Nỗ lực tìm giải pháp khơi thông dòng vốn, giúp người dân, doanh nghiệp

08:06 - 08/09/2023

Ngày 7/9, tại cuộc về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ đã lắng nghe trao đổi các giải pháp hiệu quả, tháo khó cho doanh nghiệp.

Trao đổi các giải pháp hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, việc ưu tiên hàng đầu là tìm ra các giải pháp để nâng cao hiệu khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Nỗ lực tìm giải pháp khơi thông dòng vốn, giúp người dân, doanh nghiệp - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì trao đổi đề xuất các giải pháp thiết thực, kịp thời, hiệu quả cho việc tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp. Nguồn: VGP.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn rất quan tâm, trăn trở, cầu thị, lắng nghe ý kiến từ các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, qua đó có nhiều giải pháp chỉ đạo sâu sát, kịp thời nhằm bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn,… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến tín dụng, lãi suất,… tác động tích cực lên tình hình phát triển kinh tế đất nước, tuy nhiên vẫn chưa được như mong muốn, kỳ vọng.

Chính vì vậy cần phải tiếp tục phân tích thấu đáo tình hình để tiếp tục tìm ra các giải pháp tổng thể, phù hợp, hiệu quả hơn nữa để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân và nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các đại biểu phát biểu thẳng thắn, rõ ràng, đi thẳng vào nội dung, có căn cứ dẫn chứng cụ thể, đề xuất các giải pháp thiết thực, kịp thời, hiệu quả (nhất là các giải pháp liên quan đến lãi suất; thủ tục, điều kiện tiếp cận tín dụng; triển khai thực hiện các gói hỗ trợ đặc thù; các giải pháp mang tính hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương,…) qua đó góp phần thực hiện tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Theo đó, các đại biểu đã trao đổi, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng, Công tác điều hành chính sách tiền tệ hiện đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tiền tồn đọng trong ngân hàng thì quá dư thừa, cũng giống như hàng hóa trong các doanh nghiệp bị tồn kho. 

Mặc dù đã có nhiều chính sách cải thiện, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong nhiều lĩnh vực nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay". Đây là vấn đề rất khó!

Báo cáo cụ thể của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.

Bốn nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế

Theo Ngân hàng Nhà nước, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: Do tác động của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản;… Bên cạnh đó, việc triển khai một số chương trình tín dụng (gói 120.000 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ lãi suất) cũng gặp khó khăn, vướng mắc.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết để tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất 4 nhóm giải pháp gồm: thứ nhất, nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; thứ hai, nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản); thứ ba, nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; thứ tư, nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã trình bày các ý kiến phân tích, góp ý để có được những kết luận triển khai hiệu quả. Đại diện các Ngân hàng thương mại cũng chia sẻ những khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp thông qua các đề xuất các giải pháp liên quan đến kích cầu tiêu dùng, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, khôi phục niềm tin thị trường,... để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Tiếp tục vượt qua khó khăn thách thức, phát huy hiệu quả các việc đã làm và tiếp tục tìm giải pháp khơi thông dòng vốn

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, các ý kiến rất trách nhiệm, sâu sắc, sát thực tế, phù hợp… để cùng tìm giải pháp xử lý xử lý công việc chung. Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan phát huy tinh thần cầu thị, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp để chủ động có giải pháp tháo gỡ ngay theo thẩm quyền và quy định pháp luật, không để chậm trễ, bị động, mất tính thời điểm.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn nội tại của nền kinh tế đất nước bộc lộ ra. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có cơ hội. Chúng ta cần phải tìm cơ hội trong khó khăn để vượt qua khó thách thức.

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Trong đó tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình kinh tế, diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực, trong nước để có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực trong nước, các lĩnh vực tạo sự phát triển đột phá, lan tỏa, truyền dẫn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với nâng cao khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh những lĩnh vực ưu tiên cũng phải quan tâm cung ứng tín dụng cho các khu vực khác để thúc đẩy kinh tế hồi phục, phát triển…

Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát lại các điều kiện liên quan đến tín dụng, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội, dư luận, tiếp thu các kiến nghị hợp lý, tháo gỡ được gì thì phải tính toán, có giải pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế. Quan trọng nhất hiện nay là phải tìm điểm cân bằng, thiết kế lãi suất mặt bằng hợp lý…

Nỗ lực tìm giải pháp khơi thông dòng vốn, giúp người dân, doanh nghiệp - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tập trung tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ảnh VGP.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, điều hành chính sách tài khóa phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng để hỗ trợ kích thích tổng cầu của nền kinh tế. Thực hiện có hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành. Đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, người dân.

Khẩn trương nghiên cứu các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vốn để kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ vay và ổn định, an toàn, bền vững tài chính quốc gia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh phân phối, các thị trường mới, tiềm năng, khôi phục và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, truyền thống; tận dụng tối đa lợi ích các FTA thế hệ mới.

Nghiên cứu các giải pháp hiệu quả để kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh triển khai chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; giảm chi phí logistic để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí giá thành sản xuất.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiếp độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản; có giải pháp khả thi, hiệu quả để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân đầu tư công, sớm đưa các dự án đi vào khai thác, kích thích đầu tư và chi tiêu khu vực tư nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng.

Chủ động thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh; có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tự tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và tuân thủ các quy định pháp luật, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tập trung đẩy mạnh phát triển kinh doanh, đổi mới quản trị, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động; chủ động, tích cực mở rộng đầu tư nhất là các dự án hiệu quả, có tính lan tỏa cao.

Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương rà soát khung khổ pháp lý, kịp thời phát hiện và xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để chủ động sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định có liên quan, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, củng cố niềm tin, khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp, đồng thuận cao trong xã hội.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tăng cường năng lực tài chính, quản trị của doanh nghiệp, lành mạnh hóa tình hình tài chính, minh bạch dòng tiền và xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi. Đồng thời, chủ động hơn nữa trong việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.


Nguồn: VGP

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/no-luc-tim-giai-phap-khoi-thong-dong-von-giup-nguoi-dan-doanh-nghiep-179230908080629101.htm