Nghi phạm bắt cóc, sát hại bé gái gần 2 tuổi ở Hà Nội có thể đối mặt với án tử hình?
Liên quan đến vụ việc cháu bé 21 tháng tuổi tử vong tại tỉnh Hưng Yên sau khi bị bắt cóc ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), kẻ gây án có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội danh đặc biệt nghiêm trọng là "Giết người" và "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản".
Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận bởi nạn nhân là một bé gái chưa đầy 2 tuổi bị bắt cóc và đã tử vong rất thương tâm. Nhiều người không giấu nổi sự xót xa đã lên tiếng cho rằng, hành vi của hung thủ là dã man, mất hết tính người, cần phải trừng trị thật nghiêm khắc, thậm chí phải loại trừ ra khỏi đời sống xã hội.
Vậy theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, với hành vi bắt cóc, sát hại trẻ em, hung thủ có thể đối diện với mức án nào?
Nghi phạm bắt cóc, sát hại bé gái có thể đối mặt với nhiều tội danh đặc biệt nghiêm trọng
Theo thông tin ban đầu từ cơ quan công an, nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang đã có hành vi bắt cóc cháu bé và yêu cầu gia đình nạn nhân phải đưa số tiền 1,5 tỷ đồng mới thả con. Mặc dù đã chiếm đoạt số tiền 350 triệu đồng, nhưng sau đó nghi phạm vẫn nhẫn tâm ra tay sát hại cháu bé dưới ao thả cá thuộc trang trại của một gia đình ở cánh đồng thôn Nhạn Tháp (xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Với thông tin như vậy có thể thấy đã có hai hành vi phạm tội xảy ra: Thứ nhất là bắt cóc và thứ hai là tước đoạt tính mạng của cháu bé. Do đó cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng hành vi vi phạm pháp luật của hung thủ và trong vụ án này có thể nghi phạm sẽ bị xử lý hình sự về hai tội danh đặc biệt nghiêm trọng là tội "Giết người" và tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản".
Để khởi tố vụ án hình sự về tội "Giết người" và tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản", cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong, từ đó điều tra làm rõ các tình tiết của vụ án, xử lý với kẻ gây án theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nghi phạm đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội thì Tòa án có thể xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, kể từ khi bị phát hiện phạm tội là ngày 20/9 cho đến nay là đã hơn 1 ngày, nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang vẫn tiếp tục lẩn trốn, đồng thời Công an tỉnh Hưng Yên đã phải phối hợp với Công an thành phố Hà Nội truy bắt đối tượng. Với hành vi tiếp tục trốn tránh và không ra đầu thú, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy bắt như vậy thì nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang chắc chắn sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Nếu kết quả xác minh cho thấy có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự về tội "Giết người" hoặc tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" mà đối tượng này vẫn cố tình lẩn trốn thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can và truy nã bị can theo quy định pháp luật.
Để xác định nguyên nhân cháu bé bị bắt cóc tử vong, tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật, cơ quan chức năng sẽ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nạn nhân.
Trường hợp giết người với lỗi cố ý
Trong trường hợp cho thấy nạn nhân tử vong do bị tác động ngoại lực, có hành vi giết người với lỗi cố ý (biết rõ hành vi của mình có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi xâm phạm đến thân thể của cháu bé, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả cháu bé tử vong), cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo điểm đ, điểm i, Điều 52 quy định về "Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự" và điểm b, điểm q, Điều 123 quy định về tội "Giết người" tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), kẻ gây án trong vụ án trên có thể phải chịu mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Bởi với hành vi giết người mà nạn nhân là trẻ em, động cơ giết người là để chiếm đoạt tài sản thì hung thủ sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội đối với người dưới 16 tuổi và phạm tội vì động cơ đê hèn.
Trường hợp vô ý gây chết người trong quá trình bắt cóc
Trong trường xác định kẻ gây án vô ý làm chết cháu bé trong quá trình bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, nghi phạm vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, trường hợp kết quả xác minh đã có hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng không chứng minh được đối tượng cố ý sát hại cháu bé, hậu quả cháu bé tử vong do đối tượng đã có hành vi vô ý làm chết nạn nhân thì sẽ không khởi tố về tội "Giết người" mà chỉ khởi tố về tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản".
Khung hình phạt là 20 năm tù hoặc tù chung thân do phạm tội thuộc trường hợp làm chết người và nhằm chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên - đây là những tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 4, Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trong vụ án này, nghi phạm bắt giữ cháu bé để yêu cầu gia đình nạn nhân phải đưa số tiền 1,5 tỷ đồng thì đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự đối với việc đưa ra yêu cầu này, không phụ thuộc vào số tiền mà nghi phạm đã thực tế chiếm đoạt là bao nhiêu.
Với những phân tích trên cùng kết quả điều tra ban đầu, nếu hung thủ bắt cóc cháu bé trong vụ án trên bị truy tố về tội "Giết người" và "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" thì rất có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.
Nếu chỉ bị truy tố về tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" thì kẻ gây án sẽ phải chịu khung hình phạt cao nhất của tội danh này, với hình phạt có thể là tù chung thân.
Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Giết người" như sau:
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
Khoản 4, Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" như sau:
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nghi-pham-bat-coc-sat-hai-be-gai-gan-2-tuoi-o-ha-noi-co-the-doi-mat-voi-an-tu-hinh-179230921123718045.htm