Nhìn lại Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sau 3 năm triển khai
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai 3/4 chặng đường đối với bậc phổ thông. Các môn học mới đã có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành để phù hợp với việc phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sau 3 năm triển khai bộc lộ ưu nhược điểm như thế nào?
Một số ưu điểm của Chương trình giáo dục phổ thông mới
Nếu như sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là duy nhất, là "pháp lệnh" thì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có 3 bộ sách giáo khoa (Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống), giáo viên có quyền lựa chọn sách giáo khoa để triển khai một chương trình.
Việc thay đổi chương trình và sách giáo khoa cho thấy sự chuyển biến từ một nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang một nền giáo dục chú trọng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại.
Cùng với đó, phương pháp kiểm tra đánh giá theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học. Chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, chú trọng đánh giá các năng lực tư duy; không chỉ đánh giá kết quả cuối cùng mà chú ý cả quá trình học tập.
Các hình thức đánh giá thường xuyên, bằng cách nêu câu hỏi trực tiếp, ra đề kiểm tra định kỳ, cuối kỳ, làm phiếu bài tập... nhằm mục đích khắc sâu cho các em những kiến thức đã học, giúp các em đạt các mức độ theo yêu cầu, hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, từ đó phân hóa đối tượng để có cách thức giảng dạy phù hợp hơn.
Ngoài ra, sách giáo khoa Chương trình mới xuất hiện nhiều tình huống trong môn học, trong thực tiễn, gây hứng thú cho học sinh. Chính vì vậy, học sinh chuyển từ thụ động sang chủ động tìm ra kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên
Đối với Chương mới, phương pháp dạy học thuyết giảng một chiều, thầy nói - trò nghe, thầy đọc/chiếu - trò chép không còn phù hợp. Thay vào đó, giáo viên khi lên lớp phải đa dạng hóa hình thức dạy học nhằm tạo niềm say mê, hứng thú, lôi cuốn các em vào bài học.
Vì sao giáo viên ủng hộ Chương trình giáo dục phổ thông mới?
Bàn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một nhà giáo (Thanh Hóa) cho rằng chương trình này mang đến những hi vọng mới từ bản thân những thay đổi rất cơ bản và phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới.
Thứ nhất, đó là sự thay đổi trong mục tiêu giáo dục. Nếu các chương trình trước đây chủ yếu nhắm vào mục tiêu kiến thức (thuộc bài) thì chương trình lần này đặt mục đích tiến bộ: phẩm chất và năng lực người học. Đây mới là điều đúng đắn, vì học không phải để biến mình thành những "cái USB" di động hay những cỗ máy ghi nhớ; học là để có năng lực giải quyết vấn đề, tức làm con người tự do, tự chủ.
Thứ hai, Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo hướng mở. Nó không quy định quá chi tiết, để từ đó, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong giảng dạy. Chưa bao giờ giáo viên có nhiều "quyền bính" trên bục giảng như bây giờ.
Nếu trước kia giáo viên chỉ là người thuộc bài trước học trò, đi dạy là nói lại sách giáo khoa như người truyền chỉ thì nay họ đã có quyền thiết kế lại bài học, tự mình xây dựng ngữ liệu, được tự chủ trong kiểm tra đánh giá... Địa vị chuyên môn của người thầy được nâng lên chưa từng thấy.
Thứ ba, đối với môn Ngữ văn, việc thi ngữ liệu ngoài sách giáo khoa là một thay đổi lớn và có ý nghĩa nhiều mặt. Một khi việc học là để phát triển phẩm chất và năng lực (chứ không phải thuộc bài) thì thi bên ngoài sách giáo khoa sẽ giúp đắc lực trong việc tiêu diệt văn mẫu, kích thích học thật, giá trị thật; tạo tiền đề cho con người suy nghĩ độc lập và hướng đến làm người tự do.
Chương trình được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Đây là mục tiêu và cách thức tổ chức đúng đắn, vì học môn Ngữ văn là học tiếng Việt, trong đó có tiếng Việt văn chương. Nếu còn sa đà vào việc ê a ngâm ngợi thơ phú thì môn học sẽ còn đi chệch hướng, biến môn Ngữ văn trở thành một môn bình văn, và đẩy đi xa hơn nữa là một môn phê bình văn học.
Nhìn chung, qua 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với bậc tiểu học, trung học cơ sở và 2 năm bậc trung học phổ thông, với sự chủ động của các nhà trường, việc dạy và học đang được thực hiện hiệu quả, bước đầu đem lại nhiều kết quả tích cực, khả quan.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhin-lai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-sau-3-nam-trien-khai-17924042121193581.htm