Nguyễn Văn Hưng và câu chuyện bỏ đại học sang cao đẳng, nhiều lần “vượt vũ môn” với thành tích đáng nể
"Tôi trúng tuyển Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, mẹ cũng đã nộp 3 triệu đồng học phí cho tôi. Nhưng đến ngày đi học, tôi lại quyết định vào cao đẳng để được thực hành, tiếp cận với máy móc cụ thể hơn là những lý thuyết mơ hồ", Nguyễn Văn Hưng chia sẻ.
Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1998, Sóc Sơn, Hà Nội) được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đạt chứng chỉ nghề Xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề thế giới 2019, tổ chức tại Kazan, Liên bang Nga; Giải thưởng Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2020.
Tháng 7/2020, Nguyễn Văn Hưng được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) chọn vào danh sách 10 Đại sứ Kỹ năng nghề của Việt Nam.
Vừa ra trường, Hưng đã được nhận vào làm tại bộ phận kỹ thuật của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Electronics Samsung Việt Nam Thái Nguyên. Hưng thích nghi nhanh chóng với công việc bởi anh đã quen với những máy móc và văn hóa làm việc của người Hàn Quốc từ khi còn là sinh viên.
Để đạt được những kết quả trên, Hưng cho rằng có nhiều nguyên nhân, nhưng đầu tiên phải kể đến là quyết định táo bạo: từ chối đại học để đi học ở trường cao đẳng.
Bỏ đại học sang cao đẳng – một quyết định nhiều tranh cãi
Năm 2016, Nguyễn Văn Hưng nỗ lực ôn tập để thi vào đại học như nhiều bạn bè đồng trang lứa và theo mong muốn của bố mẹ. Hưng đạt trên 20 điểm khối A00, trúng tuyển khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Dù vậy, chàng trai này luôn trăn trở về những kiến thức, kỹ năng sẽ được học và cơ hội việc làm sau khi ra trường.
"Nơi tôi sinh sống có nhiều anh chị tốt nghiệp đại học vẫn chật vật kiếm tìm công việc phù hợp với mức lương thấp. Nghe báo đài thông tin về số lượng lớn sinh viên thất nghiệp và làm trái ngành, trong khi sinh viên học cao đẳng, học nghề được các trường cam kết có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Hơn nữa, bản thân tôi muốn được thực hành và tiếp cận với máy móc cụ thể gần với yêu cầu của doanh nghiệp. Cùng với việc cân nhắc hoàn cảnh gia đình khi ấy còn nhiều khó khăn nên tôi quyết định học cao đẳng, dù trước đó, mẹ đã nộp 3 triệu đồng học phí đại học cho tôi", Hưng kể.
Chàng trai quê Sóc Sơn, Hà Nội đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối từ người thân, bạn bè về quyết định này. Đồng thời khuyên nhủ Hưng tiếp tục con đường đại học ở một ngôi trường uy tín – điều mà nhiều người mơ ước. Nhưng Hưng tin vào lựa chọn của mình và tự nhủ sẽ nỗ lực hết sức trên hành trình này.
Để lựa chọn được một trường cao đẳng phù hợp, Nguyễn Văn Hưng đã tìm hiểu từ nhiều nguồn: Facebook, các trang web, hỏi bạn bè, anh chị, gọi điện trực tiếp đến các trường để xin tư vấn.
"Tôi còn nhớ lần phải mượn điện thoại của mẹ để gọi đến Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Cũng nói là, em hết tiền điện thoại rồi, chị gọi lại tư vấn giúp em nhé. Rồi họ gọi thật và chia sẻ rất nhiệt tình, đầy đủ nên tôi chọn để theo học luôn", Hưng cười nói.
Ban đầu, chàng trai này đăng ký ngành Công nghệ thông tin – vốn là ngành học hot để theo theo đuổi. Nhưng khi biết đến ngành Cơ điện tử cũng là một ngành mới mẻ, yêu cầu kiến thức rộng (cả cơ khí, điện tử, máy tính…), chưa có nhiều nơi đào tạo và nhu cầu của các doanh nghiệp về ngành này sẽ tăng cao nên Hưng đã chọn lại.
"Vượt vũ môn" với 2 cuộc thi lớn về công nghệ - kỹ thuật trong nước và thế giới
Ngay từ năm nhất, Nguyễn Văn Hưng đã tham gia vào đội thi Robocon của nhà trường. Trong quá trình ôn thi, Hưng và các bạn đã được giảng viên chia sẻ nhiều kiến thức hữu ích về kỹ thuật. Cùng với việc tự tìm hiểu tài liệu nước ngoài, hỏi thầy hướng dẫn ngay khi chưa hiểu và được thực hành máy móc sẵn có ở trường nên trình độ và kỹ năng của anh đã được nâng cấp đáng kể.
Dù đội chỉ dừng chân ở vòng Chung kết toàn quốc, nhưng thời gian luyện thi đã giúp Hưng và đồng đội chứng minh năng lực bản thân, là bàn đạp để nhóm được nhà trường tin tưởng chọn tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới.
Kỳ thi này có nhiều vòng loại. Qua vòng cấp thành phố rồi đến cấp quốc gia, nhóm của Hưng chỉ dành vị trí thứ 2 toàn quốc. Nhưng đến khi phỏng vấn với chuyên gia Hàn Quốc, họ lại là người được chọn để đại diện Việt Nam chính thức tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới nhờ vào khả năng thực tế của bản thân.
Để chuẩn bị cho Kỳ thi đặc biệt, nhóm của Hưng được cử sang Hàn Quốc để ôn luyện 1 năm trong trung tâm huấn luyện thí sinh của Tập đoàn Samsung.
"Tại đây, chúng tôi được tiếp xúc nhiều công nghệ mới, kiến thức mới, nhất là phong cách làm việc của người Hàn Quốc: đúng giờ, học ra học, chơi ra chơi, luôn ý thức cải tiến và phát triển sản phẩm.
Đều đặn mỗi ngày chúng tôi học từ 12-17 tiếng. Có lần tôi và đồng đội học đến 1-2 giờ đêm ở trung tâm. Sau đó anh em lóc cóc đạp xe về ăn cơm, tắm rửa đến 3 giờ sáng, ngủ vài tiếng rồi 7 giờ sáng lại đi học tiếp. Việc học tập rất mệt mỏi nhưng tôi cảm thấy vui và hào hứng với những kiến thức, trải nghiệm có được", Hưng tâm sự.
Ôn luyện cả năm để chuẩn bị cho một kỳ thi lớn diễn ra trong 4 ngày với nhiệm vụ lắp ráp máy móc. Đây cũng là thời gian căng thẳng nhất với Nguyễn Văn Hưng bởi nhiều áp lực bủa vây: thành tích quốc gia, cạnh tranh với đội bạn rất mạnh, thời gian làm bài, đề thi lạ…
"Ở những bài thi đầu, chúng tôi đã được làm quen với thiết bị nên việc lắp ráp không gặp khó khăn nhiều. Nhưng ở 2 bài thi cuối cùng, mỗi bài thời lượng 6 tiếng, chúng tôi được yêu cầu lắp ráp một bộ máy hoàn toàn mới, có tờ hướng dẫn và tài liệu. Chúng tôi đã phải vận dụng toàn bộ kiến thức và kỹ năng học được để hoàn thành sản phẩm. Anh em trong đội rất mệt nhưng luôn động viên nhau cố gắng", Hưng chia sẻ.
Kết quả chung cuộc, đội của Hưng xếp thứ 14 trong số 63 quốc gia tham gia thi nghề cơ điện tử. Hưng đạt chứng chỉ Xuất sắc của Kỳ thi tay nghề thế giới 2019.
Đại sứ Kỹ năng nghề Nguyễn Văn Hưng không ngừng nâng cấp tay nghề của bản thân
Trải qua những tháng ngày ôn luyện căng thẳng cùng kỳ thi khốc liệt nơi xứ người, cân nặng từ 64kg xuống 57kg, nhưng bù lại, Hưng đã trưởng thành hơn trong nghề.
Trở về nước, anh tiếp tục hoàn thành chương trình đào tạo và cùng các giảng viên của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội tham gia huấn luyện cho các sinh viên khóa sau tham gia những cuộc thi mà anh đã từng.
Nhìn lại hành trình học tập đã qua, Đại sứ Kỹ năng nghề năm 2020 không khỏi tự hào về những kết quả đạt được sau bao cố gắng của bản thân.
Ngay khi ra trường, Hưng được nhận vào Công ty Trách nhiệm hữu hạn Electronics Samsung Việt Nam Thái Nguyên làm việc ở vị trí kỹ thuật và thích nghi rất nhanh, trong khi rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học phải mất 1 đến 2 năm để làm được điều này.
Câu chuyện của Nguyễn Văn Hưng đã góp phần thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh ở nơi anh sinh sống, rằng đại học không phải là con đường duy nhất để dẫn đến thành công. Quan trọng là phải lựa chọn được hướng đi phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân.
Hiện nay, ngoài việc đi làm, Hưng còn học thêm chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Điện – Điện tử của Đại học Thái Nguyên, tự học tiếng Anh và học thêm tiếng Trung Quốc để mở rộng cơ hội thăng tiến của bản thân trong tương lai.
"Học cao đẳng giúp tôi có kiến thức nền tảng và kỹ năng nghề vững chắc. Do đó, khi tiếp xúc với kiến thức đại học, tôi tiếp thu rất nhanh và dễ dàng", Văn Hưng khẳng định.