Những sự sống đầu tiên trên sao Hỏa có thể đã vô tình hủy diệt cả hành tinh
Các vi khuẩn đầu tiên xuất hiện trên sao Hỏa có thể đã tạo ra hiện tượng "hiệu ứng nhà kính ngược" và biến hành tinh này thành chốn không còn nuôi dưỡng sự sống.
Sự sống cổ đại hình thành trên sao Hỏa có thể đã phá hủy bầu khí quyển của hành tinh thông qua hoạt động biến đổi khí hậu, cuối cùng dẫn đến sự diệt vong. Đây nhận định được đưa ra trong một nghiên cứu mới đáng chú ý được xuất bản vào ngày 10/10 trên tạp chí Nature Astronomy.
Lý thuyết mới xuất phát từ một nghiên cứu mô hình khí hậu, mô phỏng các vi khuẩn tiêu thụ hydro và sản sinh khí methane sống trên sao Hỏa cách đây 3,7 tỉ năm.
Vào thời điểm đó, các điều kiện khí quyển khá giống với những gì đã tồn tại trên Trái đất cổ đại trong cùng thời kỳ. Nhưng thay vì tạo ra một môi trường giúp sự sống phát triển như đã xảy ra trên Trái đất, các vi khuẩn trên sao Hỏa có thể đã tự diệt vong ngay khi chúng mới bắt đầu nhen nhúm hình thành.
Mô hình cho thấy lý do sự sống phát triển mạnh trên Trái đất, trong khi lại bị diệt vong trên sao Hỏa là do thành phần khí của hai hành tinh khác nhau, cũng như khoảng cách tương đối của chúng so với Mặt trời.
Nằm cách xa ngôi sao của Thái dương hệ hơn so với Trái đất, sao Hỏa ở giai đoạn sơ khai phụ thuộc nhiều vào lớp khí khá dày, chứa nhiều CO2 và hydro để giữ lại hơi ấm của Mặt trời.
Vì vậy, khi các vi sinh vật xuất hiện trên sao Hỏa cổ đại và bắt đầu ăn hydro (một loại khí nhà kính mạnh) để tạo ra methane (một loại khí nhà kính quan trọng trên Trái đất nhưng kém mạnh hơn hydro), chúng cơ bản là ăn dần vào "lớp chăn" giữ nhiệt của hành tinh Đỏ. Nói một cách khác, một hiệu ứng nhà kính ngược đã xảy ra, với cái kết cuối cùng là sao Hỏa trở nên quá lạnh tới mức sự sống phức tạp không còn phát triển nữa.
Theo đó, khi nhiệt độ bề mặt sao Hỏa giảm từ phạm vi có thể chấp nhận được (10 đến 20 độ C) xuống mức âm sâu (-57 độ C), vi khuẩn càng lúc càng chui sâu vào trong lớp vỏ của hành tinh, vốn ấm hơn. Chúng đi vào độ sâu lên tới 1km, chỉ vài trăm triệu năm sau khi bề mặt hành tinh trở nên nguội lạnh.
Để tìm ra bằng chứng cho lý thuyết của mình, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem có dấu vết của vi khuẩn cổ đại trên sao Hỏa, hay liệu còn vi khuẩn cổ nào vẫn sống sót tới nay hay không.
Được biết nhiều vệ tinh khác nhau đã phát hiện dấu vết khí methane trong bầu khí quyển loãng của sao Hỏa. Khí này cũng được tàu thăm dò Curiosity của NASA phát hiện.
Các nhà khoa học tin rằng phát hiện của họ chứng minh một điều: sự sống có thể không tự duy trì khả năng tồn tại trong mọi môi trường thuận lợi mà nó xuất hiện. Thay vì thế, sự sống có thể dễ dàng tự xóa sổ bằng cách vô tình phá hủy nền tảng giúp nó sinh tồn.
"Các thành phần của sự sống có ở khắp mọi nơi trong vũ trụ", tác giả chính của nghiên cứu là Boris Sauterey, một nhà thiên văn học tại Viện Sinh học của trường l'Ecole Normale Supérieure (Paris, Pháp) nói với trang tin Space.com.
"Vì vậy, có khả năng sự sống xuất hiện rất thường xuyên trong vũ trụ. Nhưng việc sự sống không có khả năng duy trì các điều kiện giúp nó sinh sống trên bề mặt một hành tinh sẽ khiến nó tuyệt chủng rất nhanh. Thí nghiệm của chúng tôi còn tiến xa hơn một bước vì nó cho thấy rằng ngay cả một hệ sinh quyển rất sơ khai vẫn có khả năng tạo hiệu ứng tự hủy hoàn toàn".
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-su-song-dau-tien-tren-sao-hoa-co-the-da-vo-tinh-huy-diet-ca-hanh-tinh-179221015085657756.htm