Nhiều hợp tác xã nhanh chóng bắt nhịp xu thế chuyển đổi số

PV
08:47 - 03/03/2023

Chuyển đổi số trong hợp tác xã được coi là một giải pháp tất yếu, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, giúp hợp tác xã tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.

Ứng dụng công nghệ số mang lại những bước tiến mới cho các hợp tác xã nông thôn Việt Nam. Ảnh minh họa: IT.

Ứng dụng công nghệ số mang lại những bước tiến mới cho các hợp tác xã nông thôn Việt Nam. Ảnh minh họa: IT.

Trong xu thế chung của các ngành nghề, mô hình kinh doanh đang dịch chuyển áp dụng chuyển đổi số trong kinh doanh, sản xuất và thu được những lợi ích vượt trội trong thời kỳ mới, các mô hình hợp tác xã tại các địa phương cũng cần dịch chuyển tương tự để thích ứng với xu thế kinh doanh số.

Trong thời gian vừa qua, nhiều hợp tác xã đã tăng cường quảng bá thương hiệu, sản phẩm dịch vụ qua nền tảng như website, mạng xã hội, các diễn đàn hợp tác trực tuyến uy tín trong nước và quốc tế… đến đối tác, khách hàng. 

Có thể nói, nhờ áp dụng công nghệ số, nhiều hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu, tiết kiệm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, việc mở một gian hàng trên trang thương mại điện tử cũng như duy trì phương thức vận hành vẫn đang là vấn đề đặt ra với hợp tác xã hiện nay.

Hợp tác xã chuyển đổi số mang lại hiệu quả trực tiếp cho bà con nông dân

Đến với mô hình các hợp tác xã trong lĩnh vực du lịch, nhiều đơn vị đã có những bước tiến mới, sáng kiến hiệu quả trong việc mở các website giới thiệu, quảng bá du lịch, từ đó vừa đem lại cơ hội thu hút khách du lịch khắp nơi, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác, xúc tiến cho mỗi hợp tác xã dù ở bất cứ địa bàn nào. 

Nhiều hợp tác xã nhanh chóng bắt nhịp xu thế chuyển đổi số - Ảnh 1.

Vườn sầu riêng RI6 của nông dân tham gia HTX Điểm Hẹn.

Hợp tác xã thương mại dịch vụ - du lịch Ðiểm Hẹn, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ là một trong số các điển hình áp dụng thành công việc giới thiệu, kết nối, quảng bá sản phẩm du lịch của hợp tác xã trên website. Theo Ban lãnh đạo của Hợp tác xã cho biết, hiện tại, bình quân mỗi tháng có hơn 1.600 lượt truy cập vào website: diemhenchonoicairang.com của hợp tác xã và lượng khách đặt lịch đến với hợp tác xã qua môi trường mạng tăng hơn 30% so với trước.

Điều này cho thấy việc ứng dụng nền tảng số để cập nhật sản phẩm, dịch vụ mới đã giúp hợp tác xã gia tăng hiệu quả kết nối với khách hàng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tương tự, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường, tỉnh Quảng Ngãi được thành lập với vốn điều lệ 1 tỷ đồng và liên kết với Trường đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) thực hiện đề tài nuôi trồng tảo xoắn Spirulina.

Ông Đỗ Biên Nhất- Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường cho hay, tảo xoắn Spirulina là một sản phẩm rất có giá trị ứng dụng trong y học, nhưng chưa nhiều người dân được tiếp cận, sử dụng bởi sản xuất loại tảo xoắn này gặp khó khăn do công nghệ phức tạp, chi phí đầu tư lớn.

Khó khăn là cơ hội vươn lên

Trong thời gian triển khai chuyển đổi số của các năm từ 2020 đến 2022, đúng vào điểm rơi là dịch COVID-19 đã tạo ra phép thử về sự ứng biến của các mô hình hợp tác xã. Trong cái khó ló cái khôn, hợp tác xã đã đón lõng và áp dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, giảm thiểu được chi phí mà sản phẩm được khách hàng biết đến nhiều hơn.

Hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường đang trở thành "cánh tay nối dài" để kết nối giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, đồng thời giúp cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ chia sẻ, xác định chuyển đổi số là đòn bẩy giúp hợp tác xã tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ đã phối hợp hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử, khai báo thuế qua mạng; trao đổi thông tin, mua bán hàng hóa qua nhóm Zalo hợp tác xã Cần Thơ.

Ngoài ra, hỗ trợ hợp tác xã có sản phẩm nông sản an toàn, đạt chứng nhận VietGAP, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tham gia quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ qua sàn giao dịch thương mại điện tử giúp hợp tác xã tiếp cận và ứng dụng giải pháp kinh doanh số, từng bước thích ứng yêu cầu thị trường.

Nhanh chóng bắt nhịp chuyển đổi số trên toàn quốc

Việc hợp tác xã từng bước chuyển đổi số, thích ứng với việc bán hàng trên không gian mạng nhằm tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực, tạo ra giá trị và nâng cao hiệu quả hoạt động trong tình hình mới. 

Hiện tại, các Bộ, ngành cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân các ngành nghề khác nhau trên toàn quốc áp dụng mô hình hợp tác xã "online", trong đó, các công tác đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn cũng được đẩy mạnh tới các xã, các ngành, nghề. 

Hiện tại, trên môi trường số, các sàn thương mại điện tử cũng có nhiều "module" dễ dàng tiếp cận giúp hợp tác xã dễ tương tác, dễ liên kết, tạo gian hàng trực tuyến, tạo các mô hình giới thiệu kết hợp với các nền tảng mạng xã hội, youtube video quảng bá, các gian hàng có sẵn... 

Nhận định xung quanh việc chuyển đổi số của hợp tác xã, ông Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang cho biết, năng lực, tư duy và nhận thức của hợp tác xã với chuyển đổi số trong phát triển là vấn đề mới đòi hỏi sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã.

Hầu hết, các hợp tác xã này mới chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm nhiều.

Một rào cản nữa trong chuyển đổi số ở hợp tác xã là nguồn nhân lực có năng lực, trình độ của cán bộ quản lý, nhất là hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế về số hóa hoặc công nghệ thông tin, chủ yếu dựa theo kinh nghiệm.

Hơn nữa, nhiều hợp tác xã nông nghiệp chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng Internet và còn xa lạ với phần mềm kế toán, quản lý sản xuất; quản lý bán hàng... Việc này đòi hỏi liên minh Hợp tác xã các tỉnh phải tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong phát triển hợp tác xã; rà soát, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số trong phát triển hợp tác xã theo hướng bền vững.

Vấn đề nguồn vốn, huy động nguồn lực cũng là một yếu tố quan trọng để hỗ trợ hợp tác xã chuyển đổi số; hỗ trợ trang thiết bị, công cụ phục vụ chuyển đổi số dựa trên định hướng phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương. Nhiều liên minh Hợp tác xã tỉnh cần phối hợp với các cấp chính quyền, các đơn vị chức năng và công ty, doanh nghiệp tăng cường đào tạo về nhân lực; đề xuất hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu ở đâu có người mua, ở đó có sản phẩm của hợp tác xã.

Nhằm kích hoạt công nghệ số trong hợp tác xã, ông Nguyễn Ngọc Bảo-Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng cần hỗ trợ tổ chức kinh tế tập thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, có quy định cụ thể để các tổ chức kinh tế tập thể tiếp cận, thụ hưởng nguồn lực hỗ trợ chuyển đổi số.

Đặc biệt, các đơn vị chức năng cần xem xét, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã cấp tỉnh để có nguồn vốn cho vay hỗ trợ hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Nguồn: TTXVN

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhieu-hop-tac-xa-nhanh-chong-bat-nhip-xu-the-chuyen-doi-so-179230303084607038.htm