Nguyễn Hoàng Cường: Australia có gì hay?
Nguyễn Hoàng Cường chia sẻ với độc giả của Tạp chí Công dân và Khuyến học một số thông tin liên quan đến việc học tập của anh tại Australia. Đặc biệt, anh tiết lộ niềm yêu thích của mình với ngành học mà anh đang theo đuổi là Khoa học dữ liệu, một chuyên ngành đi cùng với kỷ nguyên số hoá hiện nay.
Nguyễn Hoàng Cường sinh năm 2001 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Anh là cựu học sinh của Trường Trung học Phổ thông Hòn Gai, Quảng Ninh và là một trong số các quán quân của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia hiện đang du học tại Australia.
Quán quân của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18 Nguyễn Hoàng Cường gây ấn tượng mạnh với kỷ lục điểm số tuyệt đối là 120 điểm, và vẫn thừa 7 giây trong phần thi Khởi động của cuộc thi này. Cho đến nay, chưa có ai vượt qua kỷ lục đó.
Hiện, Nguyễn Hoàng Cường đang học năm thứ ba, ngành Khoa học dữ liệu, Trường Đại học Kĩ thuật Công nghệ Swinburne, Melbourne, Australia. Anh từng tự nhận xét bản thân có niềm say mê yêu thích và khả năng đặc biệt trong việc nhớ và phân tích các con số.
Nguyễn Hoàng Cường dành cho Tạp chí Công dân và Khuyến học một cuộc trao đổi xung quanh việc học tập của anh tại Australia. Đặc biệt, anh tiết lộ niềm yêu thích của mình với ngành học mà anh đang theo đuổi là Khoa học dữ liệu, một chuyên ngành đi cùng với kỷ nguyên số hoá hiện nay.
Hiện tại, tôi đang là sinh viên năm thứ ba, ngành Khoa học dữ liệu của Trường Đại học Kĩ thuật Swinburne Australia. Đây cũng là ngôi trường đào tạo công nghệ có danh tiếng nằm trong Top 300 trường đại học chất lượng của thế giới. Swinburne tài trợ Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia nên tôi tin tưởng rằng theo học ở đây, tôi có điều kiện tốt nhất khi có học bổng, được học đúng ngành nghề mình yêu thích.
Cho đến nay thì tôi đã theo đuổi ngành học này được 3 năm. Càng học thì tôi càng cảm thấy Khoa học dữ liệu phù hợp với mình, thoả mãn ước mơ của tôi từ nhỏ về học tập là được phân tích – nghiên cứu về các con số. Tôi dần quen với việc phân tích dữ liệu và các phép toán.
Thêm vào nữa, cùng với việc tìm hiểu thông tin và vốn kiến thức của tôi về kỷ nguyên số hoá, tôi tin rằng ngành tôi đang theo học đáp ứng được với sự phát triển của công nghệ số hoá hiện nay.
Tôi đoán ngành tôi học là Khoa học dữ liệu cũng sẽ đáp ứng được các yêu cầu trong kỷ nguyên số hoá. Mọi đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đều cần nhân lực thành thạo về xử lý dữ liệu cũng như là có khả năng xây dựng mô hình số hoá để phục vụ cho việc phân tích và dự báo về lợi nhuận. Một nghề nghiệp trong tương lai cũng sẽ rất là "hot" đó là tư vấn doanh nghiệp dựa trên dữ liệu.
Chính vì lý do đó, tôi chọn theo học và quyết tâm theo đuổi ngành nghề này, mặc dù đôi lúc tôi gặp không ít khó khăn.
Trong gia đoạn đầu, khi mới sang đây, tôi lúng túng trong tìm kiếm và lĩnh hội tri thức. Tôi dần phải tìm ra phương pháp cho riêng mình để thu nhận khối kiến thức quá mới.
May mắn là ở Australia hiện nay có tồn tại một mạng lưới liên kết giữa các du học sinh nhằm giúp đỡ nhau trong quá trình học tập và sinh sống tại đây.
Tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ bạn bè và các anh chị đã đi trước. Hiện tại, rất nhiều người chọn Australia làm nơi học tập và tu nghiệp. Vì vậy mạng lưới luôn được mở rộng và hoạt động tích cực.
Tôi nhận thấy rằng đối với du học sinh Việt Nam tại Australia, việc khó khăn nhất vẫn là sự khác biệt về văn hoá lối sống với người bản địa. Tôi đã từng phải tự hỏi bản thân: Australia có gì hay? Không giống những người khác, tôi phải tự trang bị cho mình rất nhiều thông tin, dữ liệu để có thêm phần tự tin cho bản thân trước khi bước ra nước ngoài du học.
Các du học sinh buộc phải tự lập khi sống xa nhà, xa quê hương trong khi trình độ ngoại ngữ chưa thông thạo, nhất là khả năng viết và nói tiếng Anh bản địa hoá còn hạn chế và phải thích nghi dần dần.
Dựa vào việc học của tôi ở Australia, tôi thấy rằng trường đại học tôi đang theo học và các trường đại học khác ở Australia hiện giảng dạy theo chương trình có tỉ lệ nhiều tiết học thực hành nhiều hơn phổ biến lý thuyết. Việc đó nhằm để sinh viên có thể hình dung được việc họ sẽ ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn, sẽ làm những gì trong công việc sau khi đã học xong. Thực hành còn giúp sinh viên có thể tiếp cận được với cách học trao đổi, thảo luận và học trên chính bài tập của mình.
Chương trình học đại học ở Australia cũng tích hợp nhiều dự án liên kết với các doanh nghiệp. Đồng thời họ cũng có các chương trình thực tập qua lại ở các viện nghiên cứu và trường đại học khác. Việc liên kết đào tạo giúp cho sinh viên có thể tích lũy kinh nghiệm và xây dựng mối quan hệ với các chuyên gia trong ngành, thậm chí có thể tham gia các dự án, tự nghiên cứu và xây dựng các dự án. Đó là điểm tích cực lớn nhất mà tôi thấy được ở nền giáo dục Australia. Họ chú trọng vào việc giúp sinh viên có thể sẵn sàng tìm kiếm công việc khi ra trường và chương trình học phù hợp với thời đại.
Tôi đã có dịp tham quan nhiều địa điểm ở các thành phố lớn của Australia như Melbourne, Sydney, cũng như nhiều vùng nông thôn khác của họ. Điều mà tôi ấn tượng nhất trong những chuyến đi, đó là sự giữ gìn đa dạng về cảnh quan của Australia. Họ có rừng, núi tuyết, sông hay bãi biển đều nguyên dạng, rất nhiều năm không thay đổi so với dữ liệu ảnh chụp cũ, trong lịch sử, trừ sự biến động của thiên nhiên.
Tôi còn ấn tượng với sự thân thiện và tốt bụng của người Australia. Nhất là khi biết tôi là người nước ngoài, và là người Việt Nam, họ sẵn sàng giúp đỡ khi có thể.
Nguyễn Hoàng Cường trên các vùng đất của Australia. Ảnh NVCC
Tôi nghĩ là sau quá trình học đại học, tôi sẽ làm việc ở Australia trong một vài năm để tích lũy kinh nghiệm, nhất là cập nhật thêm các công nghệ mới có thể ứng dụng phục vụ công việc. Sau đó tôi sẽ quay về Việt Nam làm việc, lúc đó cũng có thể tu nghiệp thêm ở các quốc gia khác nữa.
Từ khi xa nhà học tập ở đây, tôi luôn nhớ bố mẹ, gia đình rất nhiều, nhớ cả những người thân và bạn bè ở Việt Nam. Họ đã từng lo lắng khi tôi xa nhà, tự lập và sợ rằng tôi phải tự làm mọi việc khi không có gia đình bạn bè ở bên.
Tôi nhớ những món ăn Việt Nam. Tuy nhiên, giờ đây tôi có thể thường xuyên gọi về cho gia đình và người thân. Công nghệ thông tin truyền hình ảnh trực tiếp giảm bớt sự xa cách với quê nhà. Tôi cũng đã bắt đầu học được nhiều kỹ năng khác nữa khi sống ở nước ngoài.
Điều mà tôi muốn chia sẻ và truyền cảm hứng với bạn bè cùng lứa và những người đang học tập để xây dựng tương lai như tôi là hãy luôn luôn vững chí trong học tập cũng như công việc. Chúng ta có thể rất băn khoăn khi lựa chọn bước đi đầu tiên. Nhưng khi chắc chắn với mục tiêu của mình rồi, sự yêu thích của mình với học tập sẽ luôn thôi thúc. Khi gặp khó khăn, gian khổ hãy nhớ về việc tại sao bạn chọn công việc này, và nung nấu về việc làm cách nào để hoàn thành mục tiêu.
Con đường tới thành công luôn dài mãi, dù chinh phục được đỉnh cao nào thì vẫn còn những đỉnh cao ở phía trước. Đừng từ bỏ mục tiêu trên con đường mình đã chọn.
Thực hiện: Trương Thuý Hằng
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nguyen-hoang-cuong-australia-co-gi-hay-179220717172457421.htm