Nhiều trường đại học lâu đời ở Mỹ đóng cửa do áp lực tài chính
Lạm phát tăng cao, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và sử dụng khoản vay nợ để tồn tại là những nguyên nhân khiến nhiều trường đại học hàng trăm tuổi ở Mỹ phải đóng cửa vĩnh viễn hoặc sáp nhập.
Hiện nay, một số trường đại học ở Mỹ đang phải đối mặt với một danh sách dài các thách thức liên quan đến khả năng tự chủ tài chính. Đó là chi phí hoạt động cao hơn, xu hướng tuyển sinh giảm, sự hỗ trợ của chính phủ không ổn định, các khoản tài trợ bị thu hẹp và khủng hoảng niềm tin của công chúng... Điều này dẫn đến hậu quả là nhiều trường đại học đóng cửa vĩnh viễn.
Ông Gregory Price - Giáo sư Kinh doanh tại Khoa Kinh tế và Tài chính tại Đại học New Orleans ở bang Louisiana, Mỹ cho biết: "10 đến 15 năm tới nhiều trường đại học, cao đẳng ở Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn".
Khủng hoảng nợ nần khiến nhiều trường đại học đóng cửa tại Mỹ
Theo một số chuyên gia giáo dục tại Mỹ, những khoản nợ nần ngày càng chồng chất đang là một nguyên nhân phổ biến khiến ngày càng nhiều trường đại học phải đóng cửa và sáp nhập, đặc biệt là các trường đại học tư thục ở khu vực Trung Tây và Đông Bắc Mỹ.
Mặc dù đã tồn tại được 127 năm tuổi, thế nhưng, tháng 3 vừa qua, những người được ủy thác của Đại học Phần Lan ở tiểu bang Michigan, Mỹ đã đưa ra một tuyên bố về những khoản nợ lớn khiến nhà trường không còn khả năng tuyển sinh cho năm học 2023-2024.
Đồng thời, ngôi trường này đang phải vừa sa thải nhân viên theo từng giai đoạn, vừa giúp những sinh viên đang theo học chuyển trường khi cơ sở giáo dục đại học này sẽ chuẩn bị đóng cửa vĩnh viễn trong thời gian tới.
Hay Trường Đại học Cazenovia ở ngoại ô New York cũng đưa ra quyết định sẽ đóng cửa sau kỳ học mùa xuân năm 2023 do bị vỡ nợ vào tháng 9 năm 2022 với khoản nợ trái phiếu trị giá 25 triệu USD.
Ngoài ra, trường đại học này cũng cho rằng, đại dịch COVID-19 và lạm phát tăng vọt là nguồn gốc gây ra khó khăn trong tài chính, khiến họ phải nhận thêm khoản nợ mới để tái cấp vốn cho khoản nợ hiện có và xây dựng cơ sở vật chất với hy vọng thúc đẩy số lượng tuyển sinh đang giảm.
Đáng nói, "hồi chuông báo tử" của Trường Đại học Cazenovia diễn ra ngay trước lễ kỷ niệm 200 năm thành lập trường vào năm 2024.
Trường Đại học Iowa Wesleyan - đã tồn tại 181 năm tuổi vừa qua cũng đã bỏ phiếu đóng cửa sau khi một công ty kế toán độc lập xác định rằng, một khoản trợ cấp liên bang sẽ không giải quyết được các vấn đề tài chính mang tính hệ thống.
Đối với nhiều trường đại học khác, họ đã và đang tiếp tục gia tăng thêm số nợ của mình trong thời kỳ mà tốc độ tăng trưởng của tuyển sinh đang chậm lại và dự kiến sẽ tiếp tục giảm thêm. Các chuyên gia giáo dục nhận định rằng, việc sử dụng những khoản vay nợ như vậy để tồn tại là một dấu hiệu nguy hiểm lớn.
Mặt khác, qua một cuộc khảo sát từ 177 trường đại học công lập và tư thục tại Mỹ cho thấy, nhiều lãnh đạo nhà trường khi đưa ra quyết định vay thêm các khoản nợ thường dựa trên việc trường còn khả năng nhận thêm khoản nợ đó thay vì quan tâm đến trường có nên vay khoản tiền đó hay không. Và điều này có thể dẫn đến gánh nặng nợ nần sẽ làm tăng học phí đại học.
Báo cáo của khảo sát này cũng phát hiện ra rằng, có nhiều cơ sở giáo dục đại học có khả năng hiểu và quản lý khả năng nợ của họ nhưng cần cải thiện thêm các phương pháp để đánh giá về chi phí và lợi ích dài hạn của các khoản đầu tư cho nhà trường một cách toàn diện hơn.
Các chuyên giáo dục cho biết, nợ nần chồng chất không phải là tín hiệu tốt cho tương lai của trường học và gây nên áp lực tài chính cho sinh viên.
Đầu tư cơ sở vật chất không phù hợp gây nên áp lực tài chính cho các trường đại học Mỹ
Vào năm 2020 và 2021, Quốc hội Mỹ đã trao khoản viện trợ cho đại dịch COVID-19 trị giá 69 tỉ USD cho gần 5.700 trường cao đẳng, đại học. Hành động này đã cung cấp một bước đệm tạm thời trước những thách thức tài chính mà những trường này gặp phải.
Tuy nhiên, nhiều trường đại học và cao đẳng Mỹ đã thất bại trong việc đầu tư chiến lược vào công nghệ hoặc xác định quy mô phù hợp.
Theo các chuyên gia giáo dục, nhiều trường đại học đã xây dựng bổ sung thêm các tòa nhà và cơ sở vật chất để có thể đáp ứng nhu cầu tuyển sinh, số lượng sinh viên tiềm năng.
Do vậy, một số trường đang phải trả chi phí duy trì những không gian đó dù trong bối cảnh ngày càng có ít sinh viên tiếp cận với trường của họ.
Báo cáo về tình trạng cơ sở vật chất trong giáo dục đại học năm 2023 cũng cho biết, mức giá để xây dựng, sửa chữa hay đầu tư cho các khuôn viên trường học đã lên tới hàng tỉ USD và tăng vọt trong năm qua do lạm phát.
Vì vậy, việc sửa chữa cơ sở vật chất, hạ tầng được xây dựng quá mức so với mức độ cần thiết, gây tốn kém có thể trở thành một đòn bẩy tài chính khiến một số trường đại học không thể né tránh trong vài năm tới, đặc biệt là do đại dịch COVID-19 nên nhiều người học đang quan tâm nhiều hơn đến giáo dục trực tuyến thay vì trực tiếp như trước đây.
Sinh viên Mỹ cần làm gì trước tình trạng nhiều trường đại học đóng cửa?
Các quyết định về tài chính của trường đại học cũng ảnh hưởng tương đối lớn đến người học. Theo ông Paul Friga, Phó Giáo sư lâm sàng về chiến lược và tinh thần kinh doanh tại Trường Kinh doanh Kenan-Flagler của Đại học Bắc Carolina đưa ra dự đoán rằng, các trường đại học công lập và tư thục lớn nhất, đặc biệt là những trường có nguồn lực dồi dào, sự hỗ trợ đáng kể của nhà nước hoặc hình ảnh đại chúng tốt sẽ chống chọi được với cơn bão kinh tế đang gia tăng.
Tuy nhiên, sắp tới sẽ có thêm nhiều trường đại học và cao đẳng bị đưa vào diện sáp nhập, mua lại, liên kết hoặc đóng cửa cùng với khoảng 100 trường đại học khác đã chịu những ảnh hưởng trong những năm qua.
Phó Giáo sư Paul Friga khuyên rằng: "Các học sinh và phụ huynh khi cân nhắc chọn trường đại học thì nên xem xét các yếu tố sau: Quy mô trường học, xu hướng tuyển sinh, các khoản tài trợ, trường có phụ thuộc nhiều vào học phí hay không... Bởi đó là các yếu tố ảnh hưởng đến việc tồn tại của một trường đại học trong tương lai".
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhieu-truong-dai-hoc-lau-doi-o-my-dong-cua-do-ap-luc-tai-chinh-179230806165702654.htm