Nguy cơ Hà Nội tiếp tục xảy ra mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất rất cao
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và các hiện tượng thời tiết cực đoan, tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn thành phố đang có những diễn biến phức tạp.
Hà Nội chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội nêu: Mực nước các hồ chính và sông nội địa đang ở mức cao. Lũ tại sông Tích đoạn ở Vĩnh Phúc và sông Bùi tại Yên Duyệt đều ở trên mức báo động II".
Theo dự báo thời tiết đến ngày 2/8, khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cục bộ có nơi trên 200mm, nguy cơ tiếp tục xảy ra mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất là rất cao.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết, thời gian qua, mưa lũ, sạt lở đất đã gây thiệt hại về sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, thậm chí đã có cả thiệt hại về người trong mưa lũ.
Theo đó, để tiếp tục khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ do bão số 2, chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân trong thời gian tới, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội yêu cầu các địa phương, sở ngành tăng cường triển khai một số nội dung sau: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và thành phố trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian gần đây về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới;
Công điện khẩn cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn; đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La; chủ động ứng phó với mưa lớn trên địa bàn.
Cùng với đó, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại trên hệ thống thông tin, mạng xã hội.
Yêu cầu các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội rà soát, bổ sung lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cập nhật thường xuyên để thông tin đến chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thiên tai trên địa bàn.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến thiên tai, sự cố, các thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội theo quy định.
Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, tiến hành ứng trực 24/24 để rà soát, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố thiên tai
Trước đó, chiều 31/7, thành phố Hà Nội đã họp Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất. Cuộc họp do ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Trưởng ban Chỉ huy chủ trì.
Tại cuộc họp đã phân công nhiệm vụ cụ thể để kịp thời xử lý các sự cố thiên tai. Theo đó, Ban Chỉ huy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt từ Thành phố đến cơ sở đối với công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.
Ban chỉ huy chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương và các tỉnh lân cận để thống nhất phương án trong công tác phòng, chống úng ngập, đảm bảo an toàn tuyệt đối đối với hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê ở vị trí xung yếu trên địa bàn 03 huyện trên.
Cùng với đó, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan truyền thông và Nhân dân về diễn biến của thiên tai và công tác phòng, chống, khắc phục của Thành phố; định kỳ hằng ngày cập nhật, báo cáo tình hình với Thường trực Thành ủy.
Về nhiệm vụ cần triển khai ngay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, tiến hành ứng trực 24/24 để rà soát, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố, tình huống phát sinh.
Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch "4 tại chỗ", kiên quyết không để sự cố vỡ đê trên địa bàn.
Ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu các huyện chủ động triển khai ngay theo Phương án phòng chống thiên tai, Phương án cứu trợ đảm bảo đời sống nhân dân trên địa bàn huyện đã được phê duyệt.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lưu ý các huyện huy động các nguồn lực hỗ trợ, bảo đảm đời sống người dân nhất là vùng úng ngập sâu, tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, bùng phát dịch bệnh.
Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ủy ban nhân dân các huyện nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó trước mắt và kịch bản tổng thể lâu dài để chủ động với các sự cố, tình huống thiên tai bất ngờ có thể xảy ra, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định đời sống người dân.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nguy-co-ha-noi-tiep-tuc-xay-ra-mua-lu-ngap-lut-sat-lo-dat-rat-cao-179240802080414188.htm