Người dân ăn, ngủ, trốn rét cùng trâu

08:34 - 24/01/2024

Thời điểm này, quốc lộ 4D từ thành phố Lào Cai đến khu vực xã Tòng Sành giáp ranh huyện Bát Xát với thị xã Sa Pa mọc lên khu "trại trâu" tự phát của những người dân đưa trâu đến tránh rét, bảo vệ đàn gia súc trong thời tiết khắc nghiệt nơi “rốn rét” Sa Pa.

Người dân ăn, ngủ, trốn rét cùng trâu- Ảnh 1.

Nông dân Sa Pa đưa trâu xuống vùng thấp trốn rét hại. Ảnh: Quốc Hồng

Sơ tán hơn 1.000 con trâu xuống vùng thấp trốn rét

4 giờ chiều ngày 23/1, bầu trời xám xịt, chúng tôi có mặt ở "khu trại trâu" Tòng Sành, bắt gặp những đàn trâu từ phía thị xã Sa Pa sơ tán xuống đây trốn rét hại đang bao trùm nơi này.

Từ sáng sớm tinh mơ, vợ chồng anh Má A Pho cùng lùa đàn trâu 6 con đi từ xã Tả Phìn nhưng tận cuối chiều mới tới nơi. Đến khu tập kết, vợ chồng anh Pho vội vàng cắm cọc, căng mái che, quây bạt cho kín gió lấy chỗ cho người và đàn trâu trú chân qua đêm, dự định hôm sau sẽ củng cố thêm nơi ở cùng chuồng trại để trốn rét dài ngày. 

Vợ chồng anh Pho dự định sẽ ở lại đây cho qua mùa đông nên mang theo cả nồi niêu, lương thực phẩm, chăn màn, vật dụng thiết yếu để trụ lại cùng đàn trâu qua mùa rét buốt.

Người dân ăn, ngủ, trốn rét cùng trâu- Ảnh 2.

Nhiệt độ xuống thấp 3-4 độ C, người dân Sa Pa lùa trâu theo quốc lộ 4D xuống khu vực Tòng Sành, gần thành phố Lào Cai trốn rét. Ảnh: Quốc Hồng

Người dân ăn, ngủ, trốn rét cùng trâu- Ảnh 3.

Dựng lều bạt để người và trâu cùng trú ngụ qua mùa rét. Ảnh: Quốc Hồng

Nhìn xuống thung lũng Tòng Sành thời điểm này, thấy mọc lên rất nhiều lán trại tạm cho trâu trốn rét. Rất nhiều hộ nông dân ở các xã Trung Chải, Tả Phìn, Ngũ Chỉ Sơn đã sơ tán trâu xuống khu vực này từ khá lâu, trước đợt rét đậm rét hại vừa ập tới. 

Theo tìm hiểu của phóng viên Công dân và Khuyến học, mỗi khu trại trâu thường có nhiều người là anh em, họ mạc cùng rủ nhau đưa trâu xuống để tiện bề quây nhốt, chăn thả và bảo vệ. Đồng thời, cùng nhau chia sẻ miếng ăn, thức uống, sinh hoạt hằng ngày.

Người dân ăn, ngủ, trốn rét cùng trâu- Ảnh 4.

Người dân chọn khu đất cao, khô ráo để làm lán trâu. Ảnh: Quốc Hồng

Chính quyền và người dân sở tại ở những khu vực có "trại trâu" tự phát đều chia sẻ với những vất vả, khó nhọc của người chăn nuôi ở vùng "rốn rét" Sa Pa, sẵn lòng tạo điều kiện cho họ chăn thả ở địa phương, và cùng bảo đảm an ninh trật tự khu sơ tán trâu.

Phòng kinh tế thị xã Sa Pa cho biết, đã có hơn 1.000 con trâu được người dân các xã vùng núi cao, rét khắc nghiệt sơ tán xuống vùng thấp gần thành phố Lào Cai để tránh rét. 

Đợt rét tăng cường từ ngày 21 đến nay, nhiệt độ xuống thấp ở mức 3 độ C khiến số lượng trâu sơ tán tránh rét gia tăng.

Người dân ăn, ngủ, trốn rét cùng trâu- Ảnh 5.

Anh Má A Pho, ở xã Tả Phìn (Sa Pa) làm lán tạm cho trâu tránh rét, chiều ngày 23/1. Ảnh: Quốc Hồng

Tại Sa Pa hiện có 4.107 hộ chăn nuôi gia súc lớn, với số lượng là 13.350 con; trong đó trâu 10.172 con, bò 3.515 con, ngựa: 351 con.

Do thời tiết rét lạnh kéo dài khiến cây cỏ lụi tàn, nguồn thức ăn tự nhiên khan hiếm, cùng với sức chống chịu rét của trâu kém nên việc sơ tán trâu xuống vùng thấp ấm hơn, nguồn cỏ tự nhiên dồi dào hơn là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông khắc nghiệt của Sa Pa.


Người dân ăn, ngủ, trốn rét cùng trâu- Ảnh 6.

Lán trại của 1 gia đình ở khu tập kết trâu tránh rét Tòng Sành. Ảnh: Quốc Hồng

Người dân ăn, ngủ, trốn rét để bảo vệ "đầu cơ nghiệp"

Trời nhá nhem tối, ngay trong căn lều bạt vừa dựng lên, chị Sú (vợ anh Má A Pho) lấy đá kê tạm "ba ông đầu rau", rồi bắc chiếc xoong lên bếp, nổi lửa nấu nồi mì tôm kèm thịt lợn treo gác bếp và rau "cải mèo" mang từ nhà. Chị Sú bảo hôm nay ăn tạm thế, từ ngày mai sẽ nấu cơm cùng với thức ăn khô mang theo, rau thì tìm kiếm trong rừng hoặc mua nhà dân gần đó. 

Những người đến trước giúp chị ít củi, can nước lấy từ mạch nhỏ gần khu "trại trâu", nhờ vậy, chỉ một loáng bữa ăn của những người sơ tán cùng trâu đã xong.

Người dân ăn, ngủ, trốn rét cùng trâu- Ảnh 7.

Ông Châu A Dế, xã Trung Chải làm lán ở tạm để chăn thả trâu tránh rét. Ảnh: Quốc Hồng

Nhìn vào căn lều đã chiến dựng trên lớp rơm rạ khô, chị Sú trải chiếc đệm mút đã cũ và chăn màn mang theo, thế là có chỗ ngủ tạm "êm ấm" để vợ chồng chị cùng đàn trâu trốn rét qua mùa đông năm nay. 

Chị Sú bảo: "Mình có vất vả, khó nhọc một tý nhưng đàn trâu có cỏ ăn, không bị rét làm chết là vui rồi!".

Người dân ăn, ngủ, trốn rét cùng trâu- Ảnh 8.

Nấu ăn tại chỗ cùng trâu. Ảnh: Quốc Hồng

Với người dân nông thôn vùng cao Sa Pa, cuộc sống chủ yếu làm nông nghiệp nên con trâu là "đầu cơ nghiệp", không chỉ làm sức kéo canh tác ruộng nương mà là khối tài sản có giá trị lớn, giúp họ trang trải "công to, việc lớn" trong cuộc sống gia đình, như "dựng vợ, gả chồng" cho con cái, làm cái nhà, cái cửa khang trang…

Điểm qua một vòng khu "trại trâu", có hàng chục gia đình nông dân ở các xã Trung Chải, Ngũ Chỉ Sơn, nhiều nhất là ở Tả Phìn đưa trâu đi tránh rét. Mỗi nhà quây nơi ở và chỗ nhốt trâu riêng, hợp lại thành khu "trại trâu" dã chiến dưới thung lũng Tòng Sành, nơi khí hậu ấm hơn trên cao và sẵn nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

Người dân ăn, ngủ, trốn rét cùng trâu- Ảnh 9.

Nhờ đi trốn rét, ông Dế bảo vệ được 2 con nghé vừa mới sinh ra ở nơi ấm áp. Ảnh: Quốc Hồng

Chia sẻ với những vất vả của người dân đưa trâu đi trốn rét, chính quyền thị xã Sa Pa không chỉ phối hợp với người dân sở tại tạo điều kiện tốt nhất về nơi chăn thả, bảo đảm an ninh trật tự, mà còn cả tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc.

Người dân ăn, ngủ, trốn rét cùng trâu- Ảnh 10.

Từ đầu mùa đông đến nay, tại Sa Pa không xảy ra tình trạng trâu bị chết rét, hạn chế thiệt hại cho bà con nông dân. Ảnh: Quốc Hồng

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, tính đến ngày 23/1, đã có hơn 1.000 con trâu được người dân Sa Pa di chuyển xuống vùng thấp tránh rét. 

Nhờ chủ động các biện pháp phòng, chống rét hại ngay từ đầu mùa đông nên không xảy ra tình trạng gia súc bị chết rét, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra với người nông dân Sa Pa.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nguoi-dan-an-ngu-tron-ret-cung-trau-179240124082630226.htm