Người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn "kịch khung" bị xử lý như thế nào?
Với nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, người điều khiển xe máy có thể bị phạt tiền đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. Ngoài ra, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện của người vi phạm lỗi nồng độ cồn.
Chi tiết các mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ như sau:
Mức vi phạm nồng độ cồn | Mức tiền phạt | Hình phạt bổ sung |
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng | Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng |
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng | Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng |
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng | Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng |
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC, quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 68 và khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, người vi phạm nồng độ cồn cố tình không nộp phạt khi có quyết định xử phạt sẽ bị cưỡng chế thi hành và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt sẽ nộp 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn có thể bị tạm giữ phương tiện
Khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm a khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về các trường hợp tạm giữ phương tiện giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm như sau:
Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) đối với một số hành vi vi phạm, trong đó có lỗi về nồng độ cồn.
Khi tiến hành tạm giữ xe của người vi phạm, Cảnh sát giao thông sẽ lập biên bản tạm giữ phương tiện với 2 bản, lấy chữ ký của người vi phạm và giao cho người đó giữ 1 bản (Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Việc tạm giữ xe do vi phạm nồng độ cồn được thực hiện theo quy định chung về tạm giữ phương tiện tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, thời hạn tạm giữ xe vi phạm nồng độ cồn là không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn này được tính từ thời điểm phương tiện bị tạm giữ thực tế.
Thời hạn tạm giữ xe có thể bị kéo dài hơn trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt: Thời hạn tạm giữ xe không quá 10 ngày làm việc.
- Vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan: Thời hạn tạm giữ xe không quá 1 tháng.
- Vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ: Thời hạn tạm giữ xe không quá 2 tháng.
Ngày 21/6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản xin ý kiến đại biểu Quốc hội về quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (tại khoản 2 Điều 9 Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ).
Có hai phương án được xin ý kiến.
Phương án 1: Quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Phương án 2: Quy định cấm theo mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tương tự quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn 1 trong 2 phương án nêu trên, thời gian hoàn thành trước 9 giờ 30 phút ngày 24/6.
Theo nghị trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào sáng 27/6/2024.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nguoi-dieu-khien-xe-may-vi-pham-nong-do-con-kich-khung-bi-xu-ly-nhu-the-nao-179240626105338489.htm