Nghịch lý Thanh Hóa thiếu giáo viên nhất cả nước, giáo sinh không xin được việc làm
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nêu lý do 74 xã miền núi của tỉnh ra khỏi diện nghèo, khó khăn khiến giáo viên và học sinh không được hỗ trợ thêm phụ cấp, nhà ở, gạo, trợ cấp, chế độ thu hút nên thiếu giáo viên đi dạy. Ngoài ra, còn lý do nào nữa?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa ngày 12/7 vừa mới đây trả lời chất vấn trong kì họp Hội đồng nhân dân tỉnh này về thực trạng thiếu giáo viên; chất lượng dạy và học ngoại ngữ; hỗ trợ cho giáo viên và học sinh khu vực miền núi đối với các xã đã ra khỏi khu vực kinh tế đặc biệt khó khăn.
Thanh Hóa đang thiếu số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên cho toàn ngành giáo dục so với quy định là hơn 14.000 người. Trong đó, thiếu 10.256 giáo viên so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo viên thiếu tập trung chủ yếu ở các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng nêu lý do 74 xã miền núi của tỉnh ra khỏi diện nghèo, khó khăn khiến giáo viên và học sinh không được hỗ trợ thêm phụ cấp, nhà ở, gạo, trợ cấp, chế độ thu hút nên thiếu giáo viên đi dạy.
Quả thật, thông thường công chúng sẽ nghĩ ngay đến những lý do thiếu giáo viên như: lương thấp, vì chế độ đãi ngộ ngành giáo dục không cao nên con em của tỉnh Thanh Hóa không mặn mà với ngành sư phạm dẫn đến việc thiếu giáo viên nhiều như thế.
Tuy nhiên, vẫn còn những lý do khiến Thanh Hóa gặp khó khăn trong giáo dục nhiều năm nữa.
Câu chuyện xin việc làm giáo viên của người trong cuộc
Là người dân Thanh Hoá, cũng là một người công tác trong ngành giáo dục gần 30 năm, khi nghe những thông tin quê nhà không chỉ thiếu giáo viên mà thiếu đến mức trầm trọng nhất cả nước, tôi hiểu rõ những uẩn khúc nằm phía sau đó.
Là một người dân Thanh Hoá, dù rất yêu mảnh đất quê hương, muốn cống hiến tâm huyết sức mình cho sự nghiệp giáo dục, được dạy dỗ trẻ nhỏ trên chính quê hương mình, nhưng tôi cũng buộc phải rời đi vào một tỉnh phía Nam để dạy học.
Bởi vì, Thanh Hóa dù thiếu giáo viên nhưng không dễ gì xin được một chân đi dạy dù chỉ là dạy hợp đồng.
Không thân thích với các vị chức sắc, lại không có tiền xin việc thì dù chỉ là xin một chân hợp đồng dạy theo tiết với mức thù lao bèo bọt cũng vô cùng khó. Không riêng tôi, nhiều bạn cùng thời với tôi, sau bao năm chạy vạy xin việc trong vô vọng cũng buộc rời quê đến một miền đất khác để dạy học.
Cách đây vài năm, một người bạn của tôi có nguyện vọng muốn trở về quê nhà giảng dạy để phụng dưỡng cha già. Bạn tôi nhờ người đánh tiếng xem chi phí ra sao để biết đường lo liệu.
Một người bạn thân khác của tôi hiện đang làm phó phòng một phòng giáo dục tại Thanh Hóa nói rằng, bạn ấy sẽ sẵn sàng giúp không công một cách rất nhiệt tình nhưng còn một số "cửa ải" khác thì bạn không chắc.
Thế rồi, người bạn tôi đã nỗ lực nhờ một người có mối quan hệ rộng tại địa phương chạy vạy giúp. Kết quả là khi nghe "con số" bên ấy đưa ra thì bạn tôi đã từ bỏ vĩnh viễn ý định về lại quê nhà giảng dạy.
Hằng năm, tôi vẫn thường nhận được lời đề nghị của một số người nhà, người thân ngoài quê nhờ xin việc cho con cháu họ vào trong này để đi dạy vì bao năm tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng ra trường ở lại quê nhà vẫn không thể xin đi dạy được.
Người nhà tôi nói rằng, đi dạy lương ban đầu chỉ gần 4 triệu đồng nhưng tiền xin việc bị tụi "cò" hét giá lên đến vài trăm triệu đồng thì thà ở nhà làm nông còn sướng hơn.
Cái "bảng giá" xin việc không bao giờ công khai nhưng gần như ai cũng biết, đặc biệt ai có nhu cầu xin việc.
Người đi trước sẽ rỉ tai người đi sau cái "bảng giá ngầm ấy" như vào dạy hợp đồng, được biên chế hoặc chuyển từ vùng khó về vùng thuận lợi chừng này, chuyển từ trường này sang trường kia chừng kia…
Chuyện về chi phí ngầm phải mất khi xin việc làm không ai muốn phanh phui vì bản chất người đi xin việc cần việc làm. Cũng là trường hợp của tỉnh Thanh Hóa, người đứng đầu ngành giáo dục - Bà Phạm Thị Hằng, cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá, và thuộc cấp đã bị cáo buộc 'thổi giá' đồ dùng dạy học lớp 1 theo chương trình mới, gây thiệt hại gần 21 tỉ đồng.
Những tiêu cực trong chính ngành giáo dục đã khiến nhiều thế hệ giáo sinh có năng lực nhưng thiếu tiền không có việc làm, phải tha hương; nhiều người chùn bước, mất hết nhiệt huyết và hy vọng một suất cống hiến vào sự nghiệp giáo dục ở quê nhà.
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay ở Thanh Hoá dễ không?
Phải khẳng định ngay rằng, nhân lực ngành sư phạm của tỉnh Thanh Hóa hiện không thiếu. Chỉ là khó xin việc quá nên nhiều người không dám vào sư phạm học để rồi ra trường quá khó khăn khi xin việc. Vì thế, chỉ cần có chế độ chiêu hiền đãi sĩ sẽ không khó gì để tuyển giáo viên.
Thứ nhất, rộng cửa tiếp nhận công khai giáo viên đang dạy ở địa phương khác có nguyện vọng muốn về quê nhà giảng dạy.
Thứ hai, ai có đủ bằng cấp sư phạm hoặc đại học chuyên ngành có chứng chỉ sư phạm xin đi dạy sẽ được sắp xếp việc làm hợp lý.
Khi 2 biện pháp này được thực hiện một cách thuận lợi sẽ trở thành động lực để nhiều học sinh hiện nay chọn nghề sư phạm với mong muốn ở lại phục vụ quê hương.
Khi xin việc dễ dàng thì chỉ khoảng vài năm chắc chắn tỉnh Thanh Hóa sẽ không còn trong tình cảnh thiếu giáo viên trầm trọng như hiện nay nữa, cũng không còn phải trông chờ vào cái tiếng "tỉnh nghèo, huyện nghèo" để chờ trợ cấp của Nhà nước. Đôi khi chính những chế độ "trợ cấp thu hút" của Nhà nước lại trở thành miếng mồi mang ra "nhử" khiến tình trạng buôn bán việc làm qua "cò" xin việc ngày một trầm trọng hơn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nghich-ly-thanh-hoa-thieu-giao-vien-nhat-ca-nuoc-giao-sinh-khong-xin-duoc-viec-lam-179230715104351273.htm