Nghĩ gì trước hàng chục ngàn thí sinh ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không vào được lớp 10 công lập?

12:07 - 07/07/2023

Kì thi tuyển sinh năm 2023 có khoảng 50.000 thí sinh ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không được tuyển vàp lớp 10 trường công lập. Trên một số diễn đàn giáo dục, các chuyên gia, nhà giáo đã bày tỏ những quan điểm trái chiều trước sự việc này.

Không vào được lớp 10 là không thoát nạn mù chữ theo tiêu chuẩn của thời hiện đại?

Trên trang cá nhân của mình, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu (cựu cán bộ Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Trường Đại học Công nghệ Đông Á) cho rằng, năm học 2023-2024 ở Hà Nội có hơn 33.000 học sinh trượt vào lớp 10 công lập. Các em phải tìm nơi học ở các trường công tự chủ tài chính và các trường tư - phải đóng học phí cao hơn. Nghĩa là chừng này học sinh này có nguy cơ không được học hết trung học phổ thông, không thoát nạn mù chữ theo tiêu chuẩn của thời hiện đại.

"Tại sao vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 rồi mà ước muốn đơn giản của các bậc phụ huynh cho con mình được vào lớp 10, được học hết trung học phổ thông vẫn không thể thực hiện được? Đối với Hà Nội, khó khăn gì mà không xây đủ trường trung học phổ thông để đón trọn vẹn 105.000 học sinh kết thúc bậc trung học cơ sở? 

Đó có phải là bài toán không có lời giải? - Không, đó là bài toán giải được.

Nghĩ gì trước hàng chục ngàn thí sinh ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không vào được lớp 10 công lập? - Ảnh 2.

Phụ huynh học sinh xếp hàng xuyên đêm giành suất cho con vào lớp 10 công lập tại Hà Nội. Ảnh: Page: Cuộc đua lớp 10

Nói về đất đai, Hà Nội có đủ đất để xây dựng thêm trường học đáp ứng được nhu cầu dân số gia tăng. Đối với nội thành, để giải quyết bài toán giáo dục, y tế, giao thông, phải chấm dứt việc di chuyển dân số cơ học vào nội thành.

Những khu đất mới giải phóng nhờ di chuyển cơ quan ra khỏi trung tâm, hãy dành để xây dựng trường học, bệnh viện, chứ không dành để xây chung cư. Đối với các khu đô thị mới quy hoạch, cần dành đủ đất cho trường học, bệnh viện với độ an toàn tối thiểu 120%. Với các huyện ngoại thành, vấn đề đất cho trường học là bài toán đơn giản.

Về tài chính, cũng không phải là vấn đề khó đối với Hà Nội. Thử làm một phép tính ước lượng thô. Để phục vụ cho 33.000 học sinh lớp 10, cần xây trường đủ chỗ 100.000 học sinh bao gồm 3 khối 10, 11, 12. Nếu mỗi trường có 2.000 học sinh thì phải xây mới thêm 50 trường trung học phổ thông.

Theo quy định, mỗi học sinh cần 1,5m2, thì mỗi trường phải có tối thiểu 3.000m2 xây dựng dành cho phòng học. Tính dự phòng 50% nữa cho các phòng ban, khu vực phụ trợ thì mỗi trường cần 4.500 m2 xây dựng. Giá xây dựng 10 triệu đồng/m2 (cho nhà 3 tầng) thì mỗi trường cần 45 tỉ đồng. Dự báo một cách rộng rãi cho cả trang thiết bị, 100 tỉ đồng là đủ để xây dựng một trường học cho 2.000 học sinh.

Như vậy, không tính tiền đất, để xây dựng thêm 50 trường mới cho 100.000 học sinh, cần nguồn kinh phí không quá 5.000 tỷ đồng. Nhìn Hà Nội chi kinh phí chống dịch COVID-19, cũng như điểm qua các con số thất thoát trong các dự án, thì tìm 5.000 tỷ đồng cho 50 trường học không phải là quá khó", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nêu ý kiến.

Xây dựng một nền giáo dục cạnh tranh khoa học và lành mạnh như thế nào?

Liên quan đến việc hàng chục học sinh ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh trượt vào lớp 10 công lập, Tiến sĩ Hồ H., giảng viên một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi công chúng hãy "cùng suy ngẫm".

Theo tính toán của Tiến sĩ Hồ H., hiện nay thành tích trường công phần lớn đến từ các "lò" học thêm. Phụ huynh phải bỏ ra rất nhiều tiền để con mình đi học thêm và mang thành tích về cho nhà trường. Số tiền đó gần bằng tiền một học sinh trường tư đóng học phí. Cả nền kinh tế vận hành theo cơ chế cung - cầu do thị trường tự điều tiết, chỉ giáo dục đứng riêng một cõi.

"Có người nói giáo dục phải bao cấp, các nước khác cũng vậy. Nhưng sự quản lí của các quốc gia khác có áp lực cạnh tranh đến từ thượng tầng. Trường công ở Việt Nam đầu tư ngân sách bao nhiêu trên một học sinh? Có thể nói là rất lớn. Nhưng nhiều vấn đề như công tác tuyển dụng, chất lượng giáo viên, điều hành, sử dụng đầu tư công… vạn thứ đều phải nhìn nhận lại.

Để tạo điều kiện cho học sinh có thêm sự lựa chọn, Nhà nước cho phép mở trường tư. Giai đoạn đầu khá tốt, về sau nó dần trở thành miếng bánh cho các cổ phần của những người có khả năng chi phối chính sách. Kết quả là, số lượng học sinh tăng nhưng chỉ tiêu công không tăng hoặc bị bóp lại (do nhiều nguyên nhân) mới dẫn đến tình trạng rất nhiều học sinh không vào được lớp 10 ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh như kì thi vừa rồi.

Nhiều người hô hào xây thêm trường công. Vậy hoá ra trường tư tệ lắm hay sao? Phụ huynh cho con vào trường công là để tránh học phí quá cao so với thu nhập hiện tại của họ và "cái trớn" chất lượng đầu vào. Nếu mỗi học sinh đều được hưởng quyền lợi bình đẳng như nhau thì tình hình tuyển sinh có khi ngược lại", Tiến sĩ Hồ H. nói về sự ưu việt của trường tư thục và cho biết thêm  trường tư bây giờ toàn hợp đồng giáo viên giỏi, lao động cực kì nghiêm ngặt.

Và Tiến sĩ Hồ H. đặt vấn đề, tại sao học sinh trường công được bao cấp mà trường tư thì không trong khi cha mẹ học sinh vẫn đóng thuế như nhau? Nếu mỗi học sinh có một thẻ tài khoản học đường do Nhà nước cấp, học trường nào cũng được bảo trợ thì tình hình sẽ khác ngay.

"Trường công được bao cấp rất lớn trong khi cũng tạo ra sản phẩm cho xã hội như thế thì trường tư lại phải bỏ ra toàn bộ chi phí và người học phải gánh tất. Đó là một bất công lớn. Nếu bình đẳng về đầu tư có khi nhiều trường công phải đóng cửa. 

Đất nước còn nghèo mà chỉ chú trọng đầu tư công khi tư nhân làm tốt hơn là một điều nên cân bằng lại. Phải xây dựng một nền giáo dục cạnh tranh khoa học và lành mạnh mới vực được nền giáo dục đang không theo kịp đà phát triển của xã hội hiện nay", Tiến sĩ Hồ H. hiến kế.

Nhìn cha mẹ học sinh tuyệt vọng để xếp hãng xuyên đêm giành suất học trường công cho con, đau lòng lắm thay!

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nghi-gi-truoc-hang-chuc-ngan-thi-sinh-o-ha-noi-thanh-pho-ho-chi-minh-khong-vao-duoc-lop-10-cong-lap-179230707105856748.htm