Học lịch sử chính là "ôn cũ để biết mới"
Gần đây, ý kiến đòi bỏ môn Lịch sử khỏi chương trình học bắt buộc ở bậc trung học phổ thông nhận nhiều ý phản ứng của dư luận. Khi thế hệ mai này không biết mình là ai, từ đâu tới thì làm sao có thể biết sẽ đi về đâu?
"Chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến?" là một câu hỏi kinh điển và lạ lùng, bởi mỗi khi tới gần thì câu trả lời thường lại lùi xa.
Gần đây tôi có dịp được đọc một số cuốn của các nhà nghiên cứu mà mình hằng yêu mến, xin được lược giới thiệu tới bạn đọc.
Người Sử Lộc
Trong Lời nói đầu cho chuyên khảo "Đời sống con sông" ("Những công trình khoa học Địa lý tiêu biểu", NXB Giáo dục, tháng 10.2007), cố Giáo sư Lê Bá Thảo (1923-2000) viết:
"Trong đời sống chúng ta ai mà chưa từng đi ngang con sông một lần? Dòng sông dù rộng hay hẹp, nước sông dù chảy xiết hay êm đềm, sông bao giờ cũng để lại cho chúng ta một cảm giác sâu sắc về sự vận động cụ thể của vật chất, về sự đổi thay trong thiên nhiên. Từ miền xuôi lên miền ngược, những thành phố lớn, những làng mạc trù phú thường nằm ở ven sông, ven suối. Sông suối bao giờ cũng gắn với hoạt động kinh tế của xã hội loài người.
Điều đó cũng dễ hiểu: Người ta dùng nước sông để ăn, để tưới ruộng, để cung cấp cho các thành phố, công xưởng. Sông lại còn là những "con đường biết đi": Người ta chở thuyền đi lại trên sông, thả bè nứa, bè gỗ trôi theo dòng sông. Trong nhiều trường hợp, sông lại còn là biên giới thiên nhiên giữa hai nước, ngăn chặn được bước tiến của quân thù.
Cũng không phải là sự ngẫu nhiên mà phần nhiều các thành quách cổ đều nằm ở trong khúc uốn của con sông: Thành Cổ Loa nằm trong khúc uốn của sông Tập (nhánh của sông Cà Lồ), thành Thăng Long nằm trong khúc uốn của sông Tô Lịch và sông Hồng (theo tài liệu của Nhiệm Mỹ Ngạc viết trong quyển "Tổ quốc đích địa hình" xuất bản tại Trung Quốc, sông Dương Tử ngày xưa không chảy ra miền Hoa Trung (Trung Quốc) mà chảy về phía hồ Đại Lý, nối liền với sông Hồng của ta. Về sau sông Dương Tử mới bị cướp dòng chảy về phía hiện nay, sông Hồng trở thành sông độc lập)...
Sông có nhiều lợi ích như vậy nên được người ta coi trọng. Nhưng đồng thời sông cũng gây nhiều tai họa làm người ta không phải không lo lắng về tác hại của sông. Trình độ của sức sản xuất càng thấp kém chừng nào thì mối lo lắng càng lớn chừng đó. Vì vậy mà từ xưa người ta đã nghĩ cách để chinh phục các dòng sông, bắt sông phải phục vụ cho lợi ích của con người.
Cách đây khoảng 5.000 năm, người Babylon, người Trung Hoa, người Ai Cập, người La Mã đã đào kênh khơi ngòi, lấy nước sông để tưới ruộng, để cung cấp nước ăn cho các thành phố, để làm đường vận chuyển.
Tổ tiên ta ngày xưa cũng đã nghĩ đến cách tận dụng năng lực tiềm tàng của các dòng sông. Sách "Lĩnh nam di thư" còn chép rằng: "Người Sử Lộc, tổ tiên là người Việt, đã lấy dòng bắc sông Tương đưa vào sông Sở Dong cho dòng nam chảy ra biển.
Việc vận lương khó khăn, y bèn liệu thế làm bè để dẫn nước chảy ngược ở giữa đám sỏi cát, xếp đá làm máng rồi bắt nước sông Tương chảy rót vào, đi ngược 60 dặm, Sử Lộc đặt 36 cửa ngăn, khi thuyền vào ngăn nào thì đóng cửa cống ngăn ấy, để cho nước chứa đầy dần dần, cho nên thuyền có thể lên được ghềnh cao, xuống được thác dốc. Kênh này để cho thuyền bè qua lại và còn dùng vào việc tưới ruộng, tên gọi là Linh Cừ"...
Viết đến đây, ông bày tỏ thái độ thận trọng với ghi chú: "Sông Tương là một sông phụ của sông Dương Tử chảy qua hồ Động Đình. Sông Sở Dong hiện là sông Ly chảy vào sông Tây Giang ở miền nam Trung Quốc hiện nay. Về vấn đề Sử Lộc, cần phải nghiên cứu thêm về mặt lịch sử.
Sử Lộc sống vào khoảng năm 214 trước Công nguyên. Vào thời kỳ đó, từ núi Ngũ Lĩnh trở lên phía bắc thuộc về nhà Tần, từ núi Ngũ Lĩnh trở về phía nam thuộc về các bộ tộc Việt, trong đó có người Lạc Việt là tổ tiên ta. Lúc đó chưa có nước Việt Nam mà chỉ có bộ tộc Việt sống ở miền nam Trung Quốc hiện nay. Các bộ tộc này vào thời kỳ đó chưa được kể là người Hán, phong kiến người Hán coi họ là những dân tộc "mọi rợ" ở phương Nam.
Về sau khi người Hán tràn xuống phía nam, nhiều bộ tộc Việt bị Hán hóa, còn người Việt ta ngày nay do người Lạc Việt di cư xuống châu thổ sông Hồng mà thành (xem Việt sử thông giám cương mục tiền biên, tập I). Sử Lộc là người Việt, có thể coi như thuộc về tổ tiên ta vậy".
Cố Giáo sư Lê Bá Thảo cũng viết thêm về nguồn gốc người Việt: "Nhiều dân tộc khi di cư từ địa phương này đến địa phương khác cũng sử dụng đường sông là con đường thuận tiện nhất. Chắc chắn là dân tộc Thái vào thế kỷ XII khi di cư vào Việt Nam cũng đã sử dụng các đường giao thông tự nhiên như sông Hồng, sông Lô, sông Chảy".
Người Giao Chỉ
Khi viết cuốn "Việt Nam cổ văn học sử" (Nhà xuất bản Hàn Thuyên, 1942, do Trần Văn Giáp đề tựa, Huỳnh Thúc Kháng đề bạt; tái bản các năm 1970, 1993), cố Giáo sư Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) đã trân trọng ghi lên trang đầu tiên câu ngạn ngữ Latin: "Verba Volant, scripta manent" (Lời nói bay đi, chữ viết còn lại), đồng thời trân trọng dẫn Luận ngữ: "Ôn cũ mà biết mới".
Trong phần "Gốc gác người Việt Nam", Giáo sư viết: "Dọc theo một dải đất làm góc cho phía đông và phía nam Châu Á, hai mặt giáp biển, hai mặt giáp núi rừng: Ấy là địa thế nước Việt Nam.
Nước Việt Nam từ dưới lên trên quăn co như một con rồng cuộn khúc. Đầu là xứ Bắc Kỳ, đuôi là chót mũi Cà Mau. Mấy dãy núi ở thượng du Bắc Kỳ là lông tóc và sừng, còn dãy Trường Sơn là một chuỗi kỳ trên lưng. Người ta còn ví với một đòn gánh gánh hai thúng lúa là vì miền bắc và nam, nhất là miền nam, đất bằng phì nhiêu, dân cư trù phú, còn miền giữa toàn là núi rừng trùng điệp kéo dài, trừ ra dọc men bờ biển thì lại đất xấu dân nghèo.
Dải đất ấy hiện nay người Việt Nam đang làm chủ nhân. Nhưng hàng thế kỷ trước Jesus Christ giáng sinh từng có nhiều dân tộc nối nhau mà sinh tụ ở đấy rồi.
Về vấn đề này có nhiều nhà nhân chủng học, khảo cổ học chủ trương nhiều thuyết khác nhau. Dầu vậy ta có thể dựa theo một ít thuyết chính, đủ hiểu biết đại khái gốc gác của giống người mình.
Kỳ thủy chừng là một giống người ở quần đảo Nam Dương vượt biển tràn đến một số rất ít ở khoảng miền Nam. Đó là một chủng loại rất cổ, người thấp đen, là giống Négritos, từng làm gốc cho loại da đen ở Châu Phi, Châu Úc và Ấn Độ. Nhưng liền đó giống Mélanésien (Mã Lai) bành trướng ở quần đảo Nam Dương và vùng lân cận qua diệt giống người trên, chiếm lấy lãnh thổ và dần dần vượt lên phía bắc.
Chưa được bao lâu có một giống người khác là Indonésien, một chủng loại xa xưa ở Ấn Độ bị dân Aryen đánh đuổi phải tràn qua Viễn Đông. Họ dừng chân ở bờ biển Nam Hải, cho một phần trong bọn vượt biển đi luôn sang tận các miền hải đảo ở nam Thái Bình Dương, còn một phần ở lại dần dần bị tiêu diệt hoặc đồng hóa giống Mélanésien.
Tiến lên phía Bắc, họ phải tranh cạnh với giống Thái, một giống người khởi nguyên ở Tây Tạng theo sông Hoàng Hà và Cửu Long tràn xuống làm gốc cho người Xiêm, Lào (thuyết của B.Maybon và H.Russier cho là "gốc tích người An Nam khi xưa hẳn ở tại những rặng núi nay còn làm địa giới cho nước Tàu và xứ Tây Tạng). Trước khi hai giống đang giao tiếp nhau thì trung bộ Châu Á có giống Mông Cổ làm gốc cho loại da vàng ở Đông Á.
Sau khi tràn xuống phía đông dựng nên nước Tàu họ bèn đi dần xuống miền nam (thuyết của Léonard Aurosseau thì cho người mình là người nước Việt ở miền hạ lưu sông Dương Tử, sau bị nước Sở đời Xuân Thu đánh đuổi phải chạy xuống nam là Quảng Đông, Quảng Tây bây giờ, rồi lần lần đến Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ), hỗn hợp với hai giống người trên mà thành ra một giống lai.
Giống người sau đây nhờ được bẩm thụ được cái tinh thần mạnh mẽ của người phương bắc, không bao lâu tự lập thành quốc gia riêng rồi chừng mươi thế kỷ gần đây lần lần tiến vào nam diệt được người Indonésien lai mà ở cho đến bây giờ. Ấy là người Việt Nam ta vậy.
(Trong bài "Người Việt Nam", Đông Thanh số 4, Nguyễn Trọng Thuật có nói: Người Việt Nam cũng là giống pha chứ không phải thuần túy hẳn. Trong có giống Hồng Lạc là chủ nhân ông, rồi đến giống Thổ, giống Tàu, giống Chiêm, giống Mên mà đều bị giống Hồng Lạc hấp hóa đi mà làm thành một giống Việt Nam duy nhất cả. Giống Thổ, giống Chiêm và giống Mên là dân hèn kém, bị chinh phục thì bị hấp hóa đã cố nhiên.
Đến như giống Tàu là giống ưu thắng lại truyền thụ giáo hóa cho người Việt Nam, thế mà không những không còn chút gì là di phong cố quốc, mà lại nhận nước Nam làm tổ quốc, lấy người Việt làm đồng bào tỏ ra tình ruột thịt thân yêu, chứ không những hóa theo một ngôn ngữ phong tục mà thôi. Xem người Âu Châu bao đời mà không hóa tán được người Do Thái, nước Ý đại lợi không hấp hóa được hai tỉnh giáp nước Pháp thì biết cái tinh thần hấp hóa về chủng tộc của người Việt Nam là thế nào).
Hơn 2.000 năm trước kỷ nguyên, ở phương nam nước Tàu đã có một dân tộc tự gọi là Việt Thường từng cho sứ đi giao thiệp với nhà Đường – Nghiêu. Xuống đến đời nhà Chu (hơn 1.000 năm trước kỷ nguyên) lại có tên là Giao Chỉ sang đi sứ. Gốc gác người Việt Nam xưa chắc là đó.
(Giáo sư chú giải: Chữ Giao Chỉ có nhiều sách viết và giải nghĩa khác nhau. A – là giao bến, nghĩa là thổ dân con trai, con gái cùng tắm chung một bến. B – là giao chân, nghĩa là hai ngón chân cái hướng vào nhau, có nhà bác sĩ cho như thế là vì mắc bệnh phong cân, nước Việt Nam xưa đất đai có nhiều đồng lầy, là một nơi rất tốt cho vi trùng bệnh ấy sinh nở nên mắc phải nhiều. C – là ở đối nhau. Xưa loài người trong thế giới có hạng "đối trú" (bên nam bên bắc ở đối nhau), có hạng "lân trú" (bên đông bên tây ở liền nhau). Cái tên Giao Chỉ là của dân tộc phương bắc gọi dân tộc phương nam, ý rằng một người bên nam một người bên bắc thì bàn chân giao nhau. D- là cõi nam giao. E – là đất có giao long, tức thuồng luồng. Trong sách "Nghệ An Ký", Bùi Dương Lịch có đoạn: Cái tên Giao Chỉ thấy trong sử họ Cao Dương, cái tên Việt Thường thấy trong sử vua Đường – Nghiêu, chỉ có sách "Thủy Kinh Chú" chép rằng: Miền Chu Ngô trở về nam có người Văn Lang, sinh hoạt giữa đồng nội, không có nhà cửa, đêm tối nương cây mà ngủ, cá thịt ăn sống, làm nghề kiếm trầm hương đổi chác với người ta như dân đời thái cổ).
Cách sinh hoạt buổi thượng cổ có lẽ còn thô lỗ và đơn giản hơn dân Mường, Mọi bây giờ. Trên một mảnh đất chật mà núi rừng chiếm lấy phần nhiều (theo sách "Việt sử yếu", Hoàng Cao Khải lấy cớ: Bãi Tự Nhiên nay giáp huyện Thượng Phúc, huyện Đông Yên (Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung); Mã Viện kéo quân theo đường bờ biển đánh nhau với Trưng Trắc ở Lãng Bạc (tức Hồ Tây) là nơi rốn biển; Hưng Yên còn có tên là Cửa Cờn rồi kết luận rằng thuở xưa từ Sơn Tây trở lên là đất núi, từ Hà Nội trở xuống là bãi biển sau này bồi dần ra), dân Việt Nam đã dùng cung tên săn bắn và đồ đánh cá, dần dần biết làm ruộng bằng cuốc đá trau và lợi dụng nước sông để cho lúa tốt.
Họ còn dệt vải quấn vào người thay cho quần áo và vẽ mình, ăn trầu... Hình thức gia đình là chế độ mẫu hệ, đàn bà góa không con được phép lấy anh hay em chồng.
Rồi khi chế độ mẫu hệ không đứng vững được nữa, phái đàn ông bèn tổ chức thành từng bộ lạc, mỗi bộ lạc thần phục một người đứng đầu là Lang (theo ý tôi – Nguyễn Đổng Chi – thì Hùng Vương có lẽ là một Lang dòng dõi người Tàu, biết đem một ít văn minh của Tàu truyền bá cho bộ lạc mình nên được nổi tiếng hơn các Lang khác. Chữ Hùng, theo H. Maspéro thì là chữ Lạc. Chính trong "Đại Việt sử ký toàn thư", Ngô Sĩ Liên cũng có chua: Lạc tướng sau lầm làm Hùng tướng. Còn vua Thục An Dương, theo Ngô Tất Tố thì không có trên lịch sử nước nhà – Tao Đàn số 3). Người này đối với dân có cái uy về thần quyền hơn là uy chánh trị. Về sau tiếp xúc văn hóa Trung Quốc nên mọi việc lần lần thay đổi.
Hiện nay ở lẫn lộn trong vài tỉnh phía bắc như Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình còn có giống dân Mường, Thổ: Ấy là di chủng Việt Nam xưa không hấp thụ văn hóa Tàu mà lại chịu ảnh hưởng sâu của giống Thái. Bọn họ còn giữ được nhiều tính tình, phong tục cổ.
Ở rải rác trên dãy Trường Sơn lại có những bộ lạc người Mọi (xem sách "Mọi Kontum", Mộng Thương thư trai xuất bản, có thuật nhiều điều gần gũi giữa người Việt Nam và người Mọi) như Bahnar, Xê Đăng, Ba nâm... Ấy là di tích giống Indonésien còn sót lại. Còn người Chàm cùng các bộ lạc Rhadé, Djarai... lại là giống Indonésien lai Mélanésien.
Ngoại giả có một ít giống Mán, Mèo (tức người H'Mông) ở miền rừng núi biên thùy phía Bắc lại khác, họ là giống người Tam Miêu bên Tàu (trong sách "Đông Dương sử yếu" có nói: "Dân Giao Chỉ tức là gốc ở Tam Miêu Kinh Man sau bị dân Hán đánh đuổi mới dần dần dời về Nam". Trong "Việt Nam sử lược" có đoạn: "Lại có nhiều người Tàu và người Việt Nam nói rằng nguyên khi xưa đất nước Tàu có giống Tam Miêu ở, sau giống Hán tộc (tức người Tàu bây giờ) ở phía tây bắc lại đánh đuổi người Tam Miêu đi, chiếm giữ lấy vùng sông Hoàng Hà lập ra nước Tàu, rồi dần dần xuống phía nam, người Tam Miêu phải lẩn núp vào rừng hay là xuống miền Việt Nam ta bây giờ")….
"Chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến?" là một câu hỏi kinh điển và lạ lùng, bởi mỗi khi tới gần thì câu trả lời thường lại lùi xa. "Sự hiểu biết sẽ chỉ được mở ra dần dần qua nhiều thời đại dài lâu kế tiếp nhau. Sẽ đến cái thời mà con cháu chúng ta sẽ lấy làm ngạc nhiên rằng chúng ta không biết những điều rất bình thường đối với chúng" (Seneca, "Các vấn đề tự nhiên", Quyển 1, thế kỷ 1). Và nếu chúng ta không học hỏi về quá khứ như hai vị giáo sư tiền bối nêu trên, liệu chúng ta sẽ định hướng ra sao về tương lai phía trước?
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/on-cu-biet-moi-179220531164757064.htm