Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh chuyển đổi số

07:13 - 21/04/2023

Một trong những mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra trong Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động trong năm 2023.

Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Ảnh minh họa: IT.

Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Ảnh minh họa: IT.

Ngành Ngân hàng cần đi đầu trong lĩnh vực số hóa

Đây là một trong những yêu cầu tất yếu mà Ngân hàng nhà nước đã đặt ra cho hệ thống ngân hàng trong nước. Thực tế, nhu cầu đẩy mạnh nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng số, đặc biệt để phục vụ kết nối thanh toán trong ngành Ngân hàng là rất lớn. 

Việc nâng cấp hệ thống hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng sẽ tạo nên sự đồng bộ trong các hệ thống quản trị quốc gia.

Kế hoạch trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hệ thống. Từ đó, giúp chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng; xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng theo xu hướng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng, từng bước tạo lập nền tảng pháp lý vững chắc cho việc hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số.

Đồng thời, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu tập trung của Ngân hàng nhà nước theo mô hình dữ liệu lớn và đẩy mạnh việc thu thập, làm sạch dữ liệu nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau; kết nối liên thông, mở chia sẻ dữ liệu, tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính phủ số.

 Ngân hàng nhà nước cũng đặt mục tiêu hoàn thiện nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ của Ngân hàng nhà nước, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác; nghiên cứu sử dụng nền tảng số quốc gia nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Ngân hàng nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giám sát Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động giám sát dịch vụ Ví điện tử; hoàn thiện nền tảng an ninh mạng chuyên nghiệp, hiện đại, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố an ninh mạng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phục vụ tốt cho các hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng nhà nước và hỗ trợ công tác giám sát, ứng cứu sự cố an toàn thông tin ngành Ngân hàng.

Những con số mục tiêu cho quá trình chuyển đổi số tại Ngân hàng nhà nước 

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu 50% cán bộ có kiến thức về chuyển đổi số thông qua việc đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số cho toàn thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng năm. 

Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của Ngân hàng nhà nước trên không gian mạng.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 90% trở lên; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; tối thiểu 80% các dịch vụ công của Ngân hàng nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của Ngân hàng nhà nước trên không gian mạng.

Tối thiểu 90% hồ sơ công việc tại Ngân hàng nhà nước được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của Ngân hàng nhà nước được xác thực điện tử; tỷ trọng kinh tế số ngành Ngân hàng đạt tối thiểu 7%.

Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 75%.

Ngân hàng nhà nước cũng đề ra một số giải pháp như đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ.

Bên cạnh đó, các chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật cũng được thực thi để giúp hình thành đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin đủ về số lượng và năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành Ngân hàng; tăng cường hợp tác, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài về chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Nguồn: SBV

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ngan-hang-nha-nuoc-day-manh-chuyen-doi-so-179230421063137788.htm