Những điều cần biết khi đi lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024

12:25 - 16/02/2024

Lễ hội chùa Hương đã chính thức khai hội Xuân Giáp Thìn 2024. Nơi đây luôn có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước. Mỗi năm có hàng triệu người hành hương đến chùa Hương chiêm bái Thánh tích.

Những điều cần biết khi đi lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024- Ảnh 1.

Tam quan chùa. Ảnh: Wikipedia

Chùa Hương ở đâu?

Danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 55km. Quần thể danh thắng chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn bao gồm phức hệ núi non, hang động, thảm thực vật, thủy văn, hệ động vật và hệ thống đình, đền, chùa, nằm rải rác quanh khu vực núi Hương Sơn. Đa số các di tích dựa vào sườn núi hoặc nằm ở thung lũng có địa thế đẹp để kiến tạo nên di tích, tọa lạc rải rác trên địa bàn các thôn: Yến Vĩ, Đục Khê, Hội Xá, Tiên Mai và Phú Yên.

Các di tích này chia làm 3 tuyến chính (theo Lý lịch di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn): 

Tuyến Hương – Thiên bao gồm các đền, chùa và động: Đền trình Đục Khê, Đền Ngũ Nhạc, đình Yến Vỹ, hang Sơn thủy hữu tình, chùa Thiên Trù, động Đại Binh, chùa Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Trấn Song, động Hương Tích và chùa Hinh Bồng. 

Tuyến Long Vân – Hương Đài gồm: Chùa Thanh Sơn, động Hương Đài, chùa Long Vân, động Long Vân; chùa Cây Khế và hang Sũng Sàm. 

Tuyến Tuyết Sơn gồm: Đền Trình Phú Yên, chùa Bảo Đài, chùa Cá, chùa Tuyết Sơn và am Phật Tích.

Những điều cần biết khi đi lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024- Ảnh 2.

Chùa Thiên Trù trong quần thể chùa Hương. Ảnh: Wikipedia

Đi đến chùa Hương bằng cách nào?

Bạn có thể lựa chọn những cách sau để đến Chùa Hương từ trung tâm thành phố Hà Nội:

Đi đến chùa Hương bằng xe máy: Nếu không muốn đi đến chùa Hương bằng xe buýt, bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng xe máy để thuận tiện và thoải mái hơn về thời gian. Từ đó, chủ động điều chỉnh lịch trình và ghé qua các địa điểm khác trên đường đi đến chùa Hương.

Đi đến chùa Hương bằng xe buýt: Bạn bắt tuyến xe buýt số 103A Bến xe Mỹ Đình – Hương Sơn, chạy từ Bến xe Mỹ Đình đến chùa Hương và ngược lại. Xe hoạt động từ 5 giờ đến 8 giờ hàng ngày với tần suất 15 phút/chuyến. Giá vé là 9.000 đồng/vé 1 chiều/người. Tuy nhiên, việc di chuyển bằng xe buýt có thể mất nhiều thời gian, đặc biệt là trong giờ cao điểm và có thể khó tìm được chỗ ngồi.

Thuê xe riêng đi đến chùa Hương: Đi đông người hoặc đi với gia đình, bạn có thể thuê xe tự lái hoặc có tài xế để đến chùa thuận tiện và thoải mái nhất.

Sau đó, mua vé đi thuyền ở khu vực cổng vào rồi lên thuyền tại bến Đục và đi xuôi dọc theo Suối Yến để đến các điểm chính của chùa. Tuyến đường thủy dài khoảng 4km và mất từ 45 phút đến 1 tiếng để đi từ bến tàu vào quần thể di tích chùa Hương.

Những điều cần biết khi đi lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024- Ảnh 3.
Những điều cần biết khi đi lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024- Ảnh 4.

Sáng 15/2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng), Lễ hội chùa Hương đã chính thức khai hội tại sân Thiên Trù - chùa Hương (huyện Mỹ Đức) với chủ đề "Văn minh, an toàn và thân thiện" mang tính nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Ảnh: Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội

Lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024 kéo dài bao lâu? 

Sáng 15/2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024), lễ hội chùa Hương đã chính thức khai hội tại sân Thiên Trù - chùa Hương (huyện Mỹ Đức) với chủ đề "Văn minh, an toàn và thân thiện" mang tính nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2024 Đặng Văn Cảnh: Lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng, giàu tính nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Lễ hội còn là nơi hội tụ các nét đẹp văn hóa cổ truyền như bơi thuyền, leo núi, hát văn, hát chèo, đêm thơ, rước kiệu… cùng với tiếng trống khai hội linh thiêng.

Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày đầu diễn ra lễ hội, Ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử; nâng cao chất lượng quản lý xuồng đò, sắp xếp hàng quán, phân luồng giao thông. Bến xe có sức chứa 5.000 khách.

Theo Ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, năm nay, đơn vị đã bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát gồm khoảng 200 người, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và tuyên truyền người dân và du khách đi lễ văn minh.

Những điều cần biết khi đi lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024- Ảnh 5.

Đi thuyền trên suối Yến. Ảnh: Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội

Giá vé thuyền đò, phí thắng cảnh chùa Hương

Để đổi mới công tác điều hành vận chuyển khách, huyện Mỹ Đức đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách về tham quan lễ Phật đảm bảo an toàn, văn minh, lịch sự. Đồng thời thực hiện việc điều hành vận chuyển khách đi thuyền, đò theo thời gian quy định xuất bến tại bến ngoài để đảm bảo an toàn cho du khách.

Tại các khu vực bến xe, bến thuyền, đều có hướng dẫn rõ ràng cho người dân và du khách. Hoạt động xe điện phục vụ du khách diễn ra liên tục, kết nối từ bến xe đến bến thuyền. Giá các dịch vụ được niêm yết công khai, cụ thể:

Giá vé dịch vụ thuyền đò vận chuyển khách năm nay gồm các tuyến Hương Tích với mức giá 85.000 đồng/người cho 2 lượt; tuyến Long Vân giá 65.000 đồng/người 2 lượt; tuyến Tuyết Sơn giá 65.000 đồng/người 2 lượt.

Giá vé thu phí thắng cảnh năm nay là 120.000/người/lượt; vé ưu tiên: 60.000/người/lượt (giá vé trên đã có 2.000 đồng bảo hiểm).

Giá vé dịch vụ thuyền, đò vận chuyển khách gồm: Tuyến Hương Tích: 85.000 đồng/người/2 lượt vào, ra; Tuyến Long Vân: 65.000 đồng/người/2 lượt vào, ra; Tuyến Tuyết Sơn: 65.000 đồng/người/2 lượt vào, ra.

Giá vé cáp treo khứ hồi: Người lớn: 220.000 đồng, trẻ em: 150.000 đồng. Một lượt: Người lớn: 150.000 đồng, trẻ em: 100.000 đồng. Giá vé vận chuyển khách bằng xe điện: 20.000 đồng/người/lượt.

Không xuất hiện trên bảng giá niêm yết của khu di tích, tuy nhiên nếu du khách có nhu cầu đi cùng đoàn, không đi chung với đoàn khác có thể chọn bao thuyền đò. Theo đó, nếu đoàn có 4 người, du khách phải trả thêm 170.000 đồng (2 vé) cho lái đò để được khởi hành.

Thời gian vận chuyển xuồng đò đưa khách tham quan lễ Phật: Từ thứ Hai đến thứ Sáu là từ 5h00 đến 20h00; thứ Bảy và Chủ nhật là từ 4h00 đến 20h00.

Ban Quản lý Khu di tích và danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) cho biết: Những ngày đầu năm khu di tích và danh thắng đón khoảng 140.000 du khách. Mùng 3 Tết Giáp Thìn (12/2) - ngày đầu tiên bán vé mùa lễ hội năm 2024 - có hơn 21.000 người đến vãn cảnh, chiêm bái tại đây. Riêng ngày Mùng 4 Tết có khoảng 56.000 lượt du khách tới chùa Hương du xuân, trẩy hội.
Những điều cần biết khi đi lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024- Ảnh 6.
Những điều cần biết khi đi lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024- Ảnh 7.
Những điều cần biết khi đi lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024- Ảnh 8.

Động Hương Tích trong quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn. Ảnh: Wikipedia

Đôi nét về quần thể danh thắng chùa Hương

Quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) là một trong những điểm di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia. 

Chùa Hương được phát hiện vào thời Vua Lê Thánh Tông (1460-1469) bởi ba vị hòa thượng trên đường tìm kiếm nơi tu hành. Nơi đây là một quần thể văn hóa - tôn giáo gồm 21 ngôi chùa, động thờ Phật, ngôi đền thờ Thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa và gắn liền với Phật giáo Đạo tràng. Chùa Hương cũng là nơi tu hành đắc đạo của Bồ Tát Quán Thế Âm (thường gọi là Bà Chúa Ba).

Bên cạnh cảnh sắc thiên tạo hiếm có như suối Yến, động Hương Tích, động Tiên Sơn, suối Giải Oan… quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn còn nổi tiếng nhờ hệ sinh thái đa dạng, các công trình kiến trúc, lịch sử đặc biệt giá trị là đền Trình, chùa Thiên Trù, đền Cửa Võng…

Nơi đây được tạo hóa ban tặng những nét độc đáo riêng, có giá trị đặc biệt; tạo ra bởi hệ thống các núi đá vôi với nhiều hang động được hình thành từ hàng trăm triệu năm, kết nối với nhau bằng dòng chảy quanh co uốn lượn như dải lụa của Suối Yến; có hệ sinh thái động, thực vật phong phú, với trung tâm là cụm đền chùa, hang động - nổi tiếng nhất là động Hương Tích nơi có chùa Hương.

Lễ hội chùa Hương truyền thống hàng năm thường kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch luôn được xem là lễ hội có quy mô lớn nhất miền Bắc, thu hút đông đảo khách thập phương.

Với những giá trị tiêu biểu, quần thể danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017.

Nguồn: Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, Cục Di sản văn hóa, Sở Du lịch Hà Nội, Wikipedia

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-dieu-can-biet-khi-di-le-hoi-chua-huong-xuan-giap-thin-2024-179240216120539783.htm