Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tặng 100 tranh chân dung “Những nhà báo nữ tôi quen”
Sáng 20/6/2022, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra Lễ tiếp nhận tranh chân dung và giao lưu với chủ đề “Những nhà báo nữ tôi quen” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tổ chức.
Tại buổi lễ, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tiếp nhận 100 bức tranh chân dung các nhà báo nữ do nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẽ. Đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022).
Nhà báo, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân là một cây viết đã rất quen thuộc và gần gũi với bạn đọc. Ông là một nhà báo xông xáo, năng nổ, nhiệt huyết, có nhiều phóng sự đặc sắc. Đi và viết của ông là một hành trình không ngừng nghỉ.
Trong thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân không may gặp phải cơn tai biến. Nhưng bệnh tật không làm ông chùn bước mà càng thôi thúc ông quyết tâm "Cách ly dịch nhưng không cách ly bút".
Ông cho biết, đã vẽ trên dưới 500 bức tranh trong vòng hơn 4 tháng, số lượng tác phẩm thể hiện sức làm việc và ý tưởng dồi dào cũng như nghị lực của tác giả. Tuy vậy, khi bạn bè gọi là họa sĩ, ông nhận vui mình là "Nhà báo già, họa sĩ trẻ"!
Loạt tranh chân dung các nhà báo nữ của Huỳnh Dũng Nhân lần này được tách ra từ 250 tranh chân dung mà ông từng giới thiệu tại triển lãm "Nhà báo vẽ" đã diễn ra hồi tháng 3 năm 2022 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Ông chủ yếu vẽ chân dung bạn bè, phần lớn là các nhà báo, chân dung người thân và gia đình chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Ông đặc biệt ưu ái vẽ các nhà báo nữ. Lễ trao tặng tranh hôm nay, cũng là sự vinh danh, và tình cảm của ông với những nữ đồng nghiệp nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.
Ấn tượng đầu tiên khi bước vào không gian trưng bày tác phẩm, những bức chân dung vẽ theo lối tốc họa, có bức vẽ màu, có bức vẽ mộc bằng bút chì, được lồng trong khung kính trang trọng.
Tranh chân dung nhà báo Trần Thị Sánh và nhà báo Nguyễn Thị Hằng Nga.
Tất cả các chân dung đều được tác giả khắc họa khá tinh tế thần thái không trộn lẫn của từng nhân vật. Mỗi bức chân dung giống như một cuộc đối thoại giữa ông và bạn bè mình. Những khuôn mặt, cá tính khác nhau, 100 bức tranh là 100 câu chuyện về chuyện đời, chuyện nghề của các nữ nhà báo.
Tuy mỗi nhân vật đều được thể hiện khác nhau, nhưng tổng thể tác giả luôn giữ được sự nhất quán về màu sắc và bút pháp. Đó là điểm thú vị và cũng là thành công nổi bật của tác giả ở loạt tranh chân dung này.
Sau cơn tai biến, có thời điểm ông chỉ cử động được tay phải cầm bút, và cái đầu còn minh mẫn… Ông tìm đến hội họa trong thời khắc khó khăn nhất, vừa để rèn luyện bản thân, vừa tìm cách "phù hợp" tiếp tục cống hiến:
- "Có đề tài gì hồi xưa thì tôi viết báo hoặc làm thơ nhưng bây giờ tôi chọn cách vẽ, tôi có học vẽ từ nhỏ, có thể thể hiện được một chút đề tài, một chút ý tưởng nào đấy. Nghề báo của tôi gắn với thời sự, tôi phát hiện ra rất nhiều ý tưởng mới, những câu chuyện hay, mình phải làm gì trong lúc này và tôi đã chọn cách vẽ"
Luôn là một tinh thần tận hiến, đau đáu, phải làm, phải viết, ý tưởng đầy ắp từ cuộc sống, khi sức khỏe không cho phép viết văn, thơ, ông chuyển sang cầm cọ. Hội họa là một phương tiện mới, một trải nghiệm mới để ông tiếp tục bước tiếp chặng đường không mệt mỏi của lẽ phải, chân lý và sự thật.
Một số tranh chân dung các nữ nhà báo tác giả Huỳnh Dũng Nhân trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nha-bao-huynh-dung-nhan-tang-100-tranh-chan-dung-nhung-nha-bao-nu-toi-quen-179220620155727758.htm