Ngỡ ngàng với Lễ hội Xôi giữa lòng Hà Nội
Ngày mùng 8 Tết, len lỏi giữa những toà nhà chọc trời của đất Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội, chúng tôi được ghé thăm một Lễ hội truyền thống đặc biệt của người dân làng Phú Gia: Lễ hội Xôi.
Dẫn chúng tôi vào làng Phú Gia là thầy Mai Chiển, một người con của làng. Đi với "dân gốc" lại là thầy dạy nấu ăn, nhóm chúng tôi hoàn toàn yên tâm, tự tin bước tới.
Chỉ từ lối rẽ phía đường An Dương Vương đi vào đình làng Phú Gia, khung cảnh làng quê bỗng hiện ra trước mắt với bao ngỡ ngàng của những người vốn ở Hà Nội đã lâu nhưng không hề hay biết có một Lễ hội đặc sắc như vậy giữa những toà nhà chọc trời.
Khung cảnh linh thiêng và một cảm giác ấm áp xen vào lòng mỗi đứa chúng tôi khi bước qua gốc đa đầu làng, nhìn thấy mái đình cổ thấp thoáng bóng những bậc bô lão và ấu nhi tưng bừng áo xống với nét mặt tươi cười chào đón du khách. Quả là:
Muốn về thăm mẹ, thăm cha
Nhớ rằng theo lối cây đa, mái đình
Không phải ngẫu nhiên mà trên khắp các vùng miền, đình đền, miếu quán, am lại phong phú đến vậy. Và đình làng Phú Gia cũng thế, dẫn chúng tôi về với một vùng đất giàu truyền thống, với nét văn hoá đặc biệt riêng, rất đậm chất đồng bằng Bắc Bộ.
Ngày hội Xôi là sân chơi của rất nhiều chi hội trong làng.
Tương truyền rằng, Thánh hoàng làng Phú Gia Hương là tên gọi của thánh tổ nghề xôi đất Phú Thượng nức tiếng Hà thành. Người dân Phú Thượng xưa được sở hữu một vùng đất đai màu mỡ, phì nhiêu được bồi đắp từ phù sa sông Hồng. Từ những cánh đồng màu mỡ ấy, người dân làng đã trồng được loại gạo rất thượng hạng, đó là gạo nếp cái hoa vàng để thổi xôi.
Lễ hội đình làng Phú Gia bắt đầu từ ngày 8 đến ngày 10 Tết tháng Giêng. Lễ hội là một nét văn hoá tâm linh sâu sắc và là nơi để giao lưu văn hoá tín ngưỡng, là nét văn hoá truyền thống tốt đẹp, gợi nhắc con cháu nhớ về cội nguồn. Nhớ đến những người có công với làng, với xã. Tưởng nhớ đến vị Thánh hoàng làng khai nguyên, người đã có công mở mang bờ cõi, đánh giặc giữ nước mang lại cuộc sống êm ấm cho dân làng.
Lễ hội cũng có nhiều trò chơi dân gian như: cờ người, đập niêu, hội thi xôi hấp dẫn.
Ngày hội Xôi là sân chơi của rất nhiều chi hội trong làng. Hội thi thu hút đông đảo những nghệ nhân giỏi của làng xôi Phú Thượng. Có 3 làng tham gia hội thi năm nay thì có tới cả chục chi hội các chị em làng nghề khéo tay, khoe nghề trang trí. Đến với Lễ hội Xôi Phú Gia, du khách sẽ được thưởng thức rất nhiều loại xôi được trang trí đẹp mắt. Có thể nói là những "tác phẩm" xôi vô cùng công phu, sáng tạo của các nghệ nhân.
Rất nhiều mầu sắc của xôi.
Không chỉ có món xôi truyền thống như xôi lạc, xôi đỗ, xôi gấc, rất nhiều những loại bánh mới được sáng tạo bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân cũng được trình bày tại Lễ hội độc đáo này: bánh mô-chi làm từ gạo nếp, bánh đa kê vừng, xôi mít... Các chủ đề như mái đình, làng tôi, Việt Nam, biển đảo quê hương, hoa Tết, cây đa, bến nước, con đò, sân đình, đường hoa đều được trình bày từ nguyên liệu là xôi thật đặc biệt. Những tác phẩm xôi đầy tâm huyết của người thợ xôi với mong muốn giới thiệu cho du khách thập phương những đặc sản truyền thống của làng nghề Phú Gia. Đã có nhiều thực khách dí dỏm nói rằng: Ăn phở 3 lần đã ngán, những ăn xôi cả tháng vẫn thèm...
Các chủ đề như mái đình, làng tôi, Việt Nam, biển đảo quê hương, hoa Tết, cây đa, bến nước, con đò, sân đình, đường hoa đều được trình bày từ nguyên liệu là xôi.
Năm 2006, Phú Thượng đã được Thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Điều đó càng làm nên niềm tự hào trong mỗi gia đình, mỗi nghệ nhân làng nghề nơi đây. Tự hào về vùng đất Phú Gia, Phú Thượng, cũng chính là tự hào về một vùng đất kinh kỳ có nhiều truyền thống văn hoá đặc sắc. Có lẽ Hà Nội xưa cùng còn khá nhiều làng nghề chưa được nhiều người biết đến, như Hội làng nghề bún Phú Đô, nghề Đậu phụ làng Mơ ở Hoàng Mai, nghề cốm Làng Vòng...
Có câu ca từ xưa rằng: "Làng Gạ có gốc cây đề, Có sông tắm mát, có nghề thổi xôi..."
Nói về vùng đất Phú Thượng xưa kia có 3 Kẻ Gạ, Kẻ Xù và Kẻ Bạc. Kẻ Gạ là tên gốc của Làng Phú Gia xưa. Trong đó, làng Kẻ Gạ có những người con rất khéo léo, có câu ca rằng:
Làng Gạ có gốc cây đề
Có sông tắm mát, có nghề thổi xôi
Từ những hạt gạo dẻo thơm, đậu xanh căng mịn, những tác phẩm xôi như những bức tranh tuyệt tác của các nghệ nhân đã cống hiến cho du khách những chiêm ngưỡng ngất ngây, đầy tự hào về một truyền thống tốt đẹp của người dân Kẻ Gạ.
Con người Việt Nam hiếu kính tiên tổ, cội nguồn với những người có công... Các cụ già làng kể, lễ hội Xôi làng Phú Gia là một nét đẹp văn hoá truyền thống có từ cả 300 năm trước, từ thời kinh thành Thăng Long - Đông Đô với những triều đại phong kiến đã có những người con tài tình đất kinh kỳ có bàn tay khéo léo, thổi xôi, nấu gạo như những tuyệt tác của thiên nhiên dâng cúng các bậc vua chúa, bề trên.
Về thăm Hội làng Phú Gia, chúng tôi như được lạc trong một xứ sở thần tiên của những tháng ngày muôn năm cũ, nhìn những ngôi sao vàng năm cánh trên nền xôi gấc đỏ thắm lá cờ, mỗi chúng tôi thêm tự hào, thêm yêu quê hương, đất nước Việt Nam, ngàn năm văn hiến. Tự hào hơn nữa về một Hà Nội xưa đầy cổ kính, với những con người yêu nghề, nhiệt huyết, giỏi giang và đảm đang biết bao.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ngo-ngang-voi-le-hoi-xoi-giua-long-ha-noi-17923012917233967.htm