Ngân hàng Nhà nước và những kịch bản điều hành năm 2025

Quang Minh
06:45 - 12/02/2025

Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN năm 2025, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.

 Ngân hàng Nhà nước  đặt ra nhiều giải pháp chính sách tiền tệ (CSTT) trong năm 2025. Ảnh minh hoạ: IT

Ngân hàng Nhà nước đặt ra nhiều giải pháp chính sách tiền tệ (CSTT) trong năm 2025. Ảnh minh hoạ: IT

Ngân hàng Nhà nước và những kịch bản tăng trưởng trong 2025

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát ngày 11/2, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ những nỗ lực của ngành ngân hàng trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn từ biến động kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn duy trì đà phát triển ổn định. 

Với sự nỗ lực của toàn ngành, lạm phát bình quân được kiểm soát ở mức 3,63%, trong khi GDP tăng trưởng 7,09% - cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực.

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước đặt ra nhiều giải pháp chính sách tiền tệ (CSTT) trong năm 2025, hướng tới mục tiêu GDP tăng trên 8%, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy phát triển bền vững. 

Theo đó, trên đà phát huy kết quả đạt được trong năm 2024, bước sang năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, thậm chí phấn đấu đạt 10% của Việt Nam, trong bối cảnh thách thức vẫn còn đó khi kinh tế thế giới tiếp tục biến động và các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản chưa thực sự ổn định, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN năm 2025, tập trung vào một số giải pháp, chính sách điều hành trọng tâm.

Các kịch bản trọng tâm trong điều hành chính sách của Ngân hàng nhà nước

Thứ nhất, trong điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, cơ quan này sẽ theo dõi sát sao diễn biến kinh tế toàn cầu, từ đó đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết lãi suất một cách hợp lý, yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Thứ hai, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 dự kiến đạt 16%. Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng, đảm bảo dòng vốn chảy mạnh vào sản xuất kinh doanh, đồng thời kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đối với tín dụng ngành, lĩnh vực đáng chú ý như nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP trong tháng 3/2025; tiếp tục phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai quyết liệt các chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như Chương trình cho vay liên kết thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. 

Riêng đối với Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát để xem xét chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục nâng quy mô (khoảng 100.000 tỷ đồng) và mở rộng phạm vi đối tượng thành lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Về lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng, cung ứng vốn đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ (hiện nay quy mô là 145.000 tỷ đồng) và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo báo cáo tại Hội nghị, về lãi suất liên quan tới các chương trình cho vay, Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất tiếp tục hạ thêm 1% lãi suất, tính tổng là giảm 3% và kéo dài thêm thời hạn 5 năm nữa thành 10 năm để gia tăng cao hơn nữa tính hấp dẫn, tuy nhiên việc này cần có ý kiến phối hợp của các đơn vị liên quan để Chính phủ có quyết định chính thức.

Đặc biệt, tín dụng xanh và tín dụng cho các dự án trọng điểm sẽ được ưu tiên. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn nhanh chóng, thông qua việc mở rộng các chương trình tín dụng ưu đãi.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, rà soát, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống ngân hàng và khách hàng vay vốn. Một trong những điểm nhấn là áp dụng công nghệ số trong cấp tín dụng, giúp quy trình vay vốn trở nên minh bạch, nhanh chóng hơn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn pháp lý cho thị trường bất động sản, qua đó góp phần ổn định thị trường tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị trong ngành cùng đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; khơi thông các nguồn vốn trong nền kinh tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường đầu tư xã hội, thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao để tạo hiệu quả đồng bộ cùng vốn tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, toàn ngành cũng nỗ lực củng cố các yếu tố nền tảng để thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế trong trung dài hạn; giải phóng các nguồn vốn còn nằm đọng nhiều năm nay tại các dự án hạ tầng, dự án bât động sản và một số dự án ngành Công thương, trong đó vốn tín dụng chiếm tỷ trọng khá lớn; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển đồng bộ các thị trường tài chính hỗ trợ phát triển thị trường vốn...

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ngan-hang-nha-nuoc-va-nhung-kich-ban-tang-truong-kinh-te-nam-2025-179250211213020445.htm