Người mang 2 quốc tịch có được cấp thẻ căn cước công dân?
Quốc tịch là một liên kết pháp lý giữa cá nhân và một quốc gia cụ thể, thể hiện trong tổng thể các quyền và nghĩa vụ mà cá nhân đó có, được quy định và đảm bảo thực hiện bởi pháp luật của Nhà nước. Vậy người mang 2 quốc có được cấp thẻ căn cước công dân không?
Những trường hợp công dân được phép mang hai quốc tịch
Cụ thể, những trường hợp công dân được phép mang hai quốc tịch bao gồm:
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam (khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi 2014).
- Người được Chủ tịch nước cho phép (khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008).
- Người được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài (khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008).
- Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài (khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008).
- Trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi (khoản 1 Điều 37 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008).
Người mang 2 quốc tịch có được cấp thẻ căn cước?
Theo theo Điều 19 Luật Căn cước 2023 quy định về người được cấp thẻ căn cước như sau:
Người được cấp thẻ căn cước
"1. Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.
2. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
3. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu."
Theo đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định về quan hệ giữa Nhà nước và công dân như sau:
Quan hệ giữa Nhà nước và công dân
"1. Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam.
2. Công dân Việt Nam được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm các quyền công dân và phải làm tròn các nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật."
Như vậy, người mang hai quốc tịch vẫn được cấp thẻ Căn cước công dân với điều kiện phải có một quốc tịch là Việt Nam. Theo quy định trong Luật Quốc tịch, công dân vẫn có thể làm thẻ Căn cước công dân được nếu có hai quốc tịch cùng lúc với điều kiện có một quốc tịch là Việt Nam. Đối với trường hợp người Việt định cư ở nước ngoài và đã nhập tịch quốc gia đó, nhưng vẫn muốn giữ hoặc nhập quốc tịch Việt Nam, pháp luật vẫn cho phép điều này.
Thủ tục cấp thẻ căn cước cho người mang 2 quốc tịch như thế nào?
Theo Điều 23 Luật Căn cước 2023 quy định về thủ tục cấp thẻ căn cước như sau:
Thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên được thực hiện như sau:
- Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước; trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 10 của Luật Căn cước 2023
- Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước;
- Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước;
- Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước;
- Trả thẻ căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi được thực hiện như sau:
- Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.
Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi;
- Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
+ Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.
Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp hỗ trợ làm thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này.
Trường hợp từ chối cấp thẻ căn cước thì cơ quan quản lý căn cước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nơi làm thủ tục yêu cầu cấp căn cước công dân?
Theo Điều 27 Luật Căn cước 2023 quy định như sau:
Nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước
"1. Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú.
2. Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.
3. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân."
Như vậy, có thể đi làm thẻ căn cước ở những nơi sau:
- Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú.
- Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.
- Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân.
Công dân Việt Nam ra nước ngoài định cư có bị thu hồi thẻ Căn cước không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 29 Luật Căn cước 2023 quy định về thu hồi, giữ thẻ căn cước như sau:
"1. Thẻ căn cước bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
a) Công dân bị tước quốc tịch Việt Nam, được thôi quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
b) Thẻ căn cước cấp sai quy định;
c) Thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa."
Như vậy, khi công dân Việt Nam ra nước ngoài định cư thì sẽ xảy ra 02 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Nếu công dân ra nước ngoài định cư và thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam thì thẻ căn cước của công dân sẽ bị thu hồi.
Trường hợp 2: Nếu như công dân ra nước ngoài định cư nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam thì sẽ không bị thu hồi thẻ căn cước.
Trong thực tế hiện nay, nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phía nước ngoài cấp hộ chiếu và công nhận quốc tịch (căn cứ vào pháp luật riêng của từng nước, có nước không bắt buộc công dân Việt Nam phải từ bỏ quốc tịch) nên việc công dân Việt Nam mang 2 quốc tịch và sử dụng đồng thời 2 hộ chiếu là không trái với quy định của pháp luật.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nguoi-mang-2-quoc-tich-co-duoc-cap-the-can-cuoc-cong-dan-179240906135625739.htm