Nhiệm vụ giáo viên các hạng cần rà soát lại phù hợp với thực tiễn dạy học
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại nhiệm vụ giáo viên các hạng sao cho phù hợp với thực tiễn dạy học ở các nhà trường mầm non, phổ thông công lập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông và giáo viên dự bị đại học.
Nội dung dự thảo Thông tư không sửa đổi quy định nhiệm vụ giáo viên các hạng, được nhiều giáo viên cho là chưa phù hợp với Luật Giáo dục 2019, và thực tiễn dạy học ở các nhà trường.
Quy định nhiệm vụ giáo viên còn chồng chéo giữa các văn bản?
Ví dụ, Văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông, giáo viên trung học phổ thông được chia thành 3 hạng từ thấp đến cao là hạng III, II, I.
Theo đó, giáo viên hạng III làm 8 nhiệm vụ; giáo viên hạng II (ngoài những nhiệm vụ của giáo viên hạng III) phải làm thêm 7 nhiệm vụ; giáo viên hạng I (ngoài những nhiệm vụ của giáo viên hạng II) phải làm thêm 7 nhiệm vụ.
Trong khi đó, Điều 69 Luật giáo dục 2019 quy định nhiệm vụ của giáo viên như sau
1. Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục.
2. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo.
3. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.
4. Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.
Có thể nhận thấy, quy định nhiệm vụ giáo viên theo Văn bản hợp nhất Thông tư và Luật giáo dục 2019 có nhiều nội dung khác nhau và chồng chéo lẫn nhau.
Như vậy, Văn bản hợp nhất Thông tư chia giáo viên làm 3 hạng với các nhiệm vụ khác nhau có phù hợp Luật giáo dục 2019?
Chia giáo viên làm 3 hạng với các nhiệm vụ khác nhau có hợp lí?
Về thực tiễn, giáo viên cùng làm chung nhiệm vụ là giảng dạy và giáo dục học sinh. Thế nhưng, việc chia giáo viên làm 3 hạng với các nhiệm vụ khác nhau là chưa hợp lí.
Ví dụ 1, nhiệm vụ của giáo viên hạng III: "Xây dựng kế hoạch giáo dục của môn học được phân công và tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo mục tiêu, chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông".
Nhiệm vụ xây dựng kế hoạch giáo dục của môn học và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn là do tổ trưởng chuyên môn đảm nhiệm theo sự phân cấp phân quyền của hiệu trưởng.
Ví dụ 2, nhiệm vụ của giáo viên hạng II (trích): "Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn" hay "kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên".
Những nhiệm vụ này do tổ trưởng chuyên môn đảm nhiệm, tổ phó cũng ít khi làm (trừ trường hợp giúp việc cho tổ trưởng) thì làm sao phân công cho giáo viên hạng II.
Ví dụ 3, nhiệm vụ của giáo viên hạng I: "Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên".
Hiện nay, chưa có giáo viên bậc trung học phổ thông nào tham gia biên soạn sách giáo khoa môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Còn việc lựa chọn sách giáo khoa, Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định: "Tổ trưởng tổ chuyên môn sẽ tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở giáo dục tham gia lựa chọn sách giáo khoa của môn học đó...", chứ không phải chỉ là giáo viên hạng I.
Ví dụ 4, nhiệm vụ của giáo viên hạng I: "Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên".
Hiện nay, giáo viên nào có năng lực thì tham gia hướng dẫn học sinh thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật theo Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT.
Hơn nữa, hội thi khoa học kỹ thuật từ cấp tỉnh trở lên hầu hết do các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đại học làm giám khảo là chủ yếu, hiếm có giáo viên hạng I nào tham gia.
Thiết nghĩ, nhiệm vụ giáo viên là do hiệu trưởng phân công, không nhất thiết phải căn cứ theo hạng chức danh nghề nghiệp như Văn bản hợp nhất Thông tư quy định.
Điều này giúp lãnh đạo nhà trường chủ động hơn trong việc phân công nhiệm vụ cho từng giáo viên, thay vì phải rà soát từng hạng chức danh nghề nghiệp của thầy cô giáo trước khi giao việc.
Ví dụ, nhiệm vụ của giáo viên A là dạy môn Ngữ văn, kiêm nhiệm giáo viên chủ nhiệm lớp. Cùng với đó, giáo viên này có thể được phân công dạy đội tuyển học sinh giỏi, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật nếu có năng lực.
Đội ngũ nhà giáo rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại nhiệm vụ giáo viên các hạng sao cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn giảng dạy ở các nhà trường mầm non và phổ thông công lập.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhiem-vu-giao-vien-cac-hang-can-ra-soat-lai-phu-hop-voi-thuc-tien-day-hoc-179240410223422796.htm