Ngộ độc rượu thực phẩm
Bài viết này không nói ngộ độc Methylic (Metanol, quen gọi cồn công nghiệp) mà nói tới ngộ độc rượu thực phẩm Ethylic (Etanol). Gần đây, vì "bùng nổ" những ca ngộ độc Methylic nên hình như người ta "quên" mất ngộ độc rượu thực phẩm Ethylic.
Một nam thanh niên 25 tuổi vừa phải thở máy liên tục suốt 3 tuần ở Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Trước đó anh này uống rượu khi đang đói, về nhà ngủ li bì, bỏ bữa. Gia đình tưởng anh ngủ say nên không đánh thức. Khi thấy bất thường, đưa đến viện thì tinh thần đã li bì, lơ mơ, bác sĩ nói đã bán hôn mê (sub coma), đặc biệt các xét nghiệm cho đường máu gần bằng không, tổn thương mô não…!
Ngày 3/1, bệnh viện tỉnh Vĩnh Phúc thông tin, dịp Tết dương lịch mới đây, đã cấp cứu, chữa trị gần 20 ca ngộ độc rượu, trong đó có 2 người tử vong trước khi đến viện…!
Ngộ độc cấp tính rượu thực phẩm
Gần đây, vì "bùng nổ" những ca ngộ độc Methylic nên hình như người ta "quên" mất ngộ độc rượu thực phẩm Ethylic. Phải nhắc lại rằng Methylic là chất rất độc, không phải thực phẩm nhưng tính chất lý học (không màu, mùi hắc, vị cay…) giống hệt Ethylic nên người ta lạm dụng từ "rượu" để gọi nó. Điều này rất nguy hiểm vì gây lẫn lộn…!
Bệnh học chia hậu quả uống rượu thực phẩm thành hai dạng ngộ độc rượu cấp tính và nghiện rượu mãn tính. Nghiện rượu mãn tính sẽ đề cập trong một bài viết khác, bài viết này chỉ nói về ngộ độc cấp tính.
Ngộ độc rượu cấp tính có hai mức độ là say rượu thông thường và say rượu bệnh lý xảy ra ở người bình thường (không nghiện rượu mãn tính), uống quá nhiều rượu trong một cuộc hay nhiều cuộc liên tiếp trong một vài ngày (người nghiện mãn không thể uống nhiều trong một lần). Ban đầu là giai đoạn hưng phấn ngắn: người uống nói nhiều, khí sắc tăng (vui vẻ), phản ứng tâm thần nhanh hơn bình thường, cởi mở, hoạt bát, có thể giãn mạch ngoại biên (đỏ mặt…), tăng huyết áp, mạch nhanh. Giảm khả năng kiểm soát tác phong và phê phán nên có thể bông đùa quá trớn, không đúng chỗ hoặc hành vi thiếu tế nhị, lịch thiệp. Đến suy giảm phối hợp và độ chính xác của động tác (rơi bát, đũa, đi lảo đảo…); tri giác (nhận biết người, vật…) trở ngại và tư duy (dòng suy nghĩ) bị ức chế (phản ứng tâm thần chậm hoặc không có); cảm xúc dao động nên dễ chuyển từ vui vẻ sang cáu giận hoặc khóc than. Mạch và huyết áp tăng hơn nhưng xuất hiện phản ứng vận mạch (da đỏ bừng hoặc tái nhợt), tăng tiết mồ hôi, buồn nôn hoặc nôn, quên (ví dụ định nói gì trước đó thì quên mất…); có thể ngủ rất nhanh tại chỗ…
Khi chuyển sang giai đoạn ức chế kéo dài do nhiễm độc sẽ có biểu hiện da tái nhợt do co mạch ngoại vi; nhịp tim chậm, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, rung giật nhãn cầu, giãn đồng tử; có thể liệt, vong ngôn; nặng nhất là hôn mê, suy hô hấp, tử vong. Nếu rơi vào trạng thái say rượu bệnh lý - một trạng thái loạn thần cấp - sẽ xuất hiện rối loạn ý thức kiểu hoàng hôn (tranh tối tranh sáng) đột ngột làm người say trở lên mù mờ, định hướng (không gian, thời gian…) và tri giác rối loạn, lệch lạc nghiêm trọng. Cảm xúc sợ hãi, giận dữ, độc ác nổi bật và hành vi đặc trưng của kích động, công kích. Thường xuất hiện hoang tưởng rời rạc với nội dung bị đe dọa, bị theo dõi và ảo thị, ảo thính. Có thể xuất hiện hành động tấn công nguy hiểm, vô cớ, kể cả giết người do hoang tưởng, ảo giác chi phối.
Trạng thái say rượu bệnh lý thường tồn tại ngắn trong khoảng một vài giờ và kết thúc bằng giấc ngủ, tỉnh dậy quên hết mọi việc vừa xảy ra hoặc nhớ rất ít, vụn vặt. Say rượu bệnh lý dễ xuất hiện ở người mệt mỏi, đói, mất ngủ nhiều, suy nhược cơ thể, sau một bệnh cơ thể kéo dài, đặc biệt là những người chấn thương sọ não hay có bệnh não, màng não trước đó. Ngộ độc rượu cấp tính phụ thuộc vào lượng rượu uống và ngưỡng dung nạp của cơ thể, nếu ngưỡng chịu đựng thấp uống ít đã ngộ độc.
Trong cơ thể Ethylic được đào thải nguyên dạng qua hơi thở, mồ hôi, nước tiểu (tối đa 15%), còn lại được gan thủy phân thành nước và Cacbonic, oxy hóa thành Acetaldehyde (CH 3CHO) rồi thành acid Acetic. Một ngày, gan bình thường chỉ tiêu thụ hoàn toàn 2 đơn vị rượu (1 đơn vị bằng 10gam rượu nguyên chất theo Tổ chức Y tế thế giới (ví dụ rượu 400Alchol có 40gam Etanol/100mililit), tương đương 270mililit bia, 125mililit vang, 25mililit rượu mạnh). Uống quá nhiều gan không thể chuyển hóa hết Acetaldehyde thành acid Acetic, lượng Acetaldehyde cao làm tổn thương tế bào gan (tăng men gan) và mọi mô khác.
Riêng cơ tim còn chịu thêm tác hại rối loạn vận chuyển Canxi trong và ngoài tế bào do Acetaldehyde gây ra, làm suy yếu tế bào tim, co thắt mạch vành dẫn đến trụy mạch, tử vong. Với não, Ethanol làm tăng hoạt chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng ức chế (Gamma amino butyric acid - GABA), nhưng lại làm giảm hoạt chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng kích thích (Glutamate và Aspartate) và hậu quả là thần kinh trung ương bị ức chế. Ngoài ra, quá trình giáng hóa Ethanol còn sinh ra các gốc tự do phản ứng chứa Oxy (reactive oxygen species - ROS: Superoxid (O2−), Hydro peroxid (H2O2) và Hydroxyl - OH) gây độc tế bào.
Nếu Methylic gây tử vong, hoại tử não, tổn thương thần kinh thị giác, nội tạng với tỷ lệ cao và trầm trọng, thì Ethylic gây tử vong với tỷ lệ thấp hơn và tổn thương não, nội tạng nghiêm trọng. Khi nồng độ Ethylic máu 300 - 400mg/100ml (0,3 - 0,4%) sẽ hôn mê, 500mg/100ml (0,5%) trở lên sẽ tử vong.
Uống lúc đói rượu "ngấm" nhanh nhất
Thanh niên 29 tuổi, ở Hưng Yên, uống rượu với bạn, tối về nhà không ăn, ngủ ngay, sáng hôm sau gọi không phản ứng. Người nhà thấy chân tay lạnh, duỗi cứng, hôn mê, đưa vào bệnh viện tỉnh và phải chuyển ngay Trung tâm chống độc Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân hôn mê sâu, suy hô hấp phải thở máy, toan máu, tiêu cơ vân (cơ đi cùng hệ xương và cơ hoành - giải phóng vào máu chất căn bản của cơ - Myoglobin; các men trong cơ; Kali, Photpho, axit Uric; gây rối loạn nước - điện giải, dẫn đến sốc giảm thể tích, toan hóa máu) nặng và suy thận cấp (do Myoglobin làm tắc ống thận). Sau khi lọc máu không có dấu hiệu hồi phục, gia đình xin về, tử vong.
Một ông 40 tuổi, ở Hà Nội, được đưa đến Trung tâm chống độc Bạch Mai khi đã nguy kịch sau 9 ngày liên tục uống rượu: hôn mê sâu, tụt huyết áp, suy hô hấp, đồng tử giãn, toan chuyển hóa nặng, đường huyết chỉ còn 0,6milimol/lit, nồng độ rượu máu 260miligam/dexilit. Sau một ngày lọc máu cấp cứu, hồi sức tích cực vẫn hôn mê, huyết áp tiếp tục giảm, khả năng sống sót còn 50%. Ông này qua được nhưng tổn thương mô não nặng do hạ đường huyết như thanh niên 25 tuổi nói trên.
Ngày nay phổ biến tình trạng uống rượu cấp tập, vừa vào cuộc đã liên tục mời nhau cụng ly, dzô, trong khi dạ dày hầu như không có gì. Khi uống, 100% rượu vào máu và uống lúc đói rượu "ngấm" nhanh nhất, khi nồng độ rượu máu cao tạo cảm giác no giả, nên nhiều người không hoặc ăn rất ít. Rượu trong cơ thể "đốt cháy" hoàn toàn và giải phóng hết năng lượng, không chuyển thành chất dự trữ như tinh bột, đạm, mỡ, vì thế hạ đường máu trầm trọng tất xảy ra nếu uống nhiều mà ăn ít hoặc uống nhiều cuộc liên tiếp mà hậu quả là tổn thương mô não. Hạ đường huyết nặng có thể biểu hiện vật vã hoặc tăng trương lực cơ toàn thân (như duỗi cứng ở thanh niên 29 tuổi nói trên); hoặc xuất hiện những cơn co giật, liên tục hoặc ngắt quãng hoặc liệt nửa người (giả đột quỵ); lú lẫn hay kích động mạnh, rối loạn ý thức trầm trọng, nặng nhất là hôn mê sâu. Trong cơ thể chỉ có gan và cơ mới dự trữ Glucoza dưới dạng Glycogen, vì vậy não (và mọi mô khác, trừ gan, cơ) cần được liên tục cung cấp Glucoza từ máu. Đường huyết bình thường (lúc đói) là 4,0 - 7,2milimol/lít (70 - 130miligam/dexilit), khi Glucoza dưới 3,0milimol/lít (54miligam/dexilit) thì các hoạt động tâm thần của não sẽ suy giảm, gồm trí nhớ, sự chú ý, nội dung tư duy (dòng suy nghĩ), tâm thần - vận động và khả năng định hướng. Hạ đường huyết nặng và kéo dài (vài ngày) nhưng không hôn mê sẽ làm chết lẻ tẻ tế bào thần kinh ở vỏ não do tăng stress oxy hóa. Nếu hôn mê sẽ có thêm chết tế bào thần kinh vùng hải mã (một cấu trúc giải phẫu não), do các yếu tố stress oxy hóa, nhiễm độc, giải phóng kẽm, rối loạn chức năng ty thể (bào quan tổng hợp năng lượng của tế bào)…
Hy hữu, bé Sapphire còn bú ở Australia tử vong do ngộ độc rượu! Janice Tua, mẹ hai bé gái sinh đôi Williams Honey và Williams Sapphire thức dậy cho hai con uống sữa. Trong khi chờ sữa pha nguội, cô tranh thủ cho Shapphire bú sữa của mình. Sapphire bú xong được mẹ đặt xuống giường, lúc này Honey vẫn còn ngủ. Lúc sau, Janice thấy mũi Sapphire chảy máu và bé không thở. Bố Sapphire ngay lập tức hô hấp nhân tạo, nhưng bé vẫn bất động. Nhân viên điều tra xác định nồng độ rượu trong máu Sapphire là 308mg/100ml, gấp gần 6 lần nồng độ cho phép khi lái xe ở Australia. Janice nhớ lại cô đã uống 18 lon rượu (những năm gần đây rượu đóng lon đang là xu hướng kinh doanh mới ở các nước Mỹ, Âu) và nước ngọt liên tục trong 2 ngày trước đó. Thời gian chuyển hóa hết rượu phụ thuộc lượng đã uống và tình trạng cơ thể, tuy nhiên với nồng độ cao phải cần đến 20 giờ mới đào thải hết (tính từ lúc ngừng uống). Uống càng nhiều hoặc liên tiếp nhiều cuộc, rượu trong máu càng tồn tại lâu!
Rượu, bia là hai trong số các "phát minh vĩ đại" của loài người, nhưng thành tích hại người của nó cũng vĩ đại!
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ngo-doc-ruou-thuc-pham-179230117165758357.htm