Người đàn ông mắc bệnh Sodoku do chuột cắn

11:15 - 24/05/2023

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, mu bàn chân sưng tấy. Khi vào viện, bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh Sodoku do chuột cắn.

Tuyệt đối không chủ quan khi bị chuột cắn

Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 39 tuổi, ở Hà Tĩnh, phải nhập viện do bị chuột cắn. Hiện bệnh nhân điều trị được 15 ngày, tình trạng đã tương đối ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Đạt, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh nhân tên N.V.T, nhập viện trong tình trạng sốt cao, mu bàn chân sưng tấy. Khi vào viện, bác sĩ thăm khám và chẩn đoán anh T mắc bệnh Sodoku do chuột cắn. Đây là bệnh lý khá hiếm gặp.

Người đàn ông mắc bệnh Sodoku do chuột cắn - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc bệnh Sodoku do chuột cắn. Ảnh: Trung Nguyên

Theo chia sẻ của người bệnh, buổi tối khi đi tắm anh vô tình dẫm phải chuột và bị cắn. Sau đó anh chủ quan không xử lý vết thương. Sau 4 ngày, vết thương do chuột cắn bắt đầu sưng và mưng mủ, kèm sốt cao nên đến bệnh viện địa phương khám và được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Đạt cho biết, khi bị chuột cắn nạn nhân có thể ủ bệnh dưới 7 ngày. Sau đó, người bệnh bắt đầu có hiện tượng sốt cao đột ngột, đau cơ, khớp, có thể xuất hiện hạch ở gần vị trí vết thương.

Đặc biệt, khi bị chuột cắn ở một số bộ phận như tay, chân hay cổ thường sẽ kèm theo biểu hiện nổi hạch ở nách, bẹn hoặc cổ. Với bệnh nhân bị bệnh Sodoku do chuột cắn sẽ được điều trị theo phác đồ kháng sinh. Việc điều trị kịp thời sẽ ngăn ngừa các biến chứng nặng.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Đạt cho biết thêm, hầu hết chuột dù mang vi khuẩn trong cơ thể nhưng không có triệu chứng và không có biểu hiện bệnh lý, chỉ một số ít trường hợp chuột bị bệnh. Tuy nhiên, không vì thế mà mọi người chủ quan. Khi bị chuột cắn, nạn nhân cần làm sạch vết thương bằng nước sát trùng, theo dõi vết thương. Nếu xuất hiện tình trạng nổi hạch, sốt, mưng mủ vết thương cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Các bác sĩ cho biết bệnh Sodoku (sốt chuột cắn) là một bệnh hiếm gặp. Bệnh được lây trực tiếp qua các vết cắn, vết cào hoặc gián tiếp thông qua tiếp xúc, ăn các thức ăn có lẫn nước tiểu của chuột chứa mầm bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể gây biến chứng tử vong.

Biểu hiện điển hình của bệnh là sốt cao đột ngột kèm theo đau cơ, đau khớp di chuyển, nôn mửa, viêm họng và đau đầu. Các triệu chứng rầm rộ nhưng vết cắn hoặc vết xước, vết thương thường không viêm tấy.

Các biến chứng khi bị bệnh Sodoku bao gồm viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, viêm phổi, áp xe khu trú, nhiễm khuẩn huyết, viêm khớp sinh mủ và suy đa tạng. Đặc biệt, nguy cơ tử vong do các biến chứng này đã được báo cáo có thể lên đến khoảng 50%.

Để phòng các bệnh do chuột cắn, các bác sĩ khuyến cáo:

Diệt trừ chuột và gặm nhấm gây hại, nhất là ở các khu vực thành thị đông dân cư.

Không sử dụng nguồn nước và nguồn thực phẩm có khả năng bị ô nhiễm do sự có mặt của chuột.

Nhân viên phòng thí nghiệm, nhân viên tại các cửa hàng, trang trại nuôi chuột hoặc gặm nhấm khác cần sử dụng găng tay khi tiếp xúc với động vật. Ngoài ra cần làm sạch lồng chuột và vệ sinh xử lý chất thải của chuột đúng quy cách.

Những người nuôi chuột không nên hôn hoặc liếm chúng và nên rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với chúng.

Tuyên truyền, giáo dục về các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh do chuột cắn để nâng cao nhận thức, giúp ngăn ngừa bệnh nặng ở những người tiếp xúc với chuột.

Cần làm sạch vết thương, sát khuẩn và đi khám khi bị chuột cắn.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nguoi-dan-ong-mac-benh-sodoku-do-chuot-can-179230524111316398.htm