Những lưu ý khi chuẩn bị mâm cỗ Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ là ngày Tết truyền thống, đã tồn tại lâu đời trong văn hóa dân gian phương Đông. Tại Việt Nam, Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch, còn được gọi với tên khác là Tết giết sâu bọ.
Năm nay, Tết Đoan Ngọ sẽ rơi vào thứ Hai ngày 10/6. Vào ngày này, người dân sẽ phát động phong trào bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên vườn tược, cánh đồng... Bên cạnh ý nghĩa tiêu diệt sâu bọ phá hoại mùa màng, người Việt còn cho rằng đây là dịp để giải trừ bệnh tật trong thời điểm giao mùa.
Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ tại các miền có những nét đặc trưng riêng gồm các món ăn, bánh trái khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung mâm cúng đều có hương, hoa, vàng mã, trái cây tươi, cơm rượu nếp.
Mâm cúng miền Bắc thường không thể thiếu bánh gio với mật mía, một số trái có vị hơi chua như vải, mận... Người dân miền Trung thường cúng các món làm từ vịt vào ngày này, cùng với các loại chè, bánh tráng vừng... Còn mâm cỗ cúng của người miền Nam luôn có bánh ú tro, với nhiều loại bánh khác như bánh bá trạng, xôi gấc, xôi vò...
Người xưa quan niệm vị cay nồng của cơm rượu nếp sẽ loại bỏ các loại kí sinh trong cơ thể. Hạt cơm chắc mà dẻo quyện với chút cay cay nhẹ của men rượu nhưng vẫn có chút ngọt ở hậu vị. Còn với trái cây, từng vùng miền sẽ chuẩn bị những loại trái cây phù hợp theo mùa. Chủ yếu sẽ chọn các loại quả của mùa hè, có tính nóng, có vị chua ngọt và tươi ngon.
Mâm cỗ Tết Đoan Ngọ ở miền Bắc
Người miền Bắc thường chuẩn bị hai loại quả mận và vải. Đây là hai thức quả phổ biến nhất trong mùa Tết Đoan Ngọ mỗi năm. Ngoài ra trong mâm cúng của người miền Bắc không thể thiếu bánh gio (hay còn gọi là bánh tro). Bánh được làm bằng gạo nếp ngâm trong nước tro đốt, khi ăn sẽ được chấm cùng nước mật mía ngọt ngào hấp dẫn. Bánh phù hợp ăn mùa hè bởi độ thanh mát, ngọt nhẹ và rất dễ ăn.
Ngoài ra ở một vài địa phương còn chuẩn bị thêm bánh khúc người Nùng ở Mường Khương, Lào Cai. Bánh khúc thơm ngon, bùi bùi của nhân đỗ, dẻo thơm của vỏ nếp khiến bạn càng ăn càng nghiền.
Mâm cỗ Tết Đoan Ngọ ở miền Trung
Thịt vịt trong ngày Tết Đoan Ngọ ở miền Trung mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Họ quan niệm rằng từ ngày mồng 5 tháng 5 trở đi, vịt đã bắt đầu vào mùa. Lúc đó, những con vịt trở nên béo hơn và có thịt ngon, chắc hơn, không còn mùi hôi. Ngoài ra, thời điểm này thời tiết nóng nực vịt có tính hàn sẽ giúp cân bằng nhiệt. Vịt có thể chế biến thành nhiều món ăn như vịt luộc, cháo vịt, gỏi vịt, vịt tiềm thuốc bắc,...
Một món ăn khác được người dân miền Trung chuẩn bị trong ngày Tết Đoan Ngọ là chè kê. Chè kê có vị ngọt thanh mang lại cảm giác thanh mát dễ chịu. Người miền Trung thường ăn chè kê với bánh tráng vừng.
Mâm cỗ Tết Đoan Ngọ ở miền Nam
Trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở miền Nam không thể thiếu bánh ú tro, chè trôi nước,... Trước ngày Tết lớn thứ hai trong năm này, bánh ú tro được bày bán rất nhiều ở các khu chợ lớn nhỏ. Bánh ú tro có hình chóp, sau lớp lá tre hoặc lá chuối là phần gạo nếp có màu nâu đẹp mắt, nhân bên trong là đỗ xanh giã nhuyễn. Bánh có độ dẻo quánh của gạo nếp, nhân đỗ bùi bùi béo béo, thanh mát và dễ ăn.
Chè trôi nước có phần vỏ là bột gạo nếp được nặn thành hình tròn bên trong là nhân đậu. Ngoài ra, nhiều người dân miền Nam còn chuẩn bị thêm bánh bá trạng, xôi gấc, xôi vò trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ.
Ngày này, nhiều gia đình sẽ có phong tục tắm nước lá để thanh tẩy cơ thể, giết sâu bọ bằng cách ăn cơm rượu, vải, mận... Bên cạnh đó, để tránh những điều xui rủi, người dân từ xưa kiêng kị làm một số hành động như: không vứt giày dép lộn xộn (vì trong tiếng Hán giày dép là "tà"), kiêng đánh rơi hay chi tiền vào việc không xứng đáng, không mua vật phẩm có hình thù kỳ lạ vì có thể gặp trắc trở...
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-luu-y-khi-chuan-bi-mam-co-tet-doan-ngo-179240609183853467.htm