Ngôi chùa Việt đầu tiên ở xứ sở Hoa Anh Đào

20:17 - 09/07/2022

Nhớ đến ngôi chùa Nam Hòa, lại nhớ đến tình hữu nghị của Chính phủ và Nhân dân Nhật Bản đã dành cho nhân dân Việt Nam.

Duyên may gặp trụ trì chùa Linh Sơn

Một lần đến Nha Trang, người bạn đường của tôi có tâm nguyện muốn được thắp hương tại ngôi chùa gần nhất. Hỏi thăm người dân địa phương, chúng tôi thả bộ trên con đường nhựa uốn lượn quanh co ven biển, đến cổng một ngôi chùa nhỏ ven đường Trần Phú. Tấm biển tên chùa bằng chữ Việt: Chùa Linh Sơn.

Ngôi chùa Việt đầu tiên ở xứ sở Hoa Anh Đào - Ảnh 1.

Ni sư Thích Nữ Thông Thắng và khách thập phương thăm chùa. Ảnh: Năng Lực

Ngôi chùa không có vẻ một địa chỉ du lịch, bởi phong cách và quy mô giản dị, khiêm nhường. Mấy vị ni sư trẻ chắp tay chào đáp lễ rồi lại ai làm việc nấy, dường như sự có mặt của những người khách lạ trong không gian tĩnh mịch đối với các ni sư cũng là chuyện thường tình.

Tiếp chúng tôi, Ni sư trụ trì tự giới thiệu pháp danh là Thích Nữ Thông Thắng. Bằng giọng miền Trung nhỏ nhẹ, bà trả lời những câu thăm hỏi của khách một cách ân cần. Đến khi bà nói về việc xây một ngôi chùa, chùa Nam Hòa trên đất Nhật Bản thì tôi chợt giật mình.

Ngôi chùa đầu tiên của người Việt ở xứ sở Hoa Anh Đào đã là sự kiện trong đời sống văn hóa, tâm linh không chỉ của người Việt sinh sống tại đất nước Mặt Trời Mọc và là sự kiện đáng hoan hỉ của Phật tử cả nước, ghi dấu ấn trong mối bang giao giữa hai dân tộc Việt - Nhật. Với lòng ngưỡng mộ, tôi ngắm nhà tu hành nhỏ bé có khuôn mặt nhân hậu, phong thái ung dung nhưng vẫn mang dáng dấp một người phụ nữ đảm đang, linh hoạt.

Hai dân tộc Việt - Nhật đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo. Theo chính sử, Phật giáo đến Nhật Bản từ thế kỷ thứ VI, vào năm 538 sau Công nguyên, khi một đoàn sứ thần của vua Bách Tề, một vương quốc trên bán đảo Triều Tiên đến Nhật Bản, trong đoàn có nhiều nhà sư, mang theo tặng phẩm là pho tượng Phật bằng vàng.

Dù lịch sử Phật giáo Nhật Bản có chậm hơn lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhưng tư tưởng Phật giáo đã làm nên nhiều nét tương đồng trong văn hóa, phong tục, tập quán và tư duy của người dân hai nước. Những giá trị tinh thần của Phật giáo đã đi vào đời sống xã hội như một thực thể hòa hợp và gắn bó, biểu hiện trong từng nhịp sống của người dân hai nước.

Ngôi chùa Việt đầu tiên ở xứ sở Hoa Anh Đào - Ảnh 2.

Chùa Nam Hòa ở thị trấn Koshigaya, tỉnh Saitama, Nhật Bản. Ảnh: Năng Lực

Nam Hòa, tên chùa nhiều ý nghĩa

Trong xu thế hội nhập quốc tế, nhiều người Việt đã đến học tập, làm việc và định cư tại Nhật Bản. Họ được Chính phủ và nhân dân Nhật Bản dành cho sự giúp đỡ chân tình. Dưới thời Ngài Abe Shinzo làm Thủ tướng, Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho công dân Việt Nam có cuộc sống tốt đẹp. Trong những ngày đại dịch COVID hoành hành, Chính phủ vẫn trợ cấp cho những người Việt Nam có mặt trên đất Nhật Bản ở mức tương đương với công dân Nhật, hỗ trợ họ ổn định cuộc sống trong lúc khó khăn. 

Dù ở xa Tổ quốc, người Việt trên đất Nhật luôn hướng về quê hương, nơi có cây đa, bến nước, sân đình và mái chùa rêu phong cổ kính.

Nhân một lần sang Nhật chữa bệnh, thấu hiểu nguyện vọng hướng về quê cha đất tổ và nhu cầu tâm linh của cộng đồng người Việt, Ni sư Thích Nữ Thông Thắng đã khởi xướng cuộc vận động xây ngôi chùa trên khuôn viên rộng 300m2 tại thị trấn Koshigaya, tỉnh Saitama, cách Thủ đô Tokyo 70 km về phía Tây Bắc. Chùa được đặt tên là Nam Hòa Tự, do chính Ni sư trụ trì.

Về ý nghĩa tên chùa, Ni sư cho chúng tôi biết: Nam là quốc hiệu của nước Việt Nam, Hòa là Đại Hòa, quốc hiệu của nước Nhật Bản. Nam Hòa hàm ý tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, là chùa Việt Nam trên đất nước Nhật. Tên chùa cũng nói lên nguyện vọng về một đất nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, cầu mong cho những người con Việt sinh sống trên đất Nhật được an lành, hòa hợp.

Để xây được ngôi chùa, Ban vận động đã trải qua nhiều khó khăn, từ vận động, quyên góp kinh phí của Phật tử hảo tâm thập phương, liên hệ với chính quyền địa phương xin cấp đất, cấp phép xây dựng, lên thiết kế và tổ chức thi công. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, công việc chuẩn bị tiến hành đúng tiến độ. Chính quyền tỉnh Saitama cấp cho dự án 300 mét vuông đất để xây chùa.

Ngày 1 /1 /2006, trong thời gian Ngài Abe Shinzo làm Thủ tướng Nhật Bản, chùa Nam Hòa, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất nước Nhật Bản đã được khánh thành trong niềm hoan hỉ của cộng đồng Phật tử người Việt và đạo hữu Nhật Bản, trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người Việt trong những dịp lễ tết, ngày nghỉ cuối tuần.

Khi tôi hỏi Ni sư, vì sao bà lại đứng ra vận động xây chùa Nam Hòa, Ni sư trả lời thật giản dị: Dạ, việc phúc, tui không làm thì có người khác làm.

Ngôi chùa Việt đầu tiên ở xứ sở Hoa Anh Đào - Ảnh 4.

Thành tâm lễ Phật, nghĩ đến thăng trầm trong quan hệ giữa hai dân tộc, ngày nay đã tốt đẹp hơn.

Ảnh: Tác giả

Chúng tôi đã có duyên may được đến lễ Phật tại chùa Nam Hòa ở xứ Phù Tang. Hữu duyên, chúng tôi lại được gặp Ni sư Thích Nữ Thông Thắng, vị chân tu người Việt, trụ trì cả chùa Linh Sơn ở Nha Trang và chùa Nam Hòa ở xứ sở Hoa Anh Đào. 

Ngôi chùa nho nhỏ có chiếc cầu xinh xinh bắc qua con ngòi xinh xinh dẫn vào chính điện, có pho tượng Quán Thế Âm Bồ tát trắng tinh khôi, nét mặt bình thản, tư thế khoan hòa đứng bên lối vào.

Ni sư trụ trì và đệ tử của bà, nữ Tiến sỹ Phật học tại Ấn Độ, Ni cô Thích Nữ Thông Đĩnh cho chúng tôi biết, bốn lễ lớn trong năm, có hàng ngàn Phật tử người Việt ở Nhật Bản về lễ chùa, nhờ thế, sự gắn kết cộng đồng Việt thêm chặt chẽ.

Thành tâm đảnh lễ, vái vọng vào chính điện, thầm nghĩ đến mối quan hệ bang giao Việt - Nhật trải qua những thăng trầm thế sự, nay đã tốt đẹp muôn phần, lại càng nhớ đến công lao những người từ lãnh đạo đến dân thường ở hai xứ sở có nhiều nét tương đồng về văn hóa, đã dày công vun đắp cho mối tình hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc ngày thêm tố hảo.

Cầu chúc cho tình hữu nghị giữa hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển, cùng nhau đi đến ấm no, thịnh vượng.

  

Nguồn: Tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ngoi-chua-viet-dau-tien-o-xu-so-hoa-anh-dao-179220709171908519.htm