Nghề vẽ chân dung trên phố đi bộ Hà Nội

06:00 - 04/11/2022

Phố đi bộ là nơi lý tưởng cho các hoạt động nghệ thuật đường phố như ca nhạc, khiêu vũ, ảo thuật… Tuy đã khá quen thuộc nhưng vẽ chân dung là một loại hình có đặc thù riêng và luôn thu hút đông đảo người quan tâm.

Ở một không gian rộng lớn, các họa sĩ làm việc trực tiếp với khách, ngoài việc thành thạo về nghề, họ cần phải biết cách giao lưu với người xem...

Vẽ như họa sĩ thì... không có khách

Anh Q là một họa sĩ chuyên nghiệp đã nhiều năm vẽ tại phố đi bộ. Những người như anh thường bị "áp lực" vì phải vẽ với tâm thế một người có nghề. Kiến thức hay kỹ năng được rèn luyện nhiều năm trong trường tạo nên nền tảng căn bản. Mặt trái là nó tạo ra "sức ỳ" trong sáng tác, nếu họa sĩ không bứt phá để tìm ra cái mới thì sẽ rất khó định hình được phong cách của riêng mình.

Những góc nhìn về "nghề" vẽ chân dung trên phố đi bộ Hà Nội  - Ảnh 1.

Góc phố đi bộ có hoạt động "vẽ chân dung" luôn thu hút khá đông khách. Ảnh: V.H

Vẽ theo trường lớp bài bản với cách "bổ khối", lên "đậm nhạt", "mảng miếng" thường mất nhiều thời gian mà khách lại không ưng. Trong thực tế họa sĩ cần phải giản lược bớt vì ngoài hạn chế về thời gian nếu bóc tách quá chi tiết thường gây cảm giác mẫu vẽ "già" hơn thật.

Vẽ sáng tác theo lối nghệ thuật không phải khách nào cũng thích, khi họa sĩ đặt yếu tố cảm xúc cá nhân lên hàng đầu, đòi hỏi người xem phải có sự đồng cảm. Đây là lý do khiến cách vẽ này khá kén chọn khán giả.

Những góc nhìn về "nghề" vẽ chân dung trên phố đi bộ Hà Nội  - Ảnh 2.

Trong vòng 10 đến 15 phút, họa sĩ phải vẽ rất nhanh để hoàn thành bức vẽ chân dung. Ảnh: V.H

Thời điểm mới vẽ ở phố đi bộ, họa sĩ Q gặp không ít khó khăn, những bức vẽ đầu tiên anh thấy ưng ý thì khách hàng lại chưa hài lòng và thường bị yêu cầu sửa lại. Nhưng khó khăn nhất là vấn đề tâm lý khi đứng vẽ trước đám đông, đối diện với những lời khen chê, bình luận là thách thức không nhỏ.

Thế nào là một bức chân dung đẹp?

Một bức chân dung đẹp đòi hỏi nhiều yếu tố, không chỉ "giống" mà còn ở tổng thể hài hòa, đậm nhạt gợi được khối, tả được chất liệu… Cao hơn là thể hiện được cảm xúc của tác giả và thần thái của người mẫu.

Họa sĩ thường phác hình tổng thể rồi mới đi vào chi tiết nhưng trên thực tế do thời gian không nhiều nên họa sĩ hay vẽ ngay vào chi tiết. Để vẽ chân dung giống mẫu, họa sĩ cần óc quan sát tổng hợp và luôn so sánh bằng mắt.

Những góc nhìn về "nghề" vẽ chân dung trên phố đi bộ Hà Nội  - Ảnh 3.

Làm việc với những vị khách nhỏ tuổi là điều khá khó khăn khi khách thường thay đổi tư thế liên tục trong thời gian vẽ. Ảnh:V.H

Họa sĩ T. D chia sẻ: "Nếu có cảm hứng trước người mẫu thì nhìn thấy gì vẽ đó. Vẽ từ cúc áo trước vẽ mặt mũi sau cũng được. Nếu mẫu khó vẽ thì phác chì rồi vạch trục, đánh dấu vị trí mắt, mũi, miệng, cằm, gò má.... lên nét mờ, khi ra đặc điểm mới dùng bút đậm hơn nhấn thêm. Sau đó tiếp tục "đẩy sâu", ngoài những đặc điểm chung, họa sĩ quan sát kĩ thêm xem các chi tiết như chiều hướng của tóc, nếp nhăn, đi vào diễn các bóng mờ, diện nhỏ… dùng tẩy lấy thêm một vài độ sáng. Cách vẽ cơ bản vẫn giống trong trường, chỉ khác ở chỗ, trong trường dạy khái quát mà thực tế đến tay khách hàng phải là sản phẩm hoàn thiện".

Những góc nhìn về "nghề" vẽ chân dung trên phố đi bộ Hà Nội  - Ảnh 4.

Hai vị khách nước ngoài theo dõi quá trình vẽ chân dung "người bạn" đặc biệt của mình. Ảnh: V.H

Đa số khách không thể ngồi yên, họa sĩ phải vừa quan sát, vừa ghi nhớ chi tiết để thể hiện bức vẽ trong vòng từ 10 đến 15 phút.

Vẽ trực tiếp cũng tạo nhiều cảm hứng hơn cho họa sĩ so với vẽ lại hình qua ảnh. Nụ cười hài lòng, đôi lúc là sự trầm trồ thán phục của khách khi nhìn bức vẽ hoàn thiện chính là niềm hạnh phúc lớn nhất với họa sĩ.

Phải mất đến 3 năm vẽ thực tế, anh mới đúc rút dần dần để tìm ra cách vẽ phù hợp. Không phải cứ vẽ cho giống là được mà phải biết chắt lọc, tổng hợp các đặc điểm. Nhiều người cho rằng vẽ chân dung khó nhất là đôi mắt nhưng bức vẽ đẹp là đạt được sự hài hòa tổng thể, đôi mắt chỉ là một điểm nhấn, họa sĩ T.D cho biết.

Một số bức chân dung được vẽ trên phố đi bộ. Ảnh: V.H

Vẽ nhưng chưa chắc đã phải là họa sĩ

Chị Linh ở Trung Tự, Đống Đa chia sẻ, trong một lần đi chơi phố đi bộ chị cho con gái ghé vào vẽ chân dung. Dù mất thời gian và một khoản tiền nhưng đổi lại là cảm giác thất vọng vì bức vẽ không được như ý, chị mang về treo và coi đó là một món lưu niệm.

Thực tế, không phải tất cả những người vẽ ở phố đi bộ đều là họa sĩ, có một số người tự học, thậm chí khá đông là các "họa sĩ" tay ngang, công việc hàng ngày không liên quan gì đến nghệ thuật, chỉ cuối tuần lên phố đi bộ vẽ chân dung. Họ coi đây là một việc để kiếm sống.

Anh Q và T.D là hai trong số ít họa sĩ chuyên nghiệp, vừa được đào tạo bài bản vừa sống bằng nghề. Đặc biệt cả hai anh đều thường xuyên tham gia các cuộc triển lãm lớn nhỏ trong, ngoài nước và giành không ít giải thưởng. Với các anh "vẽ ở phố đi bộ cuốn hút đến mức không ra là thấy nhớ", công việc này có sự hấp dẫn riêng khi vừa được giao lưu trực tiếp với khán giả vừa trau dồi nghề nghiệp.

Những góc nhìn về "nghề" vẽ chân dung trên phố đi bộ Hà Nội  - Ảnh 6.

Khách phải tinh ý để tìm được họa sĩ vẽ chân dung chuyên nghiệp. Ảnh: V.H

Ở nhiều nước, công chúng cũng xem vẽ chân dung đường phố là "nghệ thuật nơi công cộng" để phân biệt với "nghệ thuật hàn lâm". Nghệ sĩ đường phố bao gồm nghệ sĩ vẽ chân dung, người vẽ biếm họa, người làm đồ thủ công… sản phẩm của họ được coi là gần với đồ lưu niệm hơn với nghệ thuật.

Đó là một phần lý do khiến cho các họa sĩ có nghề cũng dè dặt khi nói đến công việc này. Với họ sáng tác nghệ thuật mới là đích đến và họ không muốn bị đóng khung hình ảnh là một người vẽ chân dung đường phố.

Về phía khách du lịch, nếu lựa chọn vẽ chân dung ở phố đi bộ, thái độ đúng đắn là nên xem đây như một hình thức lưu niệm, nếu tinh ý thì họ vẫn tìm được họa sĩ chuyên nghiệp để có được những bức vẽ chân dung đẹp.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nghe-ve-chan-dung-tren-pho-di-bo-ha-noi-179221102234621757.htm