Nhật Bản nỗ lực chặn đứng tình trạng suy giảm dân số
Nhật Bản có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, tỷ lệ sinh ở mức thấp nhất, trong khi tỷ lệ thanh niên ngại kết hôn gia tăng. Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để chặn đà suy giảm dân số.
Già hóa dân số - "cơn sóng thần màu xám" ở Nhật Bản
Theo kết quả điều tra của Liên hợp quốc năm 2021, tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số của Nhật Bản đang đứng đầu thế giới, tiếp đến là Italy (23,6%) và Bồ Đào Nha thứ ba (23,1%).
Bộ Nội vụ Nhật Bản cho biết, năm 2021, số người trên 65 tuổi nước này chạm mốc kỷ lục 36,4 triệu người, tương đương 29,1% dân số, trong khi năm 2020, con số này là 28,4%. Theo một ước tính, số người già từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản sẽ chiếm gần 40% tổng dân số vào năm 2060, so với mức 23% vào năm 2010.
Trong khi đó, liên tiếp trong 40 năm qua, tình trạng dân số trẻ em của Nhật Bản suy giảm kỷ lục. Sau khi đạt đỉnh vào năm 1954 với mốc 29,89 triệu trẻ, chỉ số này bắt đầu giảm mạnh từ năm 1982. Năm 2021, số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống chỉ còn khoảng 14,93 triệu, trong đó có 7,65 triệu bé trai và 7,28 triệu bé gái (giảm 190.000 trẻ so với năm 2020).
Số lượng trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 2 tuổi chỉ là 2,65 triệu, tương đối thấp so với các nhóm tuổi khác. Số trẻ sơ sinh ở Nhật Bản giảm xuống còn 811.604 trẻ trong năm 2021, mức thấp kỷ lục trong 6 năm liên tiếp và giảm mạnh hơn so với dự đoán của Chính phủ vào năm 2017.
Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ trẻ em trên tổng dân số thấp nhất trong số 33 quốc gia có dân số trên 40 triệu người.
Tình trạng già hóa dân số, vì thế, được ví như "cơn sóng thần màu xám" ở Nhật Bản.
Người trẻ tuổi ở Nhật Bản ngày càng ngại kết hôn
Tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, tỷ lệ sinh ở mức thấp nhất, trong khi tỷ lệ thanh niên ngại kết hôn gia tăng.
Số cặp kết hôn trong năm 2021 tại Nhật Bản đã giảm xuống khoảng 514.000, mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh.
Ngày 14/6, Chính phủ Nhật Bản công bố khảo sát cho thấy cứ bốn người trong độ tuổi 30 chưa từng kết hôn tại nước này có một người cho biết không có ý định kết hôn. Cụ thể, có 26,5% nam giới và 25,4% phụ nữ nói vẫn muốn độc thân.
Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng này:
Trước hết là ngại mất tự do. Mất tự do là nguyên nhân chính khiến cả nam và nữ giới ở độ tuổi kết hôn không muốn kết hôn. Nhiều phụ nữ ở Nhật Bản có trình độ học vấn, có thể tìm được một công việc tốt, không muốn bước vào cuộc sống hôn nhân và sinh con. Một số phụ nữ không muốn đổi họ và không thích các thủ tục liên quan đến việc phải đổi họ khi kết hôn.
Thứ hai là nỗi lo về việc làm, gánh nặng về tài chính. Nam giới thường được coi là trụ cột gia đình ở Nhật Bản nên nếu không có công việc ổn định cũng sẽ ngại kết hôn hơn. Thêm vào đó, sự bận rộn trong công việc, gánh nặng tài chính khi sinh con, chăm sóc con cái cũng khiến nhiều thanh niên ngại bước vào hôn nhân.
Bên cạnh đó, công việc bận rộn cũng khiến nhiều thanh niên ít có cơ hội, tiếp xúc, mở rộng quan hệ xã hội.
Thứ ba, công việc nội trợ, chăm sóc gia đình. Lý do này, xét theo góc độ giới, số người là nữ giới không muốn gánh vác thêm các công việc nội trợ, chăm sóc con cái và chăm sóc người già khi kết hôn cao hơn nam giới.
Thứ tư, áp lực đối với việc hôn nhân theo quan điểm truyền thống giảm.
Thứ năm, quen sống với "thế giới ảo". Một bộ phận trong giới trẻ Nhật Bản, đặc biệt là nam thanh niên, khi đam mê hoạt hình, truyện tranh và công nghệ, thường dùng các ứng dụng hẹn hò. Việc tạo bạn gái ảo trên mạng khá phổ biến đối với một số thanh niên trẻ cô đơn. Điều đáng ngại là, nhiều người trong số đó phân biệt được giữa ảo và thực tế, nhưng một số khác thì không.
Chính phủ tăng hỗ trợ để nâng tỷ lệ sinh
Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã đề xuất những biện pháp giải quyết tỷ lệ sinh giảm bằng các chính sách hỗ trợ trẻ em và gia đình trẻ, tạo môi trường để thanh niên có thể yên tâm kết hôn và nuôi dạy con cái.
Nhật Bản đã đưa ra các biện pháp đối với vấn đề giảm tỷ lệ sinh, trong đó trọng tâm là chính sách khuyến khích kết hôn, hỗ trợ mang thai, sinh đẻ và nuôi con… Cụ thể hóa các chính sách này, Nhật Bản đã đưa ra nhiều chương trình, như quyết định sử dụng ngân sách để hỗ trợ sinh con, sửa đổi luật nghỉ phép chăm sóc và giáo dục trẻ em, theo đó, nữ có thể nghỉ trước khi sinh tám tuần; cả nam và nữ đều có thể nghỉ phép sau sinh một năm, được hưởng 67% lương.
Nhật Bản cũng thực hiện nhiều nỗ lực giúp phụ nữ cải thiện cuộc sống và cân bằng giữa công việc với gia đình bằng cách mở rộng số lượng các trường mầm non miễn phí, tăng cường hỗ trợ kinh tế trong quá trình nuôi con.
Luật Dân sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/4/2022 quy định, tuổi thành niên ở Nhật Bản hạ từ 20 tuổi xuống 18 tuổi. Cùng với đó, độ tuổi tối thiểu có thể kết hôn đối với nữ giới là 18 tuổi và đối với nam giới là 16 tuổi. Quan trọng hơn, những người từ 18 tuổi trở lên sẽ được phép kết hôn mà không cần sự chấp thuận từ cha mẹ. Đây là thay đổi lớn so với quy định trước đó là người dưới 20 tuổi chỉ được phép kết hôn khi cha mẹ đồng ý.
Cùng với nới rộng quyền của người trẻ, Nhật Bản cũng chú trọng hơn tới việc củng cố hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ nhóm này tốt hơn. Cũng từ ngày 1/4/2022, Luật Vị thành niên sửa đổi bắt đầu có hiệu lực, trong đó quy định về mặt pháp lý những người trong độ tuổi 18 và 19 không cần phải có sự giám hộ của cha mẹ nữa. Họ có thể tự mình đăng ký thẻ tín dụng, điện thoại di động, thuê nhà và ký kết các hợp đồng khác.
Theo tầm nhìn dân số dài hạn của Nhật Bản, nếu tỷ lệ sinh tăng lên 1,8 đến năm 2030 và 2,07 đến năm 2040, Nhật Bản có thể chặn đứng tình trạng giảm dân số xuống dưới mức 100 triệu người vào năm 2060.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhat-ban-no-luc-chan-dung-tinh-trang-suy-giam-dan-so-179220618180307456.htm