Ngày 14/7: Giá vàng, tiền ảo "lội ngược dòng" tăng mạnh, dầu thô vẫn rớt thảm

14:44 - 14/07/2022

Giá vàng thế giới sáng 14/7 bất ngờ tăng sau chuỗi ngày giảm mạnh. Trong khi đó giá dầu lại tiếp đà giảm, còn Bitcoin tăng trở lại về mốc 20.000 USD.

Giá vàng

Sau khi điều chỉnh tăng giá trong phiên giao dịch hôm qua, sáng 14/7, các cơ sở kinh doanh lại đồng loạt điều chỉnh giảm nhẹ giá vàng xuống 50.000 đồng/lượng. Mức điều chỉnh này đưa giá vàng tiệm cận ngưỡng 67 triệu đồng/lượng ỏ chiều mua vào và 68 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.


Giá mua vào (VNĐ/lượng)Giá bán ra (VNĐ/lượng)
DOJI Hà Nội

67.550.000

68.150.000 

DOJI Thành phố Hồ Chí Minh

67.600.000

68.150.000 

SJC Thành phố Hồ Chí Minh

67.600.000

68.200.000 

SJC Hà Nội

67.600.000

68.220.000

SJC Đà Nẵng

67.600.000

68.220.000

Phú Quý SJC

67.550.000

68.150.000

Vietinbank Gold

67.600.000

68.220.000

Còn trên thế giới, giá vàng thế giới tính đến 10 giờ sáng 14/7 (theo giờ Việt Nam) giao dịch ở ngưỡng 1.731,70 USD/ounce, tức là vàng đang đảo chiều tăng với giá vàng kỳ hạn tháng 8.

Ngày 14/7: Giá vàng, tiền ảo "lội ngược dòng" tăng mạnh, dầu thô vẫn rớt thảm - Ảnh 2.

Diễn biến giá vàng thế giới tính đến sáng 14/7 (theo giờ Việt Nam). Ảnh chụp màn hình: Kitco

Nguyên nhân của đà tăng này được lý giải do dữ liệu lạm phát trong tháng 6 được công bố nóng hơn dự báo. Cụ thể, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỉ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/1981.

Cũng theo báo cáo này, so với tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 1,3% trong tháng 6, do giá xăng dầu cao kỷ lục. 

Báo cáo trên càng củng cố kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào cuộc họp cuối tháng này. 

Theo các chuyên gia, dù vàng được coi là công cụ hữu hiệu để chống lạm phát, nhưng mức lãi suất cao hơn sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với giới đầu tư. Bên cạnh đó, việc đồng USD ở mức cao nhất trong 20 năm khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn. Vì vậy, đà tăng trên chỉ trong ngắn hạn. 

Trong tháng 6, vàng đã giảm 6% chủ yếu do sức mạnh của đồng USD. Chuyên gia Wells Fargo cho rằng đồng USD đã gần đạt đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, để vàng tăng cao hơn, nó phải tạo ra động lực cho riêng mình. Theo LaForge, vàng vẫn có thể kết thúc năm ở mức 2.050 USD/ounce nhờ lo ngại suy thoái kinh tế.

Ngày 14/7: Giá vàng, tiền ảo "lội ngược dòng" tăng mạnh, dầu thô vẫn rớt thảm - Ảnh 3.

Giá vàng thế giới bất ngờ tăng sau thời gian dài "tụt dốc". Ảnh: Kitco

Giá dầu

Tính đến sáng 14/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu tiếp tục đà giảm giá. Giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 95,72 USD/thùng, giảm 0,6%, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 99,07 USD/thùng, giảm 0,5%.

Những lo ngại về khả năng nâng lãi suất của FED trong thời gian tới để kiềm chế lạm phát sẽ kìm hãm các hoạt động kinh tế và làm giảm nhu cầu, khiến dầu đang bị bán ra. Ngoài ra, giá dầu còn chịu áp lực lớn từ việc đồng USD tăng giá và tình hình dịch COVID-19 phức tạp tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ nhiều dầu thô nhất. 

Thị trường dầu thô cũng đang hướng sự chú ý đến số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ. Đồng thời, chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Trung Đông cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi ông được dự đoán sẽ kêu gọi Arab Saudi và các nước khai thác dầu khác ở vùng Vịnh gia tăng sản lượng để giúp ngăn giá dầu thô tăng cao.

OPEC dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên trong năm 2023 và thị trường dầu vẫn thắt chặt. OPEC ước tính các nước thành viên của tổ chức này cần tăng thêm 900.000 thùng/ngày trong năm 2023 để cân bằng thị trường.

Tại Việt Nam, hiện giá xăng dầu đang được giao dịch ở mức sau:

Loại xăng/dầuGiá bán

Xăng E5 RON 92

27.788 đồng/lít

Xăng RON95

29.675 đồng/lít

Dầu diezel 0.05S 

26.593 đồng/lít

Dầu hỏa

26.345 đồng/lít

Dầu mazut 180CST 3.5S

17.712 đồng/kg

Giá Bitcoin 

Sáng 14/7 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin có cú lội ngược dòng tăng mạnh, vượt ngưỡng 20.000 USD. Cụ thể, trên sàn CoinDesk, đồng tiền ảo có vốn hóa cao nhất thị trường giao dịch ở mức 20.144 USD, tăng mạnh 4%, tương đương khoảng 791 USD.

Theo CoinMarketCap, khối lượng giao dịch Bitcoin trong 24 giờ qua vào khoảng 31,8 tỉ USD, vốn hóa thị trường ở mức 379,8 tỉ USD.

Trên sàn Vicuta, giá mua vào Bitcoin giảm xuống mức 469,3 triệu đồng ở chiều mua, trong khi bán ra ở mức 493,2 triệu đồng.

Bitcoin tăng mạnh cũng kéo theo nhiều đồng tiền ảo nổi sóng, như Ethereum, Tether, Binance Coin... Từ đó, tổng vốn hóa thị trường cũng tăng 2,4% lên 887,6 tỉ USD. Dữ liệu của CoinGecko cho thấy, vốn hóa thị trường tiền ảo đã “bốc hơi” khoảng 2.000 tỉ USD kể từ cuối 2021.

Trước sự tăng đột biến của Bitcoin, nhiều nhà đầu tư cho rằng đà tăng này chỉ là sự điều chỉnh sau phiên lao dốc. Thực tế, Bitcoin vẫn đang phải đối diện nhiều áp lực.

Theo khảo sát của MLIV Pulse tuần trước với 950 nhà đầu tư Phố Wall, 60% người được hỏi tin Bitcoin nhiều khả năng lùi về 10.000 USD.

Bitcoin gần đây thường xuyên giao dịch quanh mức 20.000 USD. Tính từ đầu năm, tiền ảo hàng đầu đã mất hơn 56% giá trị. Theo các nhà giao dịch chuyên nghiệp, nỗi lo lạm phát và suy thoái kinh tế khiến các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi những tài sản rủi ro cao như tiền ảo.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ngay-14-7-gia-vang-tien-ao-loi-nguoc-dong-tang-manh-dau-tho-van-rot-tham-179220714085938635.htm