Những nguy cơ mới của phát triển đô thị
Sáng 10/6/2022, tọa đàm "Phát triển đô thị và những nguy cơ mới" đã được Viện Pháp tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu vì sự Phát triển (IRD), Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học và Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) phối hợp tổ chức tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Tọa đàm là dịp để bàn về những nguy cơ mới của đô thị, như lũ lụt, ô nhiễm không khí, dịch bệnh, và phương pháp mô hình hóa mô phỏng để thể hiện những vấn đề này một cách dễ xem và dễ hiểu hơn đối với đại chúng.
"Sự phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh đô thị, là trọng tâm của các dự án hợp tác mà Viện Pháp tại Việt Nam đã và đang triển khai trong hơn một năm qua. Chúng tôi tổ chức các buổi tọa đàm về chủ đề này với mong muốn chia sẻ về những chủ điểm tạo nên bối cảnh sống của chúng ta hôm nay và tạo hình của các thành phố trong tương lai. Từ đó đưa ra phương án giải quyết thách thức và tận dụng cơ hội tại các đô thị với tầm nhìn dài hạn và phát triển bền vững", bà Frederique Horn (Viện Pháp tại Việt Nam) chia sẻ.
Theo Phó giáo sư Phan Thị Hà Dương (Viện Toán học và Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup): "Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO và Quỹ VINIF trong hai năm qua đã tổ chức nhiều bài giảng và ngày khoa học về các vấn đề phát triển khoa học công nghệ gắn với đời sống xã hội và môi trường.
Để hưởng ứng "Năm Quốc tế Khoa học Cơ bản về Phát triển Bền vững" theo Liên hợp quốc, chúng tôi đã hợp tác cùng Viện Pháp tại Việt nam, tổ chức chuỗi sự kiện chuyên đề "(Những) Thành phố bền vững" với các tọa đàm về các chủ đề như ô nhiễm môi trường, quản lý nguồn nước, quy hoạch đô thị, giao thông công cộng.v.v... nhằm đem đến những góc nhìn đa dạng về việc phát triển bền vững".
Hình dung về thành phố của ngày mai và thể hiện trực quan ngay từ hôm nay để giúp tất cả các tác nhân liên quan hiểu được tính phức tạp, cùng đánh giá rủi ro cũng như thảo luận về tiến trình thay đổi và hoạch định của thành phố.
Đây là mục tiêu được hướng tới bởi các phương pháp mô hình hóa tích hợp, ví dụ như phương pháp mô hình hóa dựa trên tác tử, với khả năng nghiên cứu các quỹ đạo có thể xảy ra, xác định các phân nhánh của chúng, đặc biệt là các phân nhánh liên quan đến các nguy cơ mới và tính dễ bị tổn thương của quần thể dân số.
Những phương pháp mô hình hóa này dựa vào việc xây dựng và mô phỏng thế giới nhân tạo, nơi hành vi của các tác nhân và môi trường xung quanh được thể hiện một cách chi tiết. Những phương pháp này đang dần trở thành một công cụ thiết yếu để bàn về các vấn đề xã hội - môi trường cũng như để nghiên cứu, thậm chí để xây dựng các kịch bản ứng phó với những hạn chế, đôi khi là mâu thuẫn nhau, của các bên liên quan.
Mô hình hóa cũng giúp tạo ra những mô phỏng mới về thành phố kèm theo những bất cập có khả năng xảy ra. Nhờ vậy, chúng ta có thể xem xét lại các hoạt động của mình, hình dung thành phố theo một cách khác và được hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi sang lối sống đô thị bền vững.
Tại tọa đàm, ba diễn giả - nhà nghiên cứu đầu ngành đã giới thiệu 3 dự án cụ thể về mô hình hóa mô phỏng các nguy cơ ở đô thị, bao gồm: Thiết kế các chiến lược sơ tán trong trường hợp lũ lụt (dự án ESCAPE), Mối liên hệ giữa phương thức tổ chức của thành phố và ô nhiễm không khí (dự án Hoan Kiem Air) và Chính sách y tế trước tình hình dịch bệnh ở các đô thị (dự án COMOKIT).
Qua đó, người nghe có thể hiểu được mô hình hóa được sử dụng như thế nào trong việc ra quyết định của các cơ quan công quyền.
Tọa đàm có sự tham gia của Giáo sư Alexis Drogoul - chuyên gia nghiên cứu về tin học tại Viện nghiên cứu vì sự Phát triển (IRD). Ông chuyên nghiên cứu về mô hình hóa và mô phỏng tin học. Trong nhiều năm qua, ông đã hợp tác với các nhóm nghiên cứu phía Việt Nam để thiết kế những công cụ cho phép xây dựng và phát triển những mô hình về hệ thống môi trường - xã hội phức. Việc hợp tác này đã cho ra đời nền tảng mô hình hóa GAMA được sử dụng trên toàn thế giới.
Diễn giả - Phó giáo sư Nguyễn Ngọc Doanh hiện đang giảng dạy tại Đại học Thủy Lợi. Ông hoàn thành chương trình Tiến sĩ Khoa học Máy tính tại Đại học Pierre và Marie Curie Paris 6 vào năm 2010. Chuyên ngành của ông là mô hình hóa và mô phỏng các hệ thống phức tạp. Ông là Giám đốc Đơn vị nghiên cứu quốc tế hỗn hợp UMMISCO tại Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu liên hợp LMI thuộc dự án ACROSS, chuyên nghiên cứu về việc sử dụng kết hợp các phương pháp mô hình hóa khác nhau (mô hình kết hợp) để hỗ trợ ra quyết định trong quản lý các hệ thống môi trường xã hội.
Diễn giả - Giáo sư Patrick Taillandier - nhà nghiên cứu khoa học máy tính tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường (INRAE). Từ tháng 10 năm 2020, ông sang làm việc tại IRD và trường ĐH Thủy Lợi. Ông chủ yếu nghiên cứu việc mô hình hóa hành vi con người và làm sao để xem xét những khía cạnh của nhận thức, xã hội và cảm xúc trong việc ra quyết định.
Từ tháng 11/2021 cho đến nay, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện chuyên đề "(Những) Thành phố bền vững", Viện Pháp tại Việt Nam đã tổ chức thành công 7 tọa đàm, quy tụ 33 diễn giả là các chuyên gia đầu ngành của Pháp và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thu hút hơn 650 người tham dự trực tiếp và khoảng 11.500 lượt theo dõi trực tuyến, bao gồm: "Nghĩ và sống thành phố của ngày mai; Tái định nghĩa kiến trúc ở Đông Nam Á; Ô nhiễm không khí; Quản lý bền vững nguồn nước; Cảnh quan nguồn nước và quy hoạch đô thị; Công trình xanh; Moto – Metro: Những thách thức của giao thông đô thị.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-nguy-co-moi-cua-phat-trien-do-thi-17922061010465457.htm