"Người Vin"

09:38 - 01/01/2025

Định vị đặc điểm "Người Vin" từ tiêu chí họ đã làm được gì, đang làm gì và sẽ làm gì cho cộng đồng người Việt, cho đất nước Việt Nam?

img

Vingroup - từ không đến có, từ lạ trở thành bình thường

Cho đến hôm nay (1/1/2025) người Việt không còn lạ gì cái tên Vingroup. Vingroup (thường được người Việt gọi tắt là Vin) không chỉ định vị trong trí nhớ người Việt bằng những sản phẩm mang "phong vị" Việt mà còn làm cho giới kinh doanh ở các nước phát triển phải ngả mũ chào.

Các sản phẩm của Vingroup đều có chữ đầu bất di bất dịch: Vin. Tên tập đoàn có chữ đầu cũng là Vin. Vin xuất hiện với tần suất và có tính chất đặc biệt có một không hai như vậy nên nếu không có có chữ Vin ở đầu tên một thương hiệu, một sản phẩm, thì có thể hiểu rằng đó không phải là sản phẩm của Vingroup.

Có nhiều cách hiểu về chữ Vin ở đầu mỗi thương hiệu, nhưng theo cách hiểu của người viết bài này thì đó là mục tiêu, là khát vọng, là phong vị rất Việt Nam, chứng minh đó là sản phẩm của người Việt Nam. Nhưng sâu xa hơn là ý thức mãnh liệt về tinh thần Việt, là biểu trưng của lòng tự tôn dân tộc. 

Tính sở hữu mang tính chất Việt điển hình như vậy xuất phát từ tâm thế, khát vọng của người sáng lập và hiện là Chủ tịch Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng: Muốn "cắm cờ" Việt Nam trên bản đồ thế giới; chứng minh Việt Nam có thể làm được những gì thế giới làm được.

Tôi không nói đến những gì Vingroup làm được ở Việt Nam hơn 20 năm nay, bởi lẽ báo chí trong và ngoài nước, mạng xã hội trong và ngoài nước đã "cày xới" quá nhiều rồi. Người ta ca ngợi ông Phạm Nhật Vượng nói riêng và "Người Vin" nói chung là phần nhiều, nhưng cũng không hiếm lời chỉ trích, nghi ngờ và... ganh tị quá mức đến độ ganh ghét. Tôi không bàn luận về các sắc thái đánh giá khác nhau về một con người, một doanh nghiệp mang tính đột phá và quá nổi bật với nhiều kỳ tích như ông Phạm Nhật Vượng và Vin. 

"Người Vin..." - Ảnh 1.

Đơn giản là khi ở góc độ nhìn khác nhau, và quan trọng nhất là động cơ khác nhau thì sắc thái đánh giá cũng sẽ khác nhau. Không cùng động cơ (ví dụ như yêu nước một cách chân chỉ và thực tế là mong muốn, khát vọng làm được gì cho cộng đồng, cho đất nước, chứ không phải là dày đặc những thứ triết luận chỉ mang danh/hoặc đội danh lòng yêu nước) thì khó có tiếng nói chung. Vậy nên tôi chỉ làm công việc là định vị đặc điểm "Người Vin" từ tiêu chí họ đã làm được gì, đang làm gì và sẽ làm gì cho cộng đồng người Việt, cho đất nước Việt Nam?

"Người Vin..." - Ảnh 2.

"Người Vin" rất tự hào về những sản phẩm dịch vụ của mình. Và người Việt Nam nói chung cũng có quyền tự hào về những thương hiệu có chữ đầu là Vin. Vì sao? Vì đó là thương hiệu Việt, do người Việt làm ra, đi từ không đến có, đi từ ngạc nhiên đến quen thuộc, đi từ lạ đến bình thường.

Có thể thấy "Nguời Vin" làm những việc không theo tiền lệ, luôn gây ngạc nhiên, thậm chí gây... sốc vì luôn mới. Người Vin làm những gì không theo mẫu có sẵn (ít nhất là ở Việt Nam), không đi tìm lối mòn dù đang đi, sẽ tiếp tục đi trên vùng đất quá mới lạ để biến cái không thể thành có thể.

Chính vì vậy, khi Vin xuất hiện luôn là hiện tượng gây nên những cuộc tranh cãi, thậm chí gay gắt vì sự hoài nghi.

"Người Vingroup" điển hình nhất

Người Vin điển hình nhất chính là ông chủ của tập đoàn này - doanh nhân Phạm Nhật Vượng.

"Người Vin..." - Ảnh 3.

Không có nhiều người biết đến doanh nhân Phạm Nhật Vượng cho đến khi vào những năm đầu thế kỷ 21 ông từ Ukraina về Việt Nam xây dựng Trung tâm thương mại đầu tiên tại phố Bà Triệu (Hà Nội) và Vinpearl tại đảo Hòn Tre, Nha Trang.

Trung tâm thương mại Vincom ở phố Bà Triệu theo mô hình ở các nước phát triển nhưng lần đầu tiên có ở Hà Nội nên người ta rất tò mò. Từ trẻ em đến người già đều muốn đến đó xem nó là cái gì. Các bạn trẻ lại càng thích đến khám phá và check in. 

Sang trọng, hấp dẫn và thời thượng là cảm giác của nhiều bạn trẻ khi có mặt tại trung tâm thương mại này. Những tháng đầu nghìn nghịt người kéo đến làm cho phố Bà Triệu cũng như các phố xung quanh luôn lâm vào cảnh tắc đường. Và rồi người ta tranh cãi về trung tâm thương mại này sẽ "sập" vì tiền đâu mà "nuôi" cả mấy tòa nhà đó? Cho thuê thì những đơn vị thuê bán hàng giá cao, ai mua? Những người theo thuyết âm mưu thì đặt câu hỏi: Đây có khi nào là nơi... rửa tiền? Và ai cho phép phá bỏ đi hàng loạt cây xà cừ cổ thụ đẹp như mơ ở phố Bà Triệu, thay vào đó là hàng cây lạ hoắc nửa giống dừa, nửa giống cau?

"Người Vin..." - Ảnh 4.

Mặc ai đó tranh luận, đấu khẩu, trung tâm thương mại Vincom Center Bà Triệu vẫn đi vào hoạt động, trở thành trung tâm mua sắm, vui chơi số 1 một thời ở Hà Nội. Sau đó thì hàng loạt các trung tâm thương mại Vincom ra đời ở Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác. "Trung tâm thương mại Vincom" từ lạ lẫm trở thành bình thường ở nơi phố thị hoặc ở khu đô thị mới mà Vingroup xây dựng. 

Chuyện về mấy cây xà cừ cũng được làm rõ: cơ quan chức năng cho phép bỏ. Lúc này nhiều người mới hiểu rõ xà cừ là do người Pháp đưa vào Hà Nội trồng từ xưa. Xà cừ rễ chùm, không ăn sâu dưới đất, thân cây to, nhiều cành lá um tùm, nên ngoài tác dụng làm bóng mát và lọc ô xy, xà cừ rất dễ bị gãy đổ khi mưa bão. Khi cây xà cừ đổ là cực kỳ nguy hiểm cho con người. Lúc này ai cũng trả lời được câu hỏi: Tính mạng con người quý hay mấy cây xà cừ to đùng cứ như sắp đổ sập xuống đầu quý hơn?

"Người Vin..." - Ảnh 5.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.

Lâu nay chẳng mấy ai lại mang quá nhiều tiền của đổ vào hòn đảo đầy cây rừng và sỏi đá cả. Trong tư duy quen thuộc của chúng ta, tư nhân không thể có khả năng, không có nhiều tiền, không có tâm thế, không có tâm huyết làm những việc khó và tốn quá nhiều tiền như vậy. Nhưng "Người Vin" làm đấy. "Người Vin" luôn làm những việc khơi dậy sự tò mò vốn có của người khác.

Ca nô chạy suốt ngày đêm. Hòn đảo hoang vắng trở thành một thành phố du lịch nhộn nhịp. Dân cả nước đổ về Vinpearl Nha Trang. Cáp treo vượt biển từ thành phố Nha Trang ra đảo dài 3.320m trở thành hiện tượng lạ.

Sau Vinpearl Nha Trang là Vinpearl ở Phú Quốc, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hạ Long... Lúc đó thương hiệu Vinpearl không còn xa lạ mà trở thành quá quen thuộc với người Việt.

Vinhomes – đương nhiên là nhà ở rồi. Người xưa cho rằng nhà ở hợp phong thủy là "nhất cận lộ, nhị cận giang". Nay "Người Vin" đào sông, làm đường rộng rãi và có đội bảo đảm an ninh cho cư dân sống trong khu đô thị Vinhomes. Người ta lại nghi ngờ rằng trong Thành phố Hồ Chí Minh, nhà đầu tư Đài Loan đã làm khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nay đã xuống cấp, từ cao cấp đang trở thành bình dân; Liệu Vin có đi vào vết xe đổ đó không? Nhưng rồi Vinhomes, Vincom từ chỗ là cái tên xa lạ, trở thành cái tên quen thuộc – đó là "Nhà của người Việt", đón nhận người có nhiều tiền, có ít tiền, người trung lưu và người có thu nhập bình thường (các chung cư diện tích nhỏ).

Có Vinhomes thì phải có trung tâm thương mại Vincom, có hệ thống trường học Vinschool liên cấp, có hệ thống bệnh viện Vinmec. Phục vụ khép kín và đồng bộ dân cư trong Vinhomes từ ăn, ở, học tập, chữa bệnh, ở Việt Nam chắc chỉ có "Người Vin" làm được, khó có nhà đầu tư nào theo kịp.

Sau gần 20 năm nỗ lực, thành công có, thất bại có, các thương hiệu trứ danh của Vingroup được báo chí đánh giá là "hàng đầu Việt Nam", "dẫn đầu", "số 1 Việt Nam", "có đẳng cấp quốc tế", "trải nghiệm hoàn toàn mới"...

"Người Vin" nghĩ nhanh, quyết nhanh, quyết liệt làm nhưng khi thấy thất bại sẽ đến thì dù mất mát không nhỏ cũng phải quyết từ bỏ nhanh.

Vingroup từng nhanh chóng thành lập Hãng hàng không Vinpearl Air để chạy đua chiếm lĩnh độ cao cùng các hãng nhà giàu khác nhưng sau đó chủ động từ bỏ. Vin đã nhượng lại mảng bán lẻ VinCommerce và VinEco cho Masan, từ bỏ sản xuất điện thoại Vsmart... Nói thẳng ra là Vin sẵn sàng đóng cửa các hệ kinh doanh không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp đồng thời với việc tái cơ cấu doanh nghiêp. Dùng từ "tái cơ cấu" có vẻ thời thượng nhưng thực chất là Vin/Người Vin phải thường xuyên làm mới/nạp pin cho chính mình. Mà muốn làm mới thì phải có năng lực mới do chính mình "tôi luyện" chứ không ngồi chờ ai đó mang đến.

Ngạc nhiên nhất là Vingroup  làm ô tô. Người Vin luôn mạo hiểm và đột phá. Đây là một trong những đặc điểm hấp dẫn của "Người Vin". Năm 2017, gần như "đùng một cái" Vin tuyên bố làm ô tô. Các làn sóng bình phẩm trái ngược nhau trong dư luận nổ bùm bùm trên mạng xã hội và cả trên báo chí chính thống. Làn sóng ủng hộ thì cho rằng, Vin làm được ô tô chính là niềm tự hào dân tộc. 

Vì lâu nay nhiều người nước ngoài và ngay cả người Việt Nam đều cho rằng Việt Nam chỉ đơn thuần đi lắp ráp ô tô (nhà nước quy định về lộ trình tỉ lệ nội địa hóa rất rõ nhưng chẳng hãng nào làm được); Việt Nam làm cái ốc vít còn không xong, sao làm được ô tô! 

Làn sóng ngược chiều thì nghi ngờ, kể cả dè bỉu: Các hãng ô tô trên thế giới có tuổi cả trăm năm còn không ăn thua gì, Vin làm sao làm được ô tô? Muốn làm được ô tô phải luyện được thép, phải làm được động cơ. Vin không làm được 2 cái đó thì chỉ là nhập hàng Tàu về lắp ráp thành thứ vớ vẩn mà thôi.

Làn sóng khác lại phản bác: Tư duy luyện được thép, làm được động cơ mới làm được ô tô là tư duy của đầu thế kỷ 20, nay là đầu thế kỷ 21 rồi. Bây giờ công nghệ phát triển như vũ bão, việc mua và hưởng lợi thành tựu công nghệ của nhân loại để sản xuất ra sản phẩm mới là quá bình thường. Người ta thường nói phải biết đứng trên vai những người khổng lồ đó sao.

"Người Vin..." - Ảnh 6.

Tác giả và ông Phạm Nhật Vượng - tháng 8 năm 2007 tại Kharcov.

Chỉ gần 2 năm, từ vùng lầy ở Hải Phòng xuất hiện tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với công nghệ hiện đại, làm nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Xe xăng Vinfast ra đời. Có người dè bỉu: Để xem sao, chẳng được mấy bữa. Chỗ này chỗ kia nghi ngờ, dìm hàng, và có cả chiến dịch được bày binh bố trận hẳn hoi để đánh sập uy tín thương hiệu Vinfast. Nhưng Vinfast như chiếc xe tăng cứ lừ lừ ngạo nghễ tiến lên mặc những "viên đạn" bắn bùm bùm từ bàn phím và từ các hạ tầng số khác nhau, từ các diễn đàn danh tiếng khác nhau.

"Người Vin" lại gây sốc bằng những thứ không có tiền lệ nên không có lối mòn nào được đi lại. "Đùng một cái" Vin dừng làm xe xăng, chuyển ngay sang làm xe điện. Sự xuất hiện của VFe34 không gây ấn tượng nhiều về khái niệm thành công của Vin vì Trung Quốc lúc này đang có nguy cơ trở thành bãi rác xe ô tô điện.

Vinfast đã "lao ra" gánh vác vai trò đi tiên phong tạo ra hệ sinh thái xe điện. Nhận xét của các nhà bình luận cho rằng thực sự Vin đã "ghi danh mình trên bản đồ xe ô tô thế giới", đã "chứng minh khả năng cạnh tranh toàn cầu" khi đem VF8, VF9 sang Mỹ và các nước Tây Âu cũng như xây dựng các nhà máy sản xuất ô tô điện ở các nước đó.

Thế nhưng trong và ngoài nước không thiếu gì lời dè bỉu, nghi ngờ, thậm chí coi thường về việc ô tô điện của Vin xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Vin cứ làm việc của mình, cứ đưa ra những thứ mà nhiều người thấy lạ lẫm và nhiều khi không hình dung trước được. Kỷ lục là Vinfast trở thành nhà sản xuất bán được nhiều ô tô nhất thị trường trong nước năm 2024.

Làm ô tô không chỉ là lấy lại ước mơ về "ô tô Việt" của nhiều thế hệ người Việt trong gần 100 năm qua và biến nó thành sự thật, mà Vin còn thể hiện sâu sắc lòng tự tôn dân tộc. Tự tôn dân tộc không nằm trong những lời thuyết giảng có cánh, không nằm trong những cuộc tranh luận về những ý tưởng cao siêu. Tự tôn dân tộc ở đây thể hiện cụ thể và có giá trị nhất là làm ra thương hiệu quốc gia được thế giới thán phục.

Vingroup – uống nước nhớ nguồn

Như đã nói, theo cách hiểu của tôi, hiện tại không ai điển hình có các đặc điểm của "Người Vin" hơn Chủ tịch Vin - ông Phạm Nhật Vượng: Làm những thứ không có tiền lệ, không theo lối mòn; không tranh cãi đúng sai, không giải thích, chỉ làm, lấy hiệu quả làm tiêu chí quy chuẩn về việc làm được cái gì cho cộng đồng; Nghĩ nhanh, quyết nhanh, làm những thứ tưởng là điên rồ nhưng lại mang tính đột phá; Làm quyết liệt, không làm nửa vời nhưng biết nhận sai, sửa sai đúng lúc, biết dừng những dự án không hiệu quả.

Cứ tạm định vị về một số đặc điểm dễ nhận biết của "Người Vin" như vậy. Nhưng vẫn chưa đủ. Một trong đặc điểm gây xúc động của "Người Vin" là nhân văn, thái độ sống uống nước nhớ nguồn, chia sẻ với những người thiệt thòi, vất vả hơn mình.

Ở thành phố Kharcov, chứng kiến các đơn vị của Technocom (tiền thân của Vin) làm ăn, tôi hiểu rằng cái đầu và cái tâm của người thủ lĩnh quan trọng như thế nào. Người Việt hay người Ukraina trong Technocom nếu làm việc có thành tích thì được chăm lo như chăm lo người thân của mình. 

Tiếp đó là việc xây chùa Việt ở Kharcov không đơn giản chỉ là tín ngưỡng của cá nhân ông Vượng mà là thái độ tích cực của doanh nhân Việt về văn hóa, tinh thần nhân văn, luôn quan tâm đến tín ngưỡng của người Việt sinh sống ở nước ngoài. Những ngày lễ lớn của Việt Nam hoặc của Ukraina, ông Phạm Nhật Vượng, ông Lê Viết Lam (Chủ tịch Sungroup) thường mời các cựu chiến binh Việt Nam và cựu chiến binh Ukraina (từng là chuyên gia, cố vấn kỹ thuật cho quân đội Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ), đến để tri ân. Những bài hát mang tính chất hành khúc của Việt Nam được các cựu chiến binh Ukraina hát trong làn nước mắt vì cảm động về tình cảm uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam.

"Người Vin..." - Ảnh 7.

Tác giả và ông Phạm Nhật Vượng tháng 8/2008 tại Kharcov.

Khi về Việt Nam kinh doanh, Phạm Nhật Vượng thành lập Quỹ Thiện Tâm. Quỹ Thiện Tâm hoạt động vì mục đích nhân đạo, từ thiện, nhằm "chuyển tải một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất tấm lòng của người Vingroup đến với cộng đồng". Với nhiều hoạt động lớn có ý nghĩa xã hội và nhân văn trên cả nước, giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình có công với cách mạng, con thương binh, liệt sĩ, gia đình gặp khó khăn, người già không nơi nương tựa..., Quỹ Thiện Tâm đang trở thành một điển hình cho tinh thần tương thân tương ái của người Việt.

Phía sau những quyết định bạo liệt của Chủ tịch Vingroup

Vin đã có nhiều thương hiệu trứ danh như Vincom, Vinhomes, Vinpearl, Vinshool, Vinmec, VinUni... nhưng sẽ còn tiếp tục ra thêm các thương hiệu Vin nữa. Trong lần trao đổi riêng, tôi và ông Phạm Nhật Vượng đã nói chuyện mang tính chất tâm tình nhiều hơn là phỏng vấn.

- Đã là doanh nghiệp thì phải nghĩ đến lợi nhuận, nói trắng ra là doanh nghiệp phải làm giàu. Nếu nói về độ giàu thì ông quá giàu rồi. Thế nhưng tôi thấy ông vẫn cứ ngày đêm nghĩ mới, làm mới, thậm chí đầu tư quá nhiều tiền để quyết liệt làm cái mới, mà không biết khi nào cân đối được thu chi – chẳng hạn như làm ô tô? Ông vẫn muốn giàu nữa sao?

- Ông Phạm Nhật Vượng: Khi học xong đại học, tôi ở lại Moscow làm ăn, nhưng có lúc nợ nần chồng chất và còn bị lừa hết tiền. Khi làm ăn nhiều năm ở nước ngoài, tôi càng cảm nhận được thực tế người nước ngoài coi thường người Việt Nam mình như thế nào. Vì thế tôi khao khát làm cái gì đó để chứng minh người Đức, người Ý, người Pháp làm được gì thì người Việt cũng làm được, và có khi còn làm được nhiều hơn. 

Những gì tôi làm được ở Kharcov không chỉ là mưu sinh, kiếm lợi nhuận mà sâu xa hơn là muốn chứng minh người Việt mình không hề kém cỏi. Khi còn trai trẻ thì lo mưu sinh, nhưng trước khi về Việt Nam, ý thức cống hiến cho "ngôi nhà Việt" hình thành ngày càng rõ nét. Khi về Việt Nam thì ngoài ý nghĩa đơn thuần là kinh doanh, thì khát khao cống hiến là hoàn toàn chiếm lấy tâm trí tôi. Ý thức cống hiến trở thành mục tiêu, động lực để say sưa làm việc. 

Anh có hình dung được rằng, mỗi lần Vin làm được cái gì thành công thì tôi là người hưởng sự sung sướng đầu tiên. Cảm giác hạnh phúc – cứ gọi là khoái cảm cũng đúng - khi mình làm thành công cái gì đó có ích cho xã hội, nó quá tuyệt vời.

- Khi làm cái gì đó mới, ông luôn gây sốc cho người khác. Ban đầu có quá nhiều ý kiến phản đổi, nghi ngờ, thậm chí coi thường. Sao ông không đăng đàn giải thích?

- Ông Phạm Nhật Vượng: Làm cái gì cũng được tất cả mọi người ủng hộ thì là không tưởng. Muốn không bị ai phản đối hay dè bỉu thì tốt nhất không làm cái gì cả. Mà tôi không làm gì cả thì có nghĩa là tôi ..."thăng" rồi (cười). 

Một khi người ta không tin, hoặc coi thường thì giải thích có ích gì. Ai nói gì thì cứ nói, còn tôi thì cứ làm việc của mình. "Người Vin" luôn có tư duy lành mạnh: chứng minh bằng hiệu quả. Hiệu quả có sức thuyết phục mà không lời tranh luận, giải thích dù hùng hồn đến đâu có thể sánh bằng.

- Có ý kiến cho rằng việc Vin yêu cầu "Người Vin dùng hàng Vin" là không hợp lý. Theo ông, ý kiến về "không hợp lý" đó có hợp lý không?

- Ông Phạm Nhật Vượng (trở lại mạnh mẽ và quyết liệt): Sản phẩm mình làm ra mà không dùng thì ai dám dùng? Tinh thần yêu nước cần thể hiện ở những việc cụ thể nhất và cũng là chứng minh hàng mình làm ra có chất lượng.

- Ông từng nói, Vin muốn rút ngắn thời gian và có hiệu quả phải mời được những chuyên gia giỏi của thế giới hợp tác. VinFuture có phải là thương hiệu Việt về khoa học công nghệ để qua đó tìm được các nhà khoa học cho Vin hay kết nối cho khoa học công nghệ Việt Nam?

Ông Phạm Nhật Vượng: Thẳng thắn mà nói thì giới khoa học công nghệ thế giới chưa hiểu vai trò của khoa học công nghệ đối với Việt Nam như thế nào. Qua giải thưởng Vinfuture, họ hiểu hơn về khoa học công nghệ của Việt Nam. Giải thưởng Vinfuture là điểm thu hút, kết nối các nhà khoa học hàng đầu của thế giới đến với Việt Nam hợp tác.

- Ở Vin thường nói đến khái niệm "tái cấu trúc" tập đoàn, nhân sự Vin phải rèn luyện để nâng cao năng lực, để trở thành những người ưu tú. Ông từng nói "học cả đối thủ của mình". Vậy việc học của chính ông thế nào?

- Ông Phạm Nhật Vượng: Làm gì cũng phải đam mê. Nhưng đam mê không có nghĩa là say sưa với cái đỉnh mà mình ngộ nhận. Lên rồi xuống là chuyện bình thường. Muốn lên thì phải học. Nhiều khi đi ngang hay đi xuống để sống sót, đều phải học. Không có ai giỏi tất cả mọi việc. Vì vậy nên tôi học ở trường đời, học bạn bè, học cả đối thủ của mình. Tôi đọc sách nhiều nhưng không làm theo sách. Vì khi đã đúc kết vào sách thì ai cũng biết và đã lạc hậu với thực tế hiện tại rất phức tạp, nhiều khi không theo bất cứ quy luật nào, khuôn mẫu nào. Sách là để tham khảo về một cách lý giải sự vật, hiện tượng nào đó chứ không phải là "sách giáo khoa" cho học trò phổ thông. 

Ở Vin, mỗi nhân sự cấp cao phải là người ưu tú, có đủ tiêu chuẩn. Nhưng không phải ai sinh ra đã ưu tú. Cho nên Vin khuyến khích các nhân sự tự rèn luyện, còn tập đoàn luôn tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho nhân viên, tạo điều kiện cho những ai muốn gắn bó, muốn nâng cao năng lực của họ.

- Ông thường nói đến tốc độ làm việc. Nhân sự cấp dưới của ông có đáp ứng được yêu cầu về tốc độ hay không?

Ông Phạm Nhật Vượng: Thực ra, mỗi thành viên của Vin luôn phải chủ động, nỗ lực học hỏi, phấn đấu không ngừng để hoàn thiện bản thân, lấy văn hóa tập đoàn và 6 giá trị cốt lõi của tập đoàn làm kim chỉ nam để điều chỉnh mọi hành vi của mình. Với tinh thần thượng tôn kỷ luật, văn hóa làm việc của các nhân sự của Vin là làm việc với tốc độ cao, hiệu quả và tuân thủ kỷ luật đã thấm nhuần trong mọi hành động của cán bộ, nhân viên, tạo nên sức mạnh của Vin. Mỗi nhân sự của Vin phải phấn đấu có đủ năng lực, phẩm chất để có thể đại diện xứng đáng cho Vin ở bất cứ hoàn cảnh nào.

"Người Vin..." - Ảnh 8.

Tác giả và ông Phạm Nhật Vượng tại một góc ngôi chùa Việt mới được ông Vượng bỏ tiền xây (chụp năm 2008 tại Kharcov).

Vingroup- Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp

Slogan của Vin là "Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp". Như vậy, với "Người Vin" không có đỉnh cao, chỉ có tâm thế luôn luôn bắt đầu với tốc độ cao. Và đương nhiên không chấp nhận sự tự mãn. Tự hào, tự tôn nhưng không tự mãn, mà phải khiêm tốn học hỏi.

Tinh thần truyền lửa từ Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đến các cán bộ cấp cao và nhân viên các cấp, là luôn tự hào là "Người Vin" và luôn nỗ lực vì một Vingroup phát triển bền vững, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nếu chịu khó quan sát thì "Người Vin" ở đâu cũng được nhận ra bởi phong cách và đặc điểm rất... Vin, khó lẫn vào đâu được.

Đặc điểm "Người Vin" hội tụ ở nhân viên cho đến những cán bộ cấp cao. Có thể thấy rõ nét nhất về sự khiêm tốn, trọng thị trong các mối quan hệ xã hội, nhưng lại hành động quyết liệt với tốc độ cao và đầy bản lĩnh, ở ngay những người tôi đã từng gặp. Đó là các ông bà: Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị; Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, thành viên Hội đồng Quản trị độc lập; Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc; Dương Thị Hoàn - Phó Tổng Giám đốc; Mai Hương Nội - Phó Tổng Giám đốc...

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nói riêng và "Người Vin" nói chung vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều người. Với "Người Vin", giới hạn chỉ mang tính tượng trưng, vì con người đều có thể làm được nhiều việc vượt giới hạn. Tiền trong sạch kiếm được thì rất đáng tự hào về công sức bỏ ra xứng đáng, nhưng xứng đáng hơn, tự hào hơn là khi con người làm được những việc có ích, giúp cho cuộc sống của những người xung quanh trở nên tốt đẹp hơn.

"Người Vin..." - Ảnh 9.

Ra đi để trở về và để đi xa hơn. Từ những gói mì ăn liền đi từ Việt Nam đến Ukraina, Vingroup quay lại Việt Nam để rồi vươn xa hơn ra toàn cầu với hàng loạt thương hiệu mang tầm quốc tế. Vinfast xuất khẩu xe sang Mỹ, châu Âu; Vinpearl thu hút du khách quốc tế; VinUni đào tạo các thế hệ chuyên gia toàn cầu... Những bước đi với tốc độ cao mà không theo bất cứ tiền lệ nào, cùng với đội ngũ nhân sự "Người Vin" có những đặc điểm không trộn lẫn vào đâu được, Vingroup đã "cắm được cờ" thương hiệu quốc gia trên bản đồ thế giới đầy bão dông.

Mặc dù điểm xuất phát bằng không, nhưng nếu có tầm nhìn đột phá và tinh thần quyết liệt của người thủ lĩnh, cùng với trí tuệ và năng lực ưu tú của tập thể, cách đi không theo hình mẫu và tiền lệ, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể gặt hái được kỳ tích như Vingroup. Lớn hơn nữa là với lòng yêu nước và lòng tự tôn dân tộc, doanh nghiệp Việt Nam có thể đĩnh đạc đi ra thế giới với tâm thế và năng lực của doanh nghiệp đại diện cho đất nước, mà không cần phải... năn nỉ, nhờ vả như trước đây chúng ta vẫn làm. "Người Vin" đã làm và sẽ tiếp tục làm được như vậy.

Tô Phán

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nguoi-vin-179250101091430714.htm