Người trẻ mới đi làm có cần thiết phải lì xì?
Với nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp và đi làm, Tết cũng thật "đau đầu" với đủ các khoản chi tiêu khi khoác lên mình "chiếc áo" người trưởng thành.
Tết đến, Xuân về là dịp mọi người tạm gác lại công việc, những bộn bề lo toan trong cuộc sống để đoàn tụ, sum vầy bên gia đình.
Thế nhưng, với nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp và đi làm, Tết cũng thật "đau đầu" với đủ các khoản chi tiêu khi khoác lên mình "chiếc áo" người trưởng thành. Trong đó, ứng xử với tục lì xì dịp Tết cũng là băn khoăn của không ít người.
An Thu (25 tuổi, đang làm việc tại Singapore)
Lì xì là một nét đặc trưng của người châu Á. Mọi người nghĩ rằng lì xì đầu năm giống như phát lộc may mắn cho nhau. Đó là truyền thống tốt đẹp và vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ.
Việc sinh viên mới ra trường, đi làm có nên lì xì hay không còn phụ thuộc vào thu nhập của từng người. Người có thu nhập tốt sẽ dễ dàng đưa ra lựa chọn bởi vấn đề của họ chỉ là sự hợp tình, hợp lẽ, cân nhắc xem tặng lì xì cho ai trong số những người thân, bạn bè.
Người có thu nhập ở mức thấp và trung bình, trong khoảng từ 4-7 triệu/tháng thì rất khó.
Bởi trong khoản thu nhập này, họ còn gửi bố mẹ một phần để góp Tết, giao lưu bạn bè, liên hoan họp lớp. Chưa kể một số bạn đi làm xa nhà vẫn phải trả tiền thuê phòng trọ, tiền điện, nước, xăng xe…
Bản thân tôi mới ra trường cũng chỉ bỏ ra số tiền vài trăm nghìn để lì xì cho những người cháu nhỏ nhất họ và thân thiết nhất. Sau này khi có kinh tế hơn thì mừng tuổi ông bà, bố mẹ, các em...
Theo tôi, nếu các bạn trẻ chưa lập gia đình thì việc mừng tuổi là không quá cần thiết. Thậm chí, đôi khi họ vẫn được nhận tiền lì xì.
Như Tú (23 tuổi, Hà Nam)
Quan điểm của tôi về vấn đề này là tùy tâm mỗi người. Tôi cảm thấy buồn một chút khi phong tục rất đẹp và nhân văn này đang dần bị biến chất. Có vẻ mỗi năm số tiền mừng tuổi của những đứa trẻ sẽ tăng lên và chúng không còn vui và thích thú khi được nhận những đồng tiền có mệnh giá thấp.
Rồi bố mẹ cũng phải đắn đo xem người ta tặng con nhà mình bao nhiêu để còn tiện "trả lại".
Cũng từ đây, không chỉ người trẻ mà nhiều gia đình khi nhắc đến Tết, họ không còn thấy vui mà chỉ thấy áp lực.
Với tôi, Tết là ngày gia đình sum vầy, gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp. Vì vậy, tôi hy vọng phong tục lì xì sẽ trở về với đúng ý nghĩa để người trẻ thoải mái tinh thần đón Tết.
Với trường hợp trẻ hỏi tôi lì xì, tôi nghĩ mình sẽ khéo léo trả lời: "Năm nay anh chưa có, để năm sau lì xì nhiều hơn nha", hoặc mừng tuổi ít nhưng bỏ vào những bao lì xì bắt mắt, hợp với trẻ con để đôi bên cùng vui.
Đức Tuấn (23 tuổi, Thanh Hoá)
Phong tục lì xì đầu năm là một nét đẹp văn hóa của người Việt, không chỉ người trẻ mà tất cả mọi người đều có thể lì xì nhau nhân dịp năm mới.
Lì xì quan trọng vẫn là tấm lòng, sự chân thành và nên xuất phát từ thành ý, không nên có sự gượng ép, đặt nặng về vật chất.
Theo tôi, lì xì trong dịp đầu xuân năm mới là việc mà người trẻ nên thực hiện, dù là mới ra trường.
Điều này vừa thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử của giới trẻ, lại vừa mang đến niềm vui trong những ngày tết. Số tiền lì xì có thể không quá lớn, tùy vào khả năng của mỗi người.
Tôi mới đi làm, thu nhập không nhiều nhưng sẽ cố gắng để dành một khoản cho việc mừng tuổi những người thân trong dịp năm mới.
Ngọc Trang (24 tuổi, Hà Nam)
Tôi nghĩ người trẻ mới đi làm không nhất thiết phải lì xì.
Khi mới ra trường, người đầu tiên tôi lì xì là ông bà, bố mẹ và đó cũng là một món quà nhỏ để thể hiện lòng biết ơn của tôi dành cho những người thân yêu.
Thức tế, thu nhập của người trẻ mới đi làm còn thấp. Do vậy, các bạn không nên suy nghĩ quá nhiều về vấn đề lì xì ai? lì xì bao nhiêu? Đừng đặt ham muốn vật chất vào những phong bao lì xì để cả người trao và người nhận không bị áp lực trước giá trị của đồng tiền. Tết đoàn viên đã là trọn vẹn rồi.
Xuân Huy (23 tuổi, Bắc Ninh)
Theo quan niệm dân gian của người Việt, lì xì đầu năm sẽ mang lại nhiều may mắn, thành công.
Người ta thường bỏ tiền vào những phong bao đỏ rồi trao tặng mọi người dịp đầu năm với mong muốn lấy may.
Nhưng ngày nay, nhiều người nghĩ rằng lì xì phải tiền to, giá trị lớn. Đó là quan điểm làm lệch chuẩn ý nghĩa của phong tục vốn rất đẹp đẽ này.
Lì xì không phải một sự ép buộc mà nó là sự tự nguyện, vui vẻ với mong muốn mang đến những điều may mắn, tốt lành.
Những người trẻ mới đi làm thường chưa có nhiều kinh tế, họ có thể không lì xì nếu quá khó khăn. Hoặc, có thể lì xì nhưng với khoản tiền vừa phải và trong tầm kiểm soát. Như vậy, Tết và lì xì sẽ không còn là nỗi áp lực, nhất là với các bạn trẻ.
Trần Lý (23 tuổi, Vĩnh Phúc)
Tôi nghĩ tùy theo kinh tế, mức thu nhập cá nhân và độ thân thiết trong các mối quan hệ để quyết định có lì xì hay không và lì xì bao nhiêu.
Trường hợp sinh viên mới ra trường chưa tìm được việc làm hoặc lương còn thấp thì việc lì xì là không cần thiết.
Tết năm nay tôi sẽ lì xì những người thân như ông bà, bố mẹ để thể hiện tình cảm, sự biết ơn.
Mọi năm, sau giao thừa, ông bà, bố mẹ luôn là người đầu tiên lì xì cho tôi.
Có thể giá trị trong phong bao lì xì không lớn nhưng nó thể hiện được tình cảm, sự yêu quý của người tặng dành cho người nhận lì xì.
Phương Thảo (23 tuổi, Đắk Lắk)
Theo tôi, người trẻ lì xì theo khả năng của mình là được, không nhất thiết phải vì áp lực đồng trang lứa, vì những ánh nhìn phán xét, chê bai từ người khác mà cố gồng lên để lì xì, khiến ngày Tết trở nên căng thẳng, mệt mỏi.
Năm nào tôi cũng để dành một số tiền nhỏ để mừng tuổi bố mẹ, anh chị và các cháu. Năm nay cũng không ngoại lệ, chỉ khác là năm nay tôi đã đi làm nên chắc chắn tiền mừng tuổi sẽ nhiều hơn những năm trước.
Thực hiện: Đắc Quang - Ngọc Ánh
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nguoi-tre-moi-di-lam-co-can-thiet-phai-li-xi-179230115153931398.htm