Ngày 21/10: Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước

18:03 - 20/10/2024

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải: dự kiến ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 8 (ngày 21/10), Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước.

Ngày 21/10: Quốc hội sẽ tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trả lời vấn đề mà báo chí quan tâm tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (chiều 20/10), trong đó có vấn đề liên quan đến công tác nhân sự trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, dự kiến ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 8 (ngày 21/10), Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, tại phiên họp trù bị của Quốc hội vào sáng 21/10, Quốc hội sẽ xem xét các nội dung dự kiến trình kỳ họp và xem xét thông qua chương trình kỳ họp. Trong đó có nội dung về công tác nhân sự, sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong chương trình chính thức kỳ họp.

Theo chương trình dự kiến của kỳ họp trình Quốc hội thông qua, vào ngày họp đầu tiên, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự với chức danh Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Ngày 21/10: Quốc hội sẽ tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước - Ảnh 2.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải thông tin về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, quy trình nhân sự thực hiện theo nguyên tắc "Đảng cử - dân bầu", tại Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua đã biểu quyết giới thiệu nhân sự đủ điều kiện và sẽ trình Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định. 

Trong chương trình đã có bố trí thời gian để thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Liên quan công tác nhân sự, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, sáng 21/10 trong phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ xem xét thông qua chương trình Kỳ họp thứ 8, trong đó có nội dung về công tác nhân sự.

Cũng tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, theo đó, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV được tổ chức ngay sau thành công rất tốt đẹp của Hội nghị lần thứ Mười, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với nhiều điểm mới. Cụ thể, theo Phó Chủ tịch Quốc hội: Thứ nhất, với tính chất quan trọng của kỳ họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ phát biểu tại phiên khai mạc.

Thứ hai, Kỳ họp này là kỳ họp có nhiều nội dung nhất, nhiều vấn đề lớn, nhiều dự án luật và dự án lớn với phương pháp tiếp cận làm việc mới và số lượng đề án nhiều nhất từ trước đến nay (Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, 3 nghị quyết; cho ý kiến 13 dự án Luật) nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Thứ ba, các tài liệu của kỳ họp lần này đã được gửi sớm hơn các kỳ họp trước. Cụ thể, trong số 31 nhiệm vụ lập pháp và 16 nhiệm vụ kinh tế - xã hội với tổng số là trên 80 đề án thì đến nay đã có 132/154 đầu tài liệu chính thức và 144 đầu tài liệu tham khảo đã được gửi đến đại biểu Quốc hội. “Như vậy là tỉ lệ gửi các tài liệu trước cho đại biểu rất là cao và có những tài liệu đã gửi trước một tháng”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thứ tư, Kỳ họp này Quốc hội họp cả thứ Bảy. Theo đó, trong 29,5 ngày của Kỳ họp thứ 8 có 5 ngày thứ Bảy thì dự kiến Quốc hội sẽ họp 4 ngày thứ Bảy, và 1 thứ Bảy Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp và cho ý kiến vào các nội dung lớn chưa thảo luận, trong đó có đường sắt tốc độ cao, điều chỉnh sân bay Long Thành, tháo gỡ khó khăn cho một số dự án qua thanh tra, kiểm tra đất đai tại các tỉnh...

“Ủy ban Thường vụ Quốc cũng sẽ họp để ra nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, phấn đấu hoàn thành trong quý 4 này để sang quý 1/2025 các địa phương tổ chức Đại hội đại biểu các cấp,” Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết.

Thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ và xin ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất giảm thời gian đọc tài liệu trên hội trường để dành thêm thời gian Quốc hội thảo luận. Đồng thời, Kỳ họp sẽ bố trí tăng thời gian thảo luận ở tổ và giảm thời gian thảo luận tại Hội trường về kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước. Đồng thời tăng truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân có điều kiện theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội.

Về vấn đề xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là vấn đề Đảng và Nhà nước đã quan tâm từ lâu và trong những năm qua công tác xây dựng pháp luật đã có một bước tiến rất dài, hệ thống pháp luật cơ bản, đồng bộ, hoàn thiện và đóng góp rất tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội. Bước sang một giai đoạn mới, với tư duy mới thì vấn đề tư duy xây dựng pháp luật cần phải có đổi mới có tính bứt phá.

Về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, hiện Chính phủ mới trình lên Quốc hội hôm qua. Xác định đây là nội dung quan trọng, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng, nghiêm túc.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ngay-21-10-quoc-hoi-se-tien-hanh-quy-trinh-nhan-su-doi-voi-chuc-danh-chu-tich-nuoc-179241020180343475.htm