Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 1)

05:50 - 24/09/2022

Tết Trùng cửu (9/9 Âm lịch hàng năm) không chỉ là ngày giới tao nhân mặc khách lên núi cao uống rượu, ngắm hoa cúc, mà đó vốn là ngày của các đạo nhân lên núi thành tiên, hóa thân thành bất tử trong văn hóa cổ truyền.

Bất tử là mục đích tối cao của phép tu tiên trong Đạo giáo nên các thần bất tử là những vị đạo tổ trong quá trình phát triển Đạo thần tiên ở nước ta.

Hiện nay khái niệm Tứ bất tử trong văn hóa dân gian được quan niệm là tên gọi chung của bốn vị thánh là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công chúa. Mỗi vị thánh tượng trưng cho sự bền vững, thịnh đạt của một lĩnh vực đời sống nên được coi là "bất tử". Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ thì quan niệm cho rằng dân gian đã "bất tử" hóa những ước vọng của mình vào các vị thần không hoàn toàn hợp lý. Đúng hơn, những vị thần phải có phép "bất tử" thì mới có thể gọi là thần bất tử. 

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 1.

Tranh tượng Tản Viên Sơn Thánh ở đền Tứ Đền (Lương Sơn, Hòa Bình).

Một số tài liệu thay vào chỗ của Mẫu Liễu Hạnh là Từ Đạo Hạnh hoặc Nguyễn Minh Không là dẫn chứng cho điều này, vì Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không là nhà sư, đạo sĩ, không biểu trưng cho lĩnh vực nào của đời sống nhân dân. Không phải dân gian đã đem mong muốn của mình gửi gắm vào các vị thần mà là hành trạng, khả năng của chính những nhân vật này đã cho phép gọi họ là "bất tử". 

Quan niệm về bất tử bắt đầu xuất hiện từ thời Tần với chuyện Tần Thủy Hoàng trong các chuyến Đông du tìm gặp các tiên nhân như Yên Kỳ Sinh bên bờ biển Đông để cầu thuật bất tử. Sang thời Hán, đạo Thần Tiên càng phát triển hơn trong dân gian. Cát Hồng, vị huyện lệnh huyện Câu Lậu thời Tấn, trong cuốn Bão phác tử luận tiên đã dẫn sách Tiên kinh cho biết, tiên nhân được chia thành ba thứ bậc: "Người bậc trên bay thân hình lên trời là Thiên tiên. Người bậc giữa lên núi cao du ngoạn là Địa tiên. Người bậc dưới sau khi chết thoát xác gọi là Giải tiên".

Đối chiếu thuật thành tiên này với Tứ bất tử nước Nam cho thấy có 4 cấp độ đắc đạo thành tiên.

Cấp độ bất tử thứ nhất: Tản Viên Sơn Thánh

Đứng đầu Tứ bất tử là Tản Viên Sơn Thánh vì đây là vị "Đệ nhất phúc thần" nước Nam. Tản Viên Sơn Thánh cũng là nhân vật có xuất xứ lâu đời nhất trong số các vị thần bất tử được nói đến. Theo cuốn thần phả Tản Lĩnh ngọc ký, Sơn Thánh quê ở Lăng Sương (Thanh Thủy, Phú Thọ), đi kiếm củi trên núi Tản, gặp được Thái Bạch Thần tinh Tử Vi Thiên tướng, được trao cho cây gậy thần đầu sinh đầu tử mà từ đó trở thành Thần sư, đi cứu độ nhân gian. Đạo học và phép bất tử của Tản Viên Sơn Thánh được truyền thụ từ Thái Bạch Tử Vi Thiên tướng, cho thấy đây chính là Đạo thần tiên trong Đạo Giáo. Tượng vị Thái Bạch Thần tinh nay được thờ cùng với Sơn Thánh ở các đền trên núi Ba Vì.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 2.

Nghi môn đền Trung Ba Vì và ngọn Tản Lĩnh.

Nhờ có cây gậy thần mà Thần sư Tản Viên đã cứu sống được con rắn là con của Long Vương Động Đình bên bãi Trường Sa trên sông Đà. Khi xuống thăm Long Cung, Thần sư lại được thêm cuốn sách ước có phép nhiệm màu thay đổi trời đất… Câu chuyện Sơn Thánh cứu con của Long Vương cũng là chuyện Kinh Dương Vương kết duyên với Thần Long Động Đình trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng.

Cuốn Di tích thờ Tản Viên là thần phả của làng Ngọc Nhị (Cẩm Lĩnh, Ba Vì), là làng trưởng tạo lệ cho đền Thượng núi Ba Vì, kể: "Thời Đường Nghiêu, hồng thủy bao trùm… Khi đó chỉ có Vương (Tản Viên Sơn Thánh) có oai anh võ dũng, đức cao đạo lớn, có thuật thần tiên, mới đọc ước chú làm cho đá vỡ tung tóe, hiện thành cây gậy sắt, lấy gậy đó mà chỉ vào nước thì nạn thủy tai mới hết, là người có công đầu vậy".

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 3.

Tượng Thái Bạch Thần tinh ở đền Trung Ba Vì.

Gậy thần sách ước của Tản Viên Sơn Thánh xét thực chất chính là Hà đồ Lạc thư, trong đó bao hàm đạo Âm dương (sinh tử), Trời đất (Hà - Lạc). Phép thần của Tản Viên Sơn Thánh được tiếp thụ từ tiền nhân và sáng tạo thêm trong quá trình trị thủy. Nhờ những kiến thức khoa học này ở thuở bình minh của dân tộc mà Tản Viên Sơn Thánh đã quy tụ được các bộ tộc bốn phương ở vùng Nam Giao, trị thủy thắng lợi, trở thành vị Thánh Tổ của Trời Nam (Nam Thiên Thánh Tổ) Kinh Dương Vương.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 4.

Tượng đá cổ Tản Viên Sơn Thánh, Thái Bạch Thần Tinh và Tá Thánh Thiên thần ở đền Thượng Ba Vì.

Tản Lĩnh ngọc ký kể rằng, sau khi trả lại ngôi vị cai quản đất nước cho vua Hùng, Tản Viên Sơn Thánh đã du ngoạn khắp nơi như một vị tiên thánh: "Cùng gió mây voi ngựa mà ngắm xem sông núi, sương móc xe kiệu mà lên xuống trời đất. Lúc thì đàn reo sáo múa, thi thư đối xướng với đất trời, nhạc phượng ca loan, tiếng hình là điều thú vị cõi Bồng Lai. Cỏ bồng dẫn lối, Ngũ hồ gió trăng, thuyền câu là dấu tiên, soi hình cảnh hội khói sương, xe mây vạn hình là bước chân, non xanh nước biếc quấn quít chưa đẫy càn khôn. Thánh Nam thần Bắc, ra vào chốn phong cảnh chín trời".

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam - Ảnh 5.

Hoành phi Nam Thiên Thánh Tổ ở đền Và (Thị xã Sơn Tây).

Cuối cùng, Sơn Thánh đã khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục chúa, để cùng nhau về nơi "Lãng Uyển Bồng Hồ, mãi cùng với trường xuân tuế nguyệt, lầu rồng gác phượng không dính bụi phàm". Vua Hùng nghe theo, "cùng với Sơn Thánh và công chúa Ngọc Hoa cùng giữa ban ngày mà bay lên trời đi vào cõi hóa sinh bất diệt".

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 6.

Đền Và (Thị xã Sơn Tây).

Như thế Tản Viên Sơn Thánh đã đắc tiên đạo, bay lên trời giữa ban ngày, trở thành vị Thiên tiên Thánh tổ của nước Nam, vị thần bất tử đứng hàng đầu của người Việt.

Cấp độ bất tử thứ hai: Chử Đạo Tổ

Xét trong Tứ bất tử thì người càng có vị trí thứ tự cao thì khả năng phép thuật linh ứng càng cao. Quan trọng hơn là thời điểm xuất hiện của người đó càng sớm trong chiều dài lịch sử. Vị trí thứ hai trong Tứ bất tử thuộc về Chử Đồng Tử.

Chử Đồng Tử vì hiếu thuận với cha nên đã kỳ ngộ gặp được công chúa Tiên Dung ở bãi Tự Nhiên bên bờ sông Hồng. Sau đó nhờ thành tâm học đạo đã được Tiên ông truyền cho phép màu ở núi Quỳnh Lâm. Phép màu của Chử Đồng Tử là cây gậy và chiếc nón thần. Gậy và nón cũng là hình ảnh của vuông - tròn, âm - dương. Nhờ đó Chử Đạo Tổ được coi là người có thể "tham tán huyền cơ thiên địa", dự vào sự quyến biến của trời đất.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 7.

Thần Cá ở đền Hóa Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên).

Thần tích ở đền Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên) còn kể tại đây có vị thần Cá (thần Dí) đã vật chết voi của nhà vua, nhưng khi được yêu cầu làm voi sống lại thì không làm được, bởi "phép cải tử hoàn sinh chỉ có Tản Viên Sơn Thần và Đức thánh Chử Đồng Tử là làm được...". Điều này cho thấy không phải "thần" nào cũng có thể "cải tử hoàn sinh". Chỉ có 2 vị thần bất tử là Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử là có phép thuật này.

Câu đối ở đền Hóa Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên):

Bay lên dải Ngân Hán, là một trong bốn ở Quế Giao

Tham giúp lẽ cơ huyền, chỉ hai không ba cùng trời đất.

Khi so sánh truyền thuyết Chử Đồng Tử và Tiên Dung với chuyện của các vị thần trong Đạo Giáo Trung Hoa thì thấy đây cũng là chuyện của Hậu Nghệ - Hằng Nga. Hậu Nghệ có vợ là Hằng Nga, là những vị thần bị đày xuống trần gian. Hậu Nghệ đi tìm thuốc bất tử, trải qua muôn vàn gian khó mới gặp và xin được của Tây Vương Mẫu một viên thuốc để trở thành bất tử. Khi về nhà Hằng Nga vô ý uống thuốc này nên đã bay lên mặt trăng.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 8.

Gậy và nón của Chử Đồng Tử ở đền Hóa Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên).

Thần tích ở đền Đa Hòa kể Chử Đồng Tử lấy thêm một người vợ nữa là Tây Cung công chúa. Vị công chúa này cũng có phép thuật, giúp Chử Đồng Tử chữa bệnh cho nhân dân. Tây Cung công chúa như vậy ở đây tương đồng với Tây Vương Mẫu trong chuyện Hậu Nghệ tìm thuốc bất tử.

Câu chuyện Hằng Nga - Hậu Nghệ trên đã chỉ rõ thế nào là thần bất tử trong quan niệm xưa. Khả năng bất tử là khả năng đặc biệt mà chỉ một số ít các vị thần mới có. Hậu Nghệ – Hằng Nga là những vị thần bất tử như Chử Đồng Tử. Bộ ba Chử Đồng Tử - Tiên Dung - Tây Sa Công chúa, một đêm bay về trời, theo luận thuyết của Tiên kinh là những bậc Thiên tiên bất tử.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 9.

Khám tượng Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Tây Cung công chúa ở đền Đa Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên.

Liên hệ giữa Chử Đồng Tử và Hậu Nghệ rõ nhất là về ngôn ngữ. Có từ Chư hầu, chỉ rõ mối tương thông Chử - Hậu, là chư hầu của nhà Hạ đã tiếm ngôi (lấy con gái vua mà không được phép). Liên hệ Hậu - Chậu - Chử tương tự như trong những từ Hầu (đồng) - Chầu (đồng) - (ca) Trù đều chỉ hình thức xướng ca phục vụ nghi lễ cung đình (triều đình) xưa cả.

Hậu Nghệ có công bắn mặt trời, diệt các loài quái vật nên được nhân dân tôn thờ là thần Tông Bố, tổng quản các loài ma quỷ trong thiên hạ. Chử Đồng Tử tu tiên, có được phép cải tử hoàn sinh đi cứu người, chữa bệnh rồi được tôn là Chử Đạo Tổ. Tông Bố khi đọc phiên thiết cho chữ Tổ. Như vậy cách gọi Tông Bố Hậu Nghệ trùng cả họ và tên với Chử Đạo Tổ.

Ở hai cấp bất tử đầu tiên, Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử đều là các vị tu tiên đắc đạo, nắm được quyền biến của lẽ âm dương sinh tử, bay lên trời hóa sinh bất diệt, thành những vị Thánh Tổ muôn đời của nước Nam.

(Còn nữa)


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhan-tet-trung-cuu-ban-ve-cac-vi-than-bat-tu-nuoc-nam-bai-1-179220922121122173.htm