà của những người mẹ, người bà Việt Nam. Đó là phong tục ăn trầu: "Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn". Câu thơ gợi nhớ về câu truyện cổ tích "Sự tích trầu cau" được xem là xưa nhất trong những câu truyện cổ. Tục ăn trầu cũng từ truyện cổ này mà nên. Như vậy là thẩm thấu vào trong miếng trầu dung dị ấy là 4000 năm phong tục, 4000 năm dân ta gìn giữ phong tục ăn trầu. Miếng trầu là biểu tượng của tình yêu, vật chứng cho lứa đôi cũng là biểu tượng tâm linh của người Việt.
Một Đất Nước không thể thiếu truyền thống mà một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta là truyền thống đánh giặc giữ nước: "Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc". Nhà thơ lại liên tưởng song hành về sự lớn mạnh của đất nước qua ý thơ "Đất Nước lớn lên…". Chữ "lớn lên" là để chỉ sự trưởng thành của Đất Nước.
Câu thơ gợi nhắc cho ta nhớ đến truyền thuyết về cậu bé Thánh Gióng, mới lên ba đã biết xông pha trận mạc. Đứa bé ấy đã vươn vai trở thành chàng trai Phù Đổng Thiên Vương nhổ tre Ngà đánh giặc. Từ đó, Thánh Gióng trở thành biểu tượng khỏe khoắn của tuổi trẻ Việt Nam kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Truyền thống vẻ vang ấy đã theo suốt chặng đường dài của lịch sử dân tộc mãi đến hôm nay.
Từ truyền thống đánh giặc ngoại xâm Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục khai thác thêm nhiều yếu tố mang vẻ đẹp thuần phong mỹ tục của con người Việt: "Tóc mẹ thì bới sau đầu/ Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn/ Cái kèo, cái cột thành tên/ Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng".
Đó là vẻ đẹp giản dị của người phụ nữ Việt Nam, không ai khác là những người mẹ với phong tục "búi tóc sau đầu" (tóc cuộn thành búi sau gáy tạo cho người phụ nữ một vẻ đẹp nữ tính, thuần hậu rất riêng).
Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục gắn dòng suy tưởng đến con người ngàn đời cư trú, lao động, chiến đấu trên mảnh đất Việt để giữ gìn tôn tạo mảnh đất thân yêu. Ở đó đạo lí ân nghĩa thủy chung đã trở thành truyền thống ngàn đời của dân tộc: "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn". Ý thơ được toát lên từ những câu ca dao đẹp: "Tay bưng đĩa muối chén gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau".
Thành ngữ "gừng cay muối mặn" được vận dụng một cách đặc sắc trong câu thơ nhẹ nhàng mà thấm đượm biết bao ân tình. Nó gợi lên được ân nghĩa thủy chung ở đời. Quy luật của tự nhiên là gừng càng già càng cay, muối càng lâu năm càng mặn. Quy luật trong tình cảm con người là con người sống với nhau lâu năm thì tình nghĩa càng đong đầy.
Từ cha mẹ thương nhau mới đi đến "Cái kèo cái cột thành tên". Câu thơ gợi nhắc cho người đọc nhớ đến tục làm nhà cổ của người Việt. Đó là tục làm nhà sử dụng kèo cột giằng giữ vào nhau làm cho nhà vững chãi, bền chặt tránh được mưa gió, thú dữ. Đó cũng là ngôi nhà tổ ấm cho mọi người trong gia đình đoàn tụ bên nhau; siêng năng tích góp mỡ màu dồn thành sự sống. Từ đó, tục đặt tên con cái Kèo, cái Cột cũng ra đời.
Đâu chỉ có những vẻ đẹp trên, dân tộc ta còn có truyền thống lao động cần cù, chịu thương chịu khó "Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng". Thành ngữ "Một nắng hai sương" gợi nên sự cần cù chăm chỉ của cha ông ta những ngày long đong, lận đận trong đời sống nông nghiệp lạc hậu. Đó là truyền thống lao động cần cù, chịu thương chịu khó. Để làm ra hạt gạo ta ăn hàng ngày, người nông dân phải trải qua bao nắng sương vất vả gieo cấy, xay, giã, giần, sàng. Thấm vào trong hạt gạo bé nhỏ ấy là mồ hôi, vị mặn nhọc nhằn của giai cấp nông dân bao đời nay.
Câu thơ cuối cùng khép lại một câu khẳng định với niềm tự hào: "Đất Nước có từ ngày đó". "Ngày đó" là ngày nào ta không rõ nhưng chắc chắn ngày đó là ngày ta có truyền thống, có phong tục tập quán, có văn hóa mà có văn hóa nghĩa là có đất nước.
Nhận xét nghệ thuật vận dụng các chất liệu văn học dân gian vào đoạn thơ
Thành công của đoạn thơ trên là nhờ vào việc vận dụng khéo léo chất liệu văn hóa dân gian như phong tục ăn trầu, tục búi tóc, truyền thống đánh giặc, truyền thống nông nghiệp. Nhà thơ sáng tạo thành ngữ dân gian, ca dao tục ngữ… Tất cả làm nên một đoạn thơ đậm đà không gian văn hóa người Việt. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, lời thơ nhẹ nhàng, giọng điệu thủ thỉ tâm tình nhưng vẫn mang đậm hồn thơ triết lí.
Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng khá đậm đặc và rất đa dạng. Có phong tục, lối sống, tập quán sinh hoạt, vật dụng quen thuộc; có ca dao, dân ca, tục ngữ, các truyện cổ tích từ xa xưa.
Chất liệu dân gian được sử dụng rất sáng tạo. Cách vận dụng của tác giả thường chỉ gợi ra bằng một vài chữ của câu ca dao hay một hình ảnh, một chi tiết trong truyền thuyết, cổ tích…nhưng vẫn đầy đủ ý nghĩa, thậm chí là sâu sắc, mới mẻ; vừa gợi nhớ đến chất liệu văn học dân gian nhưng lại trở thành một câu, một ý thơ gắn bó trong mạch thơ của bài.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/on-thi-tot-nghiep-mon-ngu-van-cach-lam-bai-nghi-luan-ve-mot-bai-tho-doan-tho-179230403133044851.htm