Nghi thức cúng Rằm tháng 7

PV
10:10 - 04/08/2022

Rằm tháng 7 là một trong những ngày lễ đặc biệt quan trọng đối với người Việt. Theo đạo Phật, Rằm tháng 7 còn là lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, đồng thời cũng là ngày xá tội vong nhân (hay còn gọi là lễ cúng cô hồn).

Cúng rằm tháng 7 như thế nào?

Thông thường, rằm sẽ là ngày 15 âm lịch hằng tháng và lễ cúng rằm cũng sẽ diễn ra đúng vào ngày này. Tuy nhiên, trên thực tế, lễ cúng rằm tháng 7 sẽ không nhất thiết làm đúng ngày 15 tháng 7 âm lịch mà sẽ thường diễn ra từ ngày mùng 2 - 14/7 âm lịch và không cần xem ngày xấu hay tốt.

Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, thực tế việc cúng trước này là xuất phát từ các truyền thuyết dân gian. Người xưa vẫn thường quan niệm, từ ngày mùng 2 - 14 tháng 7 âm lịch sẽ là thời điểm mà Diêm Vương cho mở Quỷ Môn Quan để các vong hồn được về dương giới và thọ hưởng những lễ vật mà người dân cúng tế. Còn ngày 15/7 sẽ là ngày giới hạn của kỳ "mở cửa" đó nên người âm sẽ rất khó để "trở về" hay không thể nhận được đồ thờ cúng. Do đó, người dân thường có thói quen cúng Rằm tháng 7 trước và thói quen này được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Giờ cúng Rằm tháng 7

Theo các chuyên gia văn hóa và phong thủy thì gia đình Việt nên tổ chức lễ cúng gia tiên, lễ cầu siêu Vu Lan vào ban ngày. Từ khoảng 11- 12 giờ là hợp lý nhất. Đây là giờ hoàng đạo và là giờ ma quỷ ít hoạt động hơn. Khi đó vong linh là người nhà sẽ được Thổ thần cho phép vào để thụ lộc mà không có sự quấy phá của các cô hồn dã quỷ được thả về trong ngày Rằm tháng 7.

Nghi thức cúng Rằm tháng 7 - Ảnh 1.

Rằm tháng 7 là một trong những ngày lễ đặc biệt quan trọng đối với người Việt. Ảnh: Thời đại

Đối với lễ cúng cô hồn, chúng sinh thì nên cúng vào chiều tối, diễn ra vào giờ Dậu (17 giờ - 19 giờ) là tốt nhất. Đây là thời gian nhập nhoạng, tranh sáng tranh tối nên các cô hồn có thể ăn uống được.

Ban ngày có ánh sáng mặt trời, các linh hồn trở về từ âm phủ rất yếu ớt. Nếu cúng ban ngày, các cô hồn sợ ánh sáng sẽ không thể nhận các vật phẩm mà gia chủ bày cúng. Tuy nhiên dù chọn giờ nào thì việc cúng cô hồn đều phải diễn ra trước khi cửa địa ngục đóng lại vào 12 giờ trưa ngày 15/7 âm lịch.

Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng 7

Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 thường bao gồm 3 lễ sau: cúng Phật, cúng trong nhà và cúng ngoài trời.

Cúng bàn Phật

Bàn Phật là bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, thường thờ ở mỗi nhà. Rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn đối với những người theo đạo Phật, cũng là ngày lễ Vu Lan.

Đối với cúng bàn Phật, cần chuẩn bị một mâm cơm chay hoặc một mâm ngũ quả đơn giản để cúng Phật và thường nên cúng vào ban ngày. Trên mâm cúng cần có hoa tươi, không dùng hoa dại, hoa giả để cúng Rằm tháng 7.

Cúng trong nhà

Cúng trong nhà hay còn gọi là cúng thần linh và gia tiên thường đặt ở dưới lễ cúng Phật. Nên chuẩn bị mâm cúng tươm tất, các món ăn tươi sạch, thể hiện cho lòng thành kính, biết ơn tổ tiên gồm: trái cây, hoa cúng, nước, rượu, nhang, nến...

Cúng ngoài trời

Cúng ngoài trời hay còn gọi là cúng chúng sinh hoặc cúng cô hồn với mục đích bố thí cho những cô hồn thất thế, sa cơ lỡ vận, không nhà cửa hay nơi nương tựa.

Mâm cúng chúng sinh thường bao gồm các lễ vật như sau:

- Muối gạo (1 dĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong).

- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ).

- Hoa quả.

- Các loại bỏng ngô, bánh, kẹo.

- Tiền trần (là tiền thật, thường là tiền lẻ).

- 3 chung nước (hay 3 ly nhỏ ), nhang và nến.

Lưu ý khi cúng rằm tháng 7: Đặt lễ cúng trước cửa nhà (hay nơi đang buôn bán).

Sau khi cúng xong, các vật phẩm cúng cô hồn không đem vào nhà. Đồ mã đốt ngay tại chỗ, còn đĩa muối, gạo rải ra 8 hướng.

Theo các chuyên gia, với mâm cúng Phật cũng như mâm cúng ông bà, tổ tiên hay cúng cô hồn tháng 7 âm lịch nên làm cỗ chay.

Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Lễ Vu Lan báo hiếu là là một trong những ngày lễ lớn của người theo đạo Phật, là ngày tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu cha mẹ và tổ tiên. Qua hàng ngàn năm với ý nghĩa đầy nhân văn, lễ Vu Lan đã lan rộng ra, không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam.

Nghi thức cúng Rằm tháng 7 - Ảnh 2.

Lễ Vu Lan được tổ chức nhằm báo hiếu công lao dưỡng dục của đấng sinh thành. Ảnh: VOV

Theo truyền thống, lễ Vu Lan diễn ra vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Ngày lễ Vu Lan 2022 rơi vào thứ Sáu, ngày 12/8 dương lịch.

Nguồn gốc ra đời

Xuất phát từ truyền thuyết về Tôn giả Mục Kiền Liên, đệ tử xuất chúng của Đức Phật đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngục quỷ. Chuyện kể rằng:

Khi Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca) tu luyện thành công, ngài nhớ tới người mẹ Thanh Đề đã khuất của mình nên dùng mắt phép để tìm kiếm khắp đất trời xem bà đã đi đâu, về đâu.

Không ngờ, kết quả đau lòng, ngài thấy mẹ mình đang bị đài thành Ngạ Quỷ (quỷ đói), đi lang thang khắp nơi, đói khát cực khổ vì những việc ác mà bà đã thực hiện. Quá đau lòng khi thấy cảnh đó, Đại Đức Mục Kiền Liên liền dùng phép thần thông để biến cơm dâng tận địa ngục cho mẹ, tiếc rằng tất cả những thức ăn đều hoá lửa.

Không cầm lòng được trước cảnh người mẹ mình lang thang cơ cực dưới địa ngục, ngài liền cầu cứu lên Phật Tổ, Phật liền dạy rằng dù thần thông quảng đại tới đâu thì ông cũng chẳng đủ sức để cứu mẹ đâu.

Cách duy nhất chính là nhờ sức mạnh hợp lực của chư tăng khắp 10 phương. Và ngày rằm tháng 7 (15/7) chính là ngày thích hợp để thỉnh chư tăng, sắm sửa làm lễ cúng dường Tam Bảo để cứu lấy phước cho mẹ.

Phật cũng nói thêm là "Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cũng dùng cách này". Từ đó, ngày lễ Vu Lan báo hiếu ra đời.

Ý nghĩa

Ngày lễ Vu Lan hàng năm được tổ chức long trọng nhằm nhắc nhở các thế hệ con cháu luôn nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ cũng như tổ tiên và các bậc anh hùng dân tộc đã có công với đất nước. Không riêng gì đối với mỗi người Phật tử, lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu lan tỏa khắp cả đất nước Việt Nam.

Báo hiếu ở đây là đối với cha mẹ, người đã sinh và nuôi dưỡng chúng ta không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác. Tín ngưỡng Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng báo luân hồi. Điều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng vòng báo hiếu ra tất cả các chúng sinh. "Phổ độ chúng sanh", "cứu nhân độ thế", "xá tội vong nhân".

Hình ảnh gây nhiều xúc động trong mùa Vu Lan đó chính là bông hoa hồng cài trên áo. Dù già hay trẻ, trai hay gái dự lễ Vu Lan đều thành kính và ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo. Màu đỏ là biểu tượng của việc còn mẹ, màu hoa trắng để tưởng nhớ về người mẹ đã khuất núi. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến cha mẹ.


Nguồn: tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nghi-thuc-cung-ram-thang-7-1792208040956333.htm