Nhựa - nỗi xấu hổ của nền văn minh nhân loại với hậu thế
Hạt vi nhựa (microbead) được John Ugelstad, kỹ sư hóa học người Nauy tạo ra năm 1970, một phát minh sáng giá vì ứng dụng vô cùng rộng rãi. Nhưng hiện thời, con người đã cảm nhận sâu sắc sự "xâm lăng" của nhựa.
Đại thảm họa nhựa
Charles Rolsky ở Viện thiết kế sinh học, đại học Arizona, Mỹ, phân tích 47 mẫu mô phổi, gan, lách, thận của 24 người chết hiến tặng, lưu trữ trong ngân hàng tế bào để nghiên cứu các bệnh suy thoái hệ thần kinh, phát hiện chất Bisphenol A (BPA - Alexander Dianin (1851 - 1918), người Nga, điều chế từ 1891, ứng dụng từ những năm 1950 để làm cứng các loại nhựa) có ở tất cả các mẫu. Ngoài ra, các nhà khoa học phát hiện trong các tế bào phổi, gan, lách, thận chứa hàng chục loại nhựa ở dạng vi hạt, trong đó có Polyethylen terephthalat (PET), nguyên liệu sản xuất chai đựng nước uống… và Polyethylen, nguyên liệu sản xuất các túi nilon (plastic)...
Bisphenol A gây béo phì; tiểu đường type 2; ung thư vú, tuyến tiền liệt; đột biến tế bào trứng với nhiều nhiễm sắc thể, làm sảy thai hoặc sinh con mắc hội chứng Down hoặc trẻ gái có những tế bào trứng chết trước khi phát triển đến trưởng thành; vô sinh ở nam. Nghiên cứu này được báo cáo ở Hiệp hội hóa chất Mỹ ngày 17/8/2020, làm dấy thêm lo ngại về sức khỏe toàn cầu bởi sự độc hại của hạt vi nhựa.
Giáo sư Varun Kelkar, đại học Arizona, Mỹ, thành viên nhóm nghiên cứu nói rằng: "… điều đáng lo ngại là chất không phân hủy này hiện diện ở khắp mọi nơi và đã xâm nhập, tích tụ trong các tế bào cơ thể người…".
Bisphenol A khi phân rã trong hệ sinh thái có thể tồn tại 10 - 1.000 năm như rác nhựa (năm 2016, chiếc cốc nhựa của hãng sữa chua Yoplait dùng cho Thế vận hội 1976 dạt vào bờ biển, nhìn như nguyên vẹn), làm ô nhiễm đất, nước ngầm, không khí, tăng nguy cơ mắc tiểu đường, nhiễm độc gan; bệnh tim, tuyến giáp; rối loạn thần kinh… Với trẻ em: gây bệnh phổi, hen suyễn, tăng kháng insulin, cao huyết áp, béo phì, tiểu đường; bệnh thận và tim. Với phụ nữ: làm rối loạn cân bằng nội tiết, suy giảm sinh sản. Với nam giới: tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, suy giảm sinh sản.
Polystyren được Cơ quan nghiên cứu ung thư thế giới xếp vào nhóm 2B - nhóm có khả năng gây ung thư, đột biến gen, phá hủy ADN ở người. Các chất làm dẻo nhóm Ester phthalat thường có trong quá trình sản xuất hạt vi nhựa gây rối loạn nội tiết, suy giảm sức khỏe sinh sản và nguy cơ ung thư vú. Ngoài ra, đại học quốc gia Sigapore phát hiện hơn 400 loại vi khuẩn ở 275 loại hạt nhựa thu khắp nước này và các nước khác phát hiện virus Zika, ấu trùng sán lá gan ở hạt vi nhựa.
Vi nhựa trong nhau thai
Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy, con người ăn và hít phải ít nhất 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm và sự ô nhiễm vi nhựa đang ngày càng phổ biến trong cư dân mọi thành phố. Ở Anh, 4 thành phố được kiểm định đều ô nhiễm vi nhựa không khí mà London là nặng nhất. Các bác sĩ bệnh viện Phụ Sản Rome, Italy, vừa phát hiện các hạt vi nhựa trong nhau thai, bộ phận nuôi dưỡng thai nhi. Khi nghiên cứu 6 nhau sau sinh, họ phát hiện 12 hạt vi nhựa trong 4 nhau trên mặt nhau phía khoang ối (thai nhi nằm trong đó) và màng đệm của nhau thai.
Tuy chỉ có 12 hạt nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng lượng vi nhựa thực tế sẽ hơn nhiều lần, vì mẫu xét nghiệm chỉ chiếm 4% diện tích nhau thai. Họ nghi ngờ hạt vi nhựa đã xâm nhập vào cơ thể các bé sơ sinh song chưa thể kiểm chứng ngay.
Điều tra lại, họ thấy quá trình mang thai, những sản phụ này không gặp bất thường. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại hạt vi nhựa có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Tiến sĩ Antonio Ragusa, Giám đốc bệnh viện Phụ Sản nói: "Khi phát hiện hạt vi nhựa trong nhau, tôi đã rất ngạc nhiên. Nếu bạn tìm thấy thứ gì đó trong nhau thì thứ đó có trong thai". Khi vào cơ thể hạt vi nhựa sẽ làm hoạt động miễn dịch rối loạn, ảnh hưởng đến cấu trúc gene và tác động xấu đến sự phát triển của trẻ.
Hạt vi nhựa là tên gọi chung cho những mảnh, hạt hoặc sợi nhựa có kích thước dưới 5mm. Hạt vi nhựa được tạo nên từ 2 nguồn: sản xuất hạt nhựa và nhựa chống mài mòn, cho in 3D…; phân rã, mài mòn từ các vật dụng nhựa (đồ nhựa, bộ phận ô tô, chi tiết máy, rác thải nhựa….) do tia cực tím; nhiệt; nước; gió; va đập, cọ sát cơ học và các loại sóng..., ví dụ sóng vi ba trong lò vi sóng (sóng điện từ tần số 2,450 megahec).
Hạt vi nhựa có thể có nguồn gốc polyme tổng hợp như Polyethylen (PE), axit Polylactic (PLA), Polymethyl methacrylat, Polypropylen (PET), High - Density Polyethylen (HDPE)…, hoặc từ sản phẩm hóa dầu như Polypropylen (PP), Polystyren… Người ta sản xuất những hạt vi nhựa kích thước cỡ micromet (1 phần ngàn milimet) để trộn trong kem đánh răng, cạo râu; sữa tắm, rửa mặt; các loại mỹ phẩm; sơn móng…
Vào Thế chiến I, J. Brandenberger (người Thụy Sĩ, làm việc ở Pháp) làm ra "giấy bóng kính" (ông gọi là "Cellophan") dán cho "mắt" mặt nạ phòng độc, năm 1923, ông bán bản quyền cho Tập đoàn DuPont, Mỹ, làm đồ bọc sôcôla, nước hoa và hoa. Đến năm 1950 đã sản xuất 1,7 triệu tấn đồ nhựa; tăng lên gần 400 triệu tấn năm 2019; dự đoán đến 800 triệu tấn năm 2025 và năm 2050, sản lượng đồ nhựa toàn cầu đạt 1,2 tỷ tấn.
Một năm, rác nhựa đủ phủ kín 4 lớp bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra đại dương; riêng ở Mỹ, rác ống hút nhựa một ngày xếp được 2 vòng quanh trái đất, đây là nguồn tạo ra hạt vi nhựa vô cùng lớn. Ở Mỹ, mỗi ngày có khoảng hơn 8.000 tỷ hạt vi nhựa xả vào hệ thống xử lý nước thải tuôn ra biển.
Đã phát hiện hạt vi nhựa tràn ngập suốt chiều sâu 6 - 11,034 km ở vực (khe) Mariana, (đáy biển tây bắc Thái Bình Dương, gần Nhật Bản - vùng biển ánh sáng không chiếu tới, nhiệt độ khoảng 1 - 4 0C). Năm 2017, các nhà khoa học Australia khoan đáy đại dương khu vực cách bờ 288 - 349 km, độ sâu 1.655m - 3.016m. Với lượng vi nhựa tìm thấy trong các mẫu trầm tích mà họ thực hiện, cùng với kết quả nghiên cứu của nhiều tổ chức khác, ước tính khoảng 14,4 triệu tấn vi nhựa lắng đọng dưới đáy đại dương toàn cầu.
Sinh vật biển ăn hạt vi nhựa vì không phân biệt được với thức ăn hoặc hạt vi nhựa vào cơ thể khi thở.
Theo báo cáo của Viện Hải dương học Scripps Mỹ, các loài cá, nhuyễn thể (vẹm, hàu…), cua… đã "ăn" 12.000 - 24.000 tấn nhựa/năm. Tổ chức phi chính phủ Hòa bình xanh (Greenpeace - thành lập ở Vancouver, British Columbia, Canada năm 1971) phát hiện hơn 90% muối ăn thế giới nhiễm hạt vi nhựa (39 mẫu nhiễm, 3 mẫu sạch trong tổng 42 mẫu). Ở châu Á, mật độ hạt vi nhựa trong muối đặc biệt cao, nhất là Indonesia - nước thải nhựa ra biển nhiều thứ hai Thế giới. Nghiên cứu này ước tính một người trưởng thành mỗi năm hấp thụ khoảng 2.000 hạt vi nhựa qua muối ăn.
Phân tích nước của 11 thương hiệu nước đóng chai ở Mỹ và Thế giới cho thấy, trung bình có 325 hạt vi nhựa trong một lít. Một số nghiên cứu khác tìm thấy 600 hạt vi nhựa trong 1 kg mật ong và 109 hạt vi nhựa trong 1 lít bia.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ môi trường Mỹ mới đây công bố người Mỹ hấp thu khoảng 39.000 - 52.000 hạt vi nhựa mỗi năm từ hải sản, nước, đường, muối và rượu. Nghiên cứu năm 2017 của Kieran D.Cox, đại học Victoria, Canada cho thấy mỗi năm có tới 74.000 - 121.000 hạt vi nhựa vào cơ thể người qua đường tiêu hóa và hô hấp. Nước đóng chai có hạt vi nhựa gấp 22 lần nước máy, người uống nước đóng chai thường xuyên sẽ "ăn" khoảng 90.000 - 130.000 hạt vi nhựa mỗi năm từ riêng nguồn này, trong khi từ nước máy là 4.000 hạt.
"Mưa" vi nhựa
Một lít tuyết đường phố ở Đức có 150.000 hạt vi nhựa.
Trường Trinity College Dublin, Ireland, dùng 10 bình sữa trẻ em bằng nhựa Polypropylen (PP) và thực hiện theo quy trình hướng dẫn pha sữa của Tổ chức y tế thế giới gồm làm sạch, khử trùng và hòa nước với sữa. Lý do thử nghiệm là 83% thị trường bình sữa trẻ em Thế giới là nhựa Polypropylen và thường xuyên được rửa nước nóng. Với nước 70°C, bình giải phóng 16 triệu hạt vi nhựa Polypropylen trong một lít và phần lớn các hạt vi nhựa này nhỏ hơn 20 micromet. Với nước 95°C (nhiệt độ nước được khuyến nghị gần đây), lượng hạt vi nhựa được giải phóng là 55 triệu hạt trong một lít. Kết hợp dữ liệu ở 48 vùng lãnh thổ, với 78% dân số Thế giới, các nhà nghiên cứu ước tính trẻ bú bình "ăn" trung bình 1,6 triệu hạt vi nhựa mỗi ngày trong 12 tháng đầu đời; trẻ Mỹ, Australia và châu Âu phơi nhiễm cao nhất, hơn 2 triệu hạt mỗi ngày.
Các nhà khoa học đại học Macquarie, Australia đặt đĩa thủy tinh trong nhà thấy 39% bụi lắng đọng là hạt vi nhựa; 42% là sợi tự nhiên (bông, tóc, len); và 18% sợi nguồn gốc tự nhiên được biến đổi như visco (làm từ bột gỗ, chất xơ của Xenlulo tái sinh) và giấy bóng kính (giấy Glassine; giấy không thấm mỡ); 1% là mảnh vỡ nhiều vật liệu khác.
Trung bình mỗi ngày, một mét vuông nhà hứng hơn 6.000 hạt vi nhựa; nhà có thảm sàn làm từ sợi nhân tạo (Polyethylen, Polyamid, Polyacrylic) nồng độ hạt vi nhựa gần gấp đôi không có thảm. Một khảo sát mới thấy bầu khí quyển miền Tây xa xôi của nước Mỹ đang chứa khoảng 1.100 tấn hạt vi nhựa (khi hòa vào không khí, hạt vi nhựa lơ lửng trong không khí khoảng một tuần, vượt qua các lục địa, đại dương, chu du khắp Thế giới. Những hạt nhựa này liên tục "rơi" ra khỏi bầu khí quyển, làm ô nhiễm mọi ngóc ngách không khí.
Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ khẳng đinh, 84% hạt vi nhựa trong không khí ở miền Tây nước Mỹ đến từ những con đường ngoại ô, bên ngoài các thành phố lớn và khoảng 11% được đại dương "thổi" lên. Đó là nguyên nhân nước mưa bị axit hóa - bản chất là "mưa" vi nhựa.
Trẻ dưới 6 tuổi hít vào nhiều hạt vi nhựa hơn khoảng 3 lần mức trung bình mọi lứa tuổi, gấp 20 lần hạt vi nhựa xâm nhập qua đường tiêu hóa, trong khi những trẻ đến 5 tuổi, hạt vi nhựa chúng ăn vào một năm bằng một hạt lạc. Ước tính, một người đưa vào cơ thể khoảng 5g nhựa mỗi tuần, tương đương 1 thẻ tín dụng loại mỏng.
Các hạt vi nhựa siêu nhỏ dưới 1 micromet đến kích thước nano (1nanomet = 10-9 m) dễ dàng đến các cơ quan, đi qua màng tế bào, qua hàng rào máu não và nhau thai, gây tổn hại tế bào, làm suy yếu các chức năng cơ quan và kích hoạt ung thư. Viện Khoa học và Công nghệ Daegu Gyeongbuk, Hàn Quốc cho chuột ăn hạt vi nhựa Polystyren kích thước 2micromet. Chuột có hàng rào máu não (cho đi qua có chọn lọc các chất) như người và sau 7 ngày đã thấy hạt vi nhựa ở mô não chuột.
Trong não, các hạt vi nhựa xâm nhập tế bào thần kinh đệm (microglial cell; Glia - đệm đỡ cho thân và sợi trục các Neurone thần kinh; tham gia sinh dưỡng, chế tiết, sửa chữa, phục hồi tổn thương mô thần kinh, tham gia dẫn truyền xung động thần kinh). Tế bào thần kinh đệm nhận ra các hạt vi nhựa là mối nguy hại nên biến hình, nghĩa là chết theo chương trình (apoptosis). Bằng chứng đầu tiên về nhựa gây ung thư được biết từ những năm 60 của Thế kỷ XX, khi Stephen Oppenheimer (sinh năm 1947, người Anh, bác sĩ nhi khoa, nhà di truyền học, nhà văn, thành viên Green Templeton College, thuộc đại học Oxford, thành viên danh dự trường Y học nhiệt đới Liverpool) nghiên cứu gây tăng huyết áp bằng cấy nhựa cellophan vào thận chuột, tình cờ phát hiện khối u ác tính ở thận chuột sau 2 năm.
9 loại hạt vi nhựa trong cơ thể người
Những nghiên cứu sau này đã cấy nhựa cellophan A, B; Polyethylen; Polyvinyl chlorid vào thận chuột, cho thấy 10% chuột phát triển ung thư thận, trong đó chuột cấy cellophan B có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất: 45,4%. Sau 2 năm mới phát triển ung thư ở chuột, các nhà khoa học suy ra 15 - 20 năm mới phát triển ung thư ở người. Nghiên cứu sinh vật biển cũng thấy nguy cơ tiềm ẩn khi phơi nhiễm hạt vi nhựa: loài cua xanh bị suy giảm chức năng hô hấp; loài trai xanh suy giảm miễn dịch và hình thành u hạt; loài cá Sóc (Oryzias latipes) ở Nhật Bản tổn thương tế bào gan. Đã phát hiện 9 loại hạt vi nhựa trong cơ thể người, phổ biến nhất là Polypropylen; Polypropylen terephtalat, Density Polyethylen, Low - Density Polyethylen (LDPE). Toàn bộ những người được khảo sát đều chứa Bisphenol A từ túi, chai, ống hút… nhựa…
Từ ngày 09/01/2018, Anh cấm nhập khẩu, sản xuất và bán các mặt hàng mỹ phẩm chứa hạt vi nhựa; Thái Lan cấm từ ngày 01/01/2020. Hiện Mỹ, Australia và một số nước ở châu Âu, đã cấm hạt vi nhựa trong sản phẩm chăm sóc, mỹ phẩm, nhưng Việt Nam chưa có quy định về chất gây bệnh tiềm tàng này. Không ít những khách sạn, trung tâm tiệc cưới sang trọng ở thành phố lớn và gần như 100% các đám xá ở tỉnh, thị xã, thị trấn, nông thôn dùng ca nhựa dẻo đựng nước canh sôi chan vào món nấu. Nhìn mà thấy sợ.
Con người đang sống trong "Kỷ nguyên nhân sinh mới" (Anthropocene), bị chi phối bởi tác động của chính chúng ta lên hành tinh. "Nhựa chính là nỗi xấu hổ của nền văn minh nhân loại với hậu thế" - Nhà hải dương học Jennifer Brandon của Viện Hải dương học Scripps, nói như vậy!
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhua-noi-xau-ho-cua-nen-van-minh-nhan-loai-voi-hau-the-179220830125922063.htm