Những điều cần biết về tín chỉ carbon và lộ trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam
Tín chỉ carbon là công cụ hiệu quả để đo lường và giảm lượng khí nhà kính gây ra từ hoạt động của con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Hiện nay, trên thế giới, thị trường tín chỉ carbon đang phát triển nhanh cả về thị phần giao dịch và số lượng tổ chức tham gia.
Tín chỉ carbon và thị trường carbon
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và cho phép chủ sở hữu được quyền phát thải 1 tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng khí nhà kính khác tương đương 1 tấn CO2 (tCO2e).
Theo Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (năm 1997), các quốc gia dư thừa quyền phát thải có thể bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu đã cam kết và ngược lại. Từ đó, trên thế giới xuất hiện một loại hàng hóa mới được tạo ra dưới dạng chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính.
Do CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon không chỉ giúp giảm lượng khí nhà kính, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc giảm biến đổi khí hậu. Đây là một trong những công cụ hiệu quả để đo lường và giảm lượng khí nhà kính gây ra từ hoạt động của con người trong bối cảnh vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng được quan tâm.
Các loại thị trường carbon trên thế giới
Sau Nghị định thư Kyoto, thị trường carbon đã phát triển mạnh tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á. Có hai loại thị trường chính là:
Thị trường carbon bắt buộc (Mandatory Carbon Market): thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế phát triển bền vững (SDM) hoặc đồng thực hiện (JI).
Thị trường carbon tự nguyện (Voluntary Carbon Market): dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân carbon.
Thị trường thương mại phát thải quốc tế đầu tiên là của Liên minh châu Âu, vận hành từ năm 2005. Đây là công cụ chính sách quan trọng bậc nhất của Liên minh châu Âu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và sau này là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thị trường này chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn châu Âu và khoảng 3/4 thị trường phát thải carbon toàn cầu.
Trung Quốc bắt đầu đề cập xây dựng thị trường carbon trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 và sau đó đã tiến hành thí điểm diện rộng tại các khu vực, thành phố với các mức độ kinh tế đa dạng khác nhau. Ngày 16/7/2021, thị trường giao dịch trao đổi carbon Trung Quốc đã chính thức vận hành nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon năm 2060. Ước tính khoảng 1/7 lượng khí thải carbon toàn cầu từ đốt nhiên liệu hóa thạch được trao đổi trên thị trường này.
Lộ trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam
Ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.
Theo đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon;...
Giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon
Ngày 22/10/2020, Thỏa thuận chi trả giảm phát thải từ rừng vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã được ký kết giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đối với 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, giai đoạn 2018-2024. Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới với tổng giá trị là 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng.
Đến năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới.
Ngày 31/10/2021, Ý định thư về mua bán giảm phát thải được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổ chức Emergent (tổ chức điều phối của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp - LEAF) cho 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Dự kiến, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho Emergent 5,15 triệu tấn CO2 với giá tối thiểu là 10 USD/tấn (tương đương 51,5 triệu USD) cho giai đoạn 2022-2026. Diện tích rừng tham gia chương trình dự kiến 4,26 triệu ha, gồm 3,24 triệu ha rừng tự nhiên và 1,02 triệu ha rừng trồng.
Ngoài ra, theo thống kê của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, tại Việt Nam, hơn 300 chương trình, dự án đã đăng ký thực hiện theo các cơ chế tín chỉ carbon. Trong đó, khoảng 150 chương trình, dự án được cấp hơn 40,2 triệu tín chỉ carbon và trao đổi trên thị trường carbon thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đang có tới 50 triệu tín chỉ CO2 rừng có thể đem bán mỗi năm. Với giá bán 5USD/tín chỉ, tương đương 250 triệu USD/năm, đây sẽ là một nguồn thu lớn từ rừng.
Hiện trên cả nước có khoảng 3 vùng đã sẵn sàng bán tín chỉ carbon từ rừng. Vùng có trữ lượng lưu giữ carbon lớn nhất là vùng Đông Bắc với 21 triệu tấn carbon mỗi năm.
Trong đó, Bắc Kạn là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên vào loại lớn nhất trong các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc. Hiện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được đánh giá rất tốt, môi trường nước đều nằm trong giới hạn cho phép.