Nữ sinh đạt 10 điểm môn Ngữ văn không đi học thêm
Là thí sinh duy nhất cả nước đạt 10 điểm môn Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, Trần Ngọc Đan Thanh (Nghĩa Hưng, Nam Định) cho biết, bản thân chú trọng việc học trên lớp, đọc nhiều tài liệu và không đi học thêm môn này.
Ngày 18/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023. Theo đó, điểm thi của thí sinh Trần Ngọc Đan Thanh (Nghĩa Hưng, Nam Định) đạt được lần lượt là: Toán 8; Ngữ văn 10; Lịch sử 9; Địa lí 8; Giáo dục công dân 9,75; Tiếng Anh 9.
Ngay khi nhận được kết quả, Thanh như vỡ òa vì số điểm tuyệt đối ở môn Ngữ văn: "Em mừng đến rơi nước mắt, không nghĩ đạt được điểm số đó. Tối qua em đã hồi hộp không ngủ được".
Đạt tổng điểm khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí) và khối D (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) là 27 điểm, nhưng chỉ từ năm lớp 12, Đan Thanh mới tập trung cho môn Ngữ văn và theo đuổi tổ hợp Khoa học xã hội theo sự định hướng của cô giáo.
Nữ sinh quê Nam Định này cho biết, khi bắt đầu tìm hiểu sâu môn Ngữ văn, phần lý luận văn học là khó nhất. "Em gần như không hiểu gì", Thanh kể: "Em phải đọc nhiều tài liệu, nhất là nhiều bài văn đoạt giải cao cấp tỉnh, cấp quốc gia để hiểu hơn và tham khảo cách viết lồng lý luận văn học vào bài cho mượt mà và cuốn hút".
Chỉ đi học thêm môn Toán, không đi học thêm môn Ngữ văn, cách Đan Thanh nâng cao khả năng viết lách của mình là qua việc luyện đề trên lớp, đề đội tuyển học sinh giỏi và đọc sách, tài liệu.
Trong khi chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, nữ sinh này thường xuyên thức đến 12 giờ, thậm chí 2 giờ sáng để làm đề, hôm sau tiếp tục vào guồng ôn luyện từ sớm.
Với lịch học dày đặc, Đan Thanh thường giải trí bằng cách nhảy múa: "Em thích nhảy. Hoạt động này giúp em giải phóng cơ thể, giãn cơ, bớt căng thẳng trong quá trình học tập. Nên ngoài lúc học, cứ khi nào có thể, em sẽ thực hiện những động tác nhảy múa, cũng là hình thức thể dục".
Chia sẻ kinh nghiệm làm bài, Đan Thanh chia sẻ: "Trước khi đặt bút viết em sẽ lướt qua đọc đề thi một lượt. Ở phần đọc hiểu, em đọc câu hỏi trước, gạch chân vào đề ý chính và câu hỏi cần trả lời, sau đó mới tập trung vào văn bản và trả lời cẩn thận theo sát ý hỏi.
Trong phần nghị luận xã hội, em đọc thật kỹ yêu cầu, tránh lạc đề và đưa ra lập luận, lý lẽ thuyết phục. Còn phần nghị luận văn học, em chú ý đưa vào bài viết nhiều lý luận văn học, đặc biệt là các nhận định, câu nói đắt giá của các nhà phê bình văn học, rồi liên hệ, so sánh với những tác phẩm khác.
Khi đó bài viết nghị luận văn học của mình sẽ vừa dài hơn, vừa sâu sắc, đa chiều và gây hứng thú với giám khảo chấm thi".
Đan Thanh cho biết, bản thân rất thích ngành Quan hệ công chúng và sẽ đăng ký vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Ngoại thương trong thời gian tới.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nu-sinh-dat-10-diem-mon-ngu-van-khong-di-hoc-them-179230718125513467.htm