Những nỗi "sợ" của người học nhiều
Càng học nhiều lên, ta càng thấy sợ. Chẳng rõ lý do vì sao, nhưng chính những người học càng cao, càng giỏi thì càng thấy mình...không biết gì?!
Càng học càng sợ...không biết gì!
Thật là một nghịch lý: bạn đã bao giờ học đến độ thấy sợ vì thấy mình càng học càng không biết gì chưa? Thực tế là như vậy.
Một trong những lời tâm sự được nghe nhiều từ những người đã trải qua nhiều năm tháng học tập không ngừng đó là nỗi sợ trước rừng kiến thức mênh mông vô tận. Càng học càng thấy biển kiến thức ấy lớn vô tận, và nhiều người đã không thể bền đỗ đến cùng.
Loài người từ khi sinh ra đã có bản năng học hỏi, nhờ vậy một thế giới chỉ có cây cỏ, gió cát, mặt trời và bóng đêm đã trở thành một hành tinh văn minh, đầy máy tính và phương tiện. Tất cả có được đều bởi sự học hành mà ra. Nhờ có học hỏi, sự tiến hóa, tiến bộ của con người ngày càng diễn ra tốt đẹp, nhanh mạnh hơn qua các giai đoạn. Vì vậy, việc học chưa bao giờ là việc có thể dừng lại giữa dòng chảy của các thế hệ.
Một học giả trẻ từng tâm sự: "Khi mình 20 tuổi, mình đọc gần hết sách trong cái thư viện ở trường Đại học, rồi tiếp tục tìm cách xin học trong các chương trình quốc tế để đọc ké sách tiếng Anh. Mình nghĩ là mình rất giỏi...
Khi mình 23 tuổi, vừa đi dạy ở đại học, vừa đi làm bán thời gian ở một Công ty chứng khoán, vừa tự quản lý quỹ riêng cho một nhóm bạn và kiếm được kha khá tiền, mình nghĩ mình hiểu biết khá nhiều...
Đến khi đi Úc học thạc sĩ và đi làm thêm ở một quỹ đầu tư ở Úc trong một thời gian ngắn, mình phát hiện mình không biết cái gì cả.
Sau đó, mình sang Anh học tiến sĩ, mình nghĩ là mình biết một chút gì đó từ những gì mình học được ở Úc từ trường đại học và các nơi mà mình đã từng làm việc, nhưng đến khi được học chung PhD với một bạn người Pakistan làm ở Ngân hàng Trung ương Pakistan ở London, mình mới hiểu rằng kiến thức mình đã biết... không là gì cả!".
Câu chuyện trên đây cũng khá giống với câu chuyện của nhiều người, đó là một tâm trạng "hoang mang" khi đi trên con đường học tập suốt đời.
Học nhanh vì sợ mất cơ hội, nhưng học mãi vẫn thấy thiếu
Khi còn nhỏ, ở tuổi cắp sách tới trường, chắc hẳn nhiều bạn trẻ không ít hơn một lần được ước "ước gì học xong thật nhanh để ra trường đi kiếm tiền". Nhưng, ngược lại với suy nghĩ đó, nhiều người trưởng thành, kiếm được rất nhiều tiền thì lại quay trở lại đi học, học nữa, học mãi vẫn thấy thiếu kiến thức, thiếu nhiều kinh nghiệm. Chưa kể, những kiến thức mới, nếu không kịp cập nhật thì chính những kinh nghiệm đeo bám bấy lâu sẽ trở nên lạc hậu, và rất có khả năng họ bị đánh bật khỏi thời cuộc kiếm tiền lúc nào không hay.
Chỉ khi còn học, còn đi, còn nghĩ, còn tích lũy, thì người nào cũng còn có rất nhiều cơ hội để phát triển bản thân, thay đổi cuộc sống và còn cảm thấy hữu ích, thú vị. Khi đi từ chặng học này tới chặng khác, từ bộ môn này tới chuyên ngành kia, mỗi lần như vậy, ta đều cảm thấy như được bước sang một lãnh địa mới, được tìm hiểu những điều mới lạ. Điều này sẽ kích thích toàn bộ các giác quan của con người. Trong đó, não bộ luôn được kích hoạt sẽ được vận hành liên tục, sáng tạo và mới mẻ. Điều đó cũng giúp bạn duy trì được năng lượng tích cực mỗi ngày.
Người đã từng đi qua nhiều cơ hội và từng kiếm được tiền ở một vài cơ hội sẽ có những kinh nghiệm vô cùng quý giá, không gì đổi được. Khi tuổi nhỏ, học những điều nhỏ, lớn lên thì học những điều lớn lao hơn. Và rồi cơ hội sẽ tới, bạn sẽ không phải chạy đua với bất kỳ ai. Bởi kiến thức, kinh nghiệm là của bạn. Nếu nó thực sự là của bạn một cách bền vững, chắc chắn, thì cơ hội sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào.
Dù là khó khăn, hãy để việc học chỉ như mới bắt đầu
Trở lại với chuyện của học giả bên trên, với chặng đường gần 10 năm sau đại học, với việc tiếp tục học nâng cao, vị học giả này đã nhận ra rằng: "Những gì cho là mình biết là do mình tự nghĩ mình biết thôi, chứ thật ra là mình biết sai rất nhiều thứ. Đọc vài cuốn sách, làm vài công việc rồi tự nghĩ là mình đã biết rồi. Ở đáy giếng thì tự thấy bầu trời bé tí ấy mà."
Như vậy, kiến thức không chỉ có một, mà tồn tại ở nhiều dạng thức khác nhau, được truyền tụng từ đời này tới đời kia. Thật diễm phúc cho những người tìm được đúng kiến thức phù hợp với năng lực và trình độ của mình. Từ đó, họ có thể dùng những kiến thức học được, dễ dàng vận dụng và thực hành trong cuộc sống và công việc. Đó là trường hợp của những người thành đạt.
Kiến thức ở nhiều dạng thức cũng không có nhiều hay ít, không có khó hay dễ, không có hàn lâm hay bình dân. Nó chỉ phù hợp với năng lực và khả năng vận dụng của người này, hay người khác. Vậy nên, chúng ta cũng không đem kiến thức của người này làm tiêu chuẩn đo đếm sự hiểu biết của người khác. Chỉ cần, kiến thức vừa đủ để vận dụng và kích hoạt đúng khả năng thì người sở hữu kiến thức ấy mới thực sự hữu ích.
Sống trong xã hội thay đổi từng tích tắc, bạn cũng không thể cho mình được phép ngồi yên. Nếu bạn thực sự mong muốn thay đổi cuộc đời, thậm chí lớn lao hơn là thay đổi thế giới, thì trước tiên, bạn phải học, lần theo dấu chân của những người đi trước, thông qua việc học, bạn sẽ có những bước tiến nhanh hơn trên nền những kinh nghiệm, tích lũy từ biết bao thế hệ từ thuở tạo thiên lập địa.
Nếu có câu nói rằng: "hãy sống như bạn chỉ còn một ngày để sống", thì bạn có thể vận dụng câu nói ấy vào việc học. Hãy để việc học chỉ như bạn vừa mới bắt đầu, với tất cả sự hào hứng, đón nhận, khám phá... Và chắc chắn, bạn sẽ khám phá được nhiều điều!
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-noi-so-cua-nguoi-hoc-nhieu-179221205163102514.htm