Ngăn chặn thông tin rác trên mạng xã hội

PV
11:19 - 07/09/2022

Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, gỡ bỏ nhiều thông tin rác, độc hại trên mạng xã hội. Tuy nhiên, để ngăn chặn hiệu quả các thông tin này, rất cần sự tham gia của mỗi người sử dụng mạng xã hội.

Đẩy mạnh ngăn chặn thông tin rác

"Rác" trên internet, nhất là trên các mạng xã hội xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như: Nhạc chế, clip, video với những nội dung nhảm nhí, hở hang, không phù hợp với thuần phong mỹ tục; livestream bán hàng; quảng cáo sai sự thật, cổ xúy mê tín dị đoan; tung tin giả; bêu xấu, xúc phạm đến uy tín, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân... Đi kèm với đó là những bình luận vô văn hóa, thiếu hiểu biết cũng như coi thường pháp luật. Những thông tin rác này đã gây ra tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã xử phạt hàng loạt các đối tượng sử dụng Facebook, Youtube, TikTok có nội dung thiếu văn hóa, lan truyền các thông tin xấu độc, tin giả...; cũng có nhiều trường hợp bị xử phạt hành chính, xử lý hình sự nhưng tình trạng tin giả, tin rác, vẫn không ngừng xuất hiện trên không gian mạng.

Ngăn chặn thông tin rác trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Mỗi người dân đều có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự phát triển của thông tin rác trên mạng xã hội. Ảnh minh hoạ

Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lưu Đình Phúc cho rằng, dù các nền tảng xuyên biên giới đã có cam kết, thỏa thuận với Bộ Thông tin và Truyền thông để ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, tuy nhiên do có sự khác biệt về quan điểm và môi trường pháp lý, nên việc xử lý các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên các nền tảng này còn chậm. Đặc biệt, những tài khoản, Fanpage thường xuyên bị Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu gỡ thông tin vi phạm, song các nền tảng chưa chịu xử lý triệt để, dẫn đến hiệu quả chưa cao, mất nhiều thời gian và công sức xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Lưu Đình Phúc nhận định, một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn tìm cách né tránh không thực hiện ngăn chặn thông tin xấu độc tại Việt Nam, điển hình là Facebook. Trong khi hiện nay, giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook, YouTube, TikTok để chặn, chỉ có thể chặn hoàn toàn toàn bộ website vi phạm.

Ngoài ra, các giải pháp hiệu ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, YouTube, Tik Tok chưa đạt hiệu quả. Vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã đẩy mạnh tăng cường quản lý các mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, đề nghị 4 doanh nghiệp lớn là Facebook, Google, TikTok và Apple ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm trên các nền tảng do các doanh nghiệp này cung cấp.

Đối với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đấu tranh, tăng cường áp dụng các biện pháp hiệu quả để tạo áp lực buộc Facebook, Google, TikTok... phải tuân thủ luật pháp Việt Nam; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành đấu tranh, đàm phán để Facebook, Google, Apple, Tiktok... phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả trên nền tảng này - ông Lưu Đình Phúc cho biết.

Đồng thời, một trong những nhiệm vụ được Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra từ nay đến cuối năm 2022 là tiếp tục tăng cường thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội xuyên biên giới; tập trung rà soát, bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động. Yêu cầu Facebook, Google, TikTok gỡ bỏ các tài khoản, Fanpage vi phạm, kênh Youtube xấu độc tại Việt Nam...

Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Cùng với các giải pháp về mặt pháp lý, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ Quy tắc được coi là "thể chế mềm" nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội.

4 quy tắc ứng xử chung mỗi người dùng mạng xã hội phải tuân thủ bao gồm: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Lành mạnh; An toàn, Bảo mật thông tin và Trách nhiệm. 

Bên cạnh đó, mỗi nhóm đối tượng tham gia, sử dụng mạng xã hội còn có một số quy tắc khác cần áp dụng, có thể kể đến như: Tổ chức, cá nhân phải chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ  trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh nỗ lực ngăn chặn các thông tin xấu độc, thông tin rác của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi người dùng cũng cần tỉnh táo trong việc tiếp nhận thông tin.

Theo một số chuyên gia, người dùng có thể tự chặn các thông tin rác cho mình trên mạng xã hội. Đa phần những tin nhắn từ người lạ đều là tin spam, quảng cáo gây nhiều phiền phức cũng như nhiều người dùng đều không thích khi những thông báo này hiển thị liên tục trên màn hình, vì thế người dùng có thể chặn tất cả tin nhắn từ người lạ gửi đến Messenger hay Zalo để tránh bị làm phiền. Người dùng cũng có thể lựa chọn việc chặn các tài khoản tiêu cực, spam; cũng như lựa chọn các loại quảng cáo muốn xem hay không...

Mỗi cá nhân có những sở thích cũng như những nhu cầu riêng khi sử dụng mạng xã hội, tuy nhiên để mạng xã hội thực sự trong sạch, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm, rất cần sự vào cuộc của mỗi người dân trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, tuân thủ các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cũng như các giá trị văn hóa, truyền thống... Đặc biệt, mỗi người dân đều có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự phát triển của thông tin rác trên mạng xã hội.

Nguồn: TTXVN

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ngan-chan-thong-tin-rac-tren-mang-xa-hoi-179220907101323885.htm