Nhiều giáo viên chưa nắm vững chương trình khi bình luận về lối sống "phông bạt"?

10:12 - 30/10/2024

Trả lời truyền thông về đề Ngữ văn yêu cầu học sinh bàn về lối sống "phông bạt" của giới trẻ hiện nay, giáo viên có những nhận định vội vàng cho thấy nhiều thầy cô giáo vẫn chưa nắm vững Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giáo viên nhận định đề kiểm tra còn cảm tính?

Mới đây, đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 10 của Trường Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu học sinh bàn về lối sống "phông bạt" của giới trẻ hiện nay nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, trong đó có giáo viên.

Nhiều giáo viên chưa nắm vững chương trình khi bình luận về lối sống "phông bạt"? - Ảnh 1.

Đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 10 của Trường Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ với truyền thông, một giáo viên là tổ trưởng tổ Ngữ văn của một trường trung học phổ thông ở nội thành Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng về mặt chuyên môn, đề Ngữ văn trên tuy ngắn thật nhưng không sai.

Một giáo viên khác cho biết, đề kiểm tra này chưa đáp ứng đủ yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bởi vì, theo Chương trình mới, đề gồm các phần: Đọc hiểu, có kiến thức tiếng Việt và phần Viết.

Như vậy, đề chỉ đáp ứng được yêu cầu Viết còn phần Đọc hiểu, có kiến thức tiếng Việt không có. Đây là đề cảm tính, chưa đúng tính chuyên môn. Có thể nói, dung lượng câu này chỉ chiếm khoảng ½ yêu cầu của một đề kiểm tra giữa kỳ.

Tương tự, một giáo viên khác nhận xét đề kiểm tra này hạn chế chỉ ra một câu, bởi không đúng cấu trúc đề.

Quy định ra đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn thế nào?

Có thể khẳng định, nhận định của các giáo viên như đã dẫn trên là thiếu cơ sở vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, đề kiểm tra ra 45 phút là chưa đúng với Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Cụ thể, Điều 7 Thông tư này quy định thời gian đánh giá định kì như sau: Thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút.

Môn Ngữ văn 10 có 105 tiết/năm học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) thì cần cho thời gian làm bài tối thiểu là 60 phút (thay vì 45 phút).

Thứ hai, cách đặt vấn đề "lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay" là quy chụp, bởi vì lối sống này chỉ xuất hiện ở một bộ phận giới trẻ - không phải tất cả giới trẻ.

Cùng với đóđề viết hoa tuỳ tiện: Lối sống phông bạt. Lẽ ra phải viết thường từ "lối" và từ "phông bạt" phải để trong ngoặc kép (mang nghĩa ẩn dụ).

Thứ ba, cần chú thích từ "phông bạt" hoặc đặt từ này vào một ngữ cảnh cụ thể để học sinh hiểu được nghĩa của từ.

Ví dụ, "Gần đây, nhiều trường hợp bị phát hiện lợi dụng việc quyên góp từ thiện sau bão Yagi để "phông bạt", làm hình ảnh cho bản thân, gây nên những lo ngại về xu hướng sống ảo, thiếu trách nhiệm của một bộ phận người trẻ trong các hoạt động cộng đồng.

Lối sống "phông bạt" thường được hiểu là việc "tô vẽ" bề ngoài lộng lẫy, xa hoa để che giấu thực tế không mấy chân thật. Đây là cách mà nhiều người trẻ hiện nay dùng vẻ ngoài hào nhoáng nhằm tạo dựng một hình ảnh hoàn toàn khác so với thực tế" (lược trích bài viết trên Báo Sinh viên Việt Nam).

Từ góc nhìn của người trẻ, anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề trên.

Thứ tư, đánh giá định kì trong môn Ngữ văn được thực hiện thông qua để kiểm tra hoặc một số hình thức khác (bài tập dự án, bài thực hành).

Hiện nay, đánh giá định kì trong môn Ngữ văn thường tập trung vào công cụ là đề kiểm tra, với hai nội dung là đọc hiểu và viết.

Đề kiểm tra có thể yêu cầu hình thức tự luận, có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan (gồm những câu hỏi trắc nghiệm khách quan) và hình thức tự luận (gồm những câu hỏi mở) để đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực viết của học sinh về một chủ đề nào đó theo từng kiểu văn bản đã học trong chương trình.

Việc ra đề kiểm tra định kì cần được đổi mới về cách thức đánh giá, sử dụng và khai thác ngữ liệu; bảo đảm yêu cầu đánh giá năng lực, khắc phục tình trạng học thuộc, sao chép tài liệu có sẵn; tránh dùng lại các ngữ liệu mà học sinh đã học để kiểm tra năng lực đọc hiểu và viết văn bản một cách sáng tạo, tránh sao chép văn mẫu.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhieu-giao-vien-chua-nam-vung-chuong-trinh-khi-binh-luan-ve-loi-song-phong-bat-179241030101311944.htm