Ngày 20/11: Nghĩ về nghề giáo và nhân cách người thầy
Nhân ngày 20/11, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có những chia sẻ về nghề giáo.
Dù nghề giáo vất vả và luôn phải đối diện với những áp lực yêu cầu công việc cao nhưng nó cũng mang lại những trải nghiệm hạnh phúc đặc biệt.
Tại sao nghề giáo vẫn là một nghề đáng mong đợi và có nhiều đặc ân?
Dạy học đang là một nghề ngày càng được xã hội và cộng đồng đòi hỏi, kỳ vọng và yêu cầu cao. Trong bối cảnh xã hội hiện tại, đây cũng là một nghề có rủi ro nghề nghiệp cao do luôn đòi hỏi phải có sự mô phạm nhưng vẫn phải đáp ứng những yêu cầu đổi mới. Trong khi sự đấu tranh giữa những cái cũ kỹ giáo điều và những triết lý giáo dục mới vẫn chưa kết thúc khiến cho những người giáo viên bị cạn kiệt về cảm xúc.
Năm 2022, những con số thống kê trong cho thấy, thực trạng khoảng 16.000 giáo viên xin nghỉ việc. Trong số đó có nhiều giáo viên giỏi. Họ cũng đã phải bỏ nghề hoặc xin chuyển sang khối trường tư thục do không thể ứng phó nổi với nhiều áp lực hữu hình hoặc vô hình trong cuộc sống và môi trường làm việc
Trong một thời đại mà người ta nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế, tôn vinh các công ty khởi nghiệp, khuyến khích tinh thần doanh nhân, đề cao các yếu tố công nghệ, giải trí thì nghề giáo và vị thế người giáo viên có thể không còn ở vị trí trung tâm, không còn được tôn trọng như trước đây.
Dẫu vậy, nghề giáo vẫn là một trong những ngành nghề tốt nhất, đáng ngưỡng mộ nhất. Trên thế giới có rất nhiều doanh nhân thành đạt hiện cũng đang dành thời gian và tâm sức để được thực hiện nhiệm vụ của một người thầy. Họ vẫn đang tìm các cơ hội để trở thành các diễn giả truyền cảm hứng trong các sự kiện. Họ hợp tác với các trường đại học để trở thành giảng viên thỉnh giảng hoặc hướng dẫn thực tập nghề nghiệp cho những người trẻ.
Dù nghề giáo vất vả và luôn phải đối diện với những áp lực yêu cầu công việc cao nhưng nó cũng mang lại những trải nghiệm hạnh phúc mà những ngành nghề khác không có được. Thậm chí, được đứng trên bục giảng đã là một đặc ân vì: Thứ nhất, đó là cơ hội để ảnh hưởng và thay đổi những cuộc đời.
Giáo viên có thể tạo ra một ấn tượng sâu sắc và kéo dài suốt cuộc đời trong tâm trí trẻ nhỏ. Tôi tin là nhiều người trong số chúng ta lúc này đều có thể nhớ tới một giáo viên yêu thích trong những năm tháng học tập của mình. Đó là người đã cho ta một lời khuyên hoặc nói một câu gì đó khiến cuộc đời ta thay đổi để ý thức tới sự ảnh hưởng của những người thầy đối với cuộc sống của mỗi chúng ta to lớn và quan trọng như thế nào.
Hãy tưởng tượng một người thầy giúp cho một học sinh từ học lực yếu và mất hứng thú học tập chuyển biến và đạt điểm 10 trong môn học của thầy nhiều năm trước. Và hiện tại người thầy đều nhìn thấy những thành công xuất sắc của học sinh đó.
Nó khiến cho những người thầy cảm thấy hạnh phúc và tự hào mỗi ngày vì những hạt mầm đã được thầy cô gieo xuống khi xưa, nay đã ảnh hưởng tốt đến cuộc sống của những học sinh cũ.
Thứ hai, đó là cơ hội để bạn có thể thỏa sức tự do sáng tạo. Dù giáo viên ngày càng phải đáp ứng nhiều yêu cầu và trách nhiệm trong giảng dạy nhưng nghề này cho phép mỗi thầy cô được thỏa sức sáng tạo trong mỗi bài học. Nghề giáo tạo cho chúng ta cơ hội để thử những ý tưởng mới mẻ, điều chỉnh ngay trong quá trình học dựa trên quan sát thực tế để làm cho tiết học thật vui, thật thú vị thu hút người học.
Bên cạnh đó, mỗi học sinh trong lớp đều khác nhau, các em có kinh nghiệm sống khác nhau nên sẽ cần phương pháp học tập và sự tiến bộ với tốc độ khác nhau. Điều này khiến cho giáo viên ở trong tâm thế luôn học hỏi, thúc đẩy giới hạn kinh nghiệm của mình rộng mở hơn. Tạo ra nhiều con đường học tập cho nhiều đối tượng người học luôn thú vị. Đó là cơ hội để bạn dẫn đầu trong thế kỷ 21.
Giáo viên dạy học bằng nhân cách của chính mình
Giáo viên dạy học bằng nhân cách của chính mình. Họ phải tự rèn luyện để trở thành những tấm gương sáng về những gì mà một người trưởng thành phải có để tác động đến học sinh và khuyến khích chúng hướng tới. Nói cách khác, nghề giáo giúp chúng ta phải tự đạt được những năng lực, phẩm chất cụ thể trước khi tổ chức dạy cho người học.
Muốn hình thành cho người học kỹ năng hợp tác thì bản thân mỗi người phải tự học và có kỹ năng hợp tác. Chúng ta muốn học sinh kiểm soát cảm xúc tốt thì trước hết giáo viên cũng phải tự rèn được kỹ năng quản lý cảm xúc. Chúng ta muốn hướng dẫn trẻ sống an toàn trên không gian mạng thì trước hết người giáo viên phải tự trang bị cho mình năng lực số và kỹ năng sống an toàn trên mạng internet.
Bằng cách đó, nghề giáo viên giúp cho chúng ta những kỹ năng chuyển đổi để có thể học tập suốt đời và luôn ở nhóm tiên phong trong việc tiếp cận với những tri thức mới nhất trong lĩnh vực chuyên môn. Và những thầy cô vẫn kiên cường gánh vác trách nhiệm trồng người.
Cuối cùng, tại sao chúng ta chỉ quan ngại với những con số giáo viên bỏ nghề mà không nghĩ đến những thầy cô vẫn đang kiên cường gánh vác trách nhiệm trồng người?
Với những người đã chọn nghề làm thầy, tôi cho rằng họ chọn nghề không phải giống như chọn bất cứ một công việc nào khác để làm và được trả công. Những người chọn nghề thầy giáo vốn mang sẵn trong mình những giá trị tích cực. Họ yêu trẻ, họ muốn tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của học sinh, họ thích sáng tạo để giúp cho học sinh hứng thú và thay đổi khác biệt mỗi ngày. Họ thích truyền cảm hứng và nhìn thấy những người khác trưởng thành.
Những công việc đó cũng là tiến trình giúp họ trưởng thành về nhân cách, trở thành những hình mẫu tiêu biểu không chỉ trong con mắt của những lứa học trò mà còn là biểu tượng của những giá trị tốt đẹp trong xã hội mà cộng đồng muốn hướng đến.
Vì vậy, nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi mong mỗi người chúng ta hãy lắng lại một phút, để cảm ơn những người thầy của mình. Sự phát triển của một quốc gia xuất phát từ nguồn nhân lực cao và trách nhiệm xây dựng con người phù hợp với thời đại mới là của những người thầy. Không còn điều gì quan trọng hơn thế.
Hạnh phúc của một người thầy là gì?
Với tư cách là một giảng viên, một nhà tâm lý học, tôi cho rằng quan niệm hạnh phúc gồm các yếu tố: sự gắn kết và những cảm xúc tích cực với công việc hàng ngày, những mối quan hệ tích cực, ý nghĩa của những điều mình làm được và những thành công nho nhỏ hàng ngày để mình tận hưởng.
Với tôi, hạnh phúc không đồng nghĩa với việc nhàn nhã, thảnh thơi. Vì hạnh phúc chỉ có thể được tìm ra đằng sau những giọt mồ hôi.
Có lẽ chính vì vậy mà trong nhiều năm, tôi đã tham gia các hoạt động tư vấn chính sách dưới sự chủ trì của Bộ Giáo dục và Đào tạo như tham gia tổ xây dựng thông tư về Quy tắc ứng xử trong nhà trường, tham gia phản biện và xây dựng các chính sách về phòng chống bạo lực học đường, tham vấn học đường...
Có người hỏi tôi “Làm thế nào để có thể cùng lúc làm được nhiều công việc hỗ trợ cho cộng đồng như vậy?". Tôi cho rằng: “Một giảng viên hạnh phúc phải có tinh thần ‘tự nhiệm’, tức là thấy mình có trách nhiệm với các vấn đề của xã hội. Dám dấn thân làm việc để tạo ra những giá trị phục vụ cộng đồng. Và chỉ cần một việc nhỏ thành công, ta sẽ thấy cuộc sống không chỉ tốt đẹp mà còn tuyệt vời. Đó chính là động lực, là sức mạnh để tôi tiếp tục những hoạt động chuyển tải tri thức và ảnh hưởng của Đại học Quốc gia Hà Nội đến với cộng đồng”.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ngay-20-11-nghi-ve-nghe-giao-va-nhan-cach-nguoi-thay-179221116105441388.htm