Ngăn chặn “nhóm lợi ích” trục lợi, nhưng phải thông thoáng trong đấu thầu

09:00 - 03/01/2023

Dự án Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 (vào tháng 4/2023 tới đây), kỳ vọng giải được bài toán hóc búa là hạn chế được tình trạng “trục lợi” trong đấu thầu.

Nhiều doanh nghiệp dính đến vụ nâng giá thiết bị, vật tư y tế cao bất thường với tổng số tiền chênh lệch lên đến hơn 67,8 tỷ đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh mà Thanh tra Chính phủ vừa "điểm mặt" tại Kết luận thanh tra (ngày 23/12/2022) không hề xa lạ vì từng dính đến nhiều vụ án "thổi giá" thiết bị y tế gây bức xúc dư luận.

Ngăn chặn “nhóm lợi ích” trục lợi, nhưng phải thông thoáng trong đấu thầu bằng cách nào?  - Ảnh 1.

Ngăn chặn “nhóm lợi ích” trục lợi, nhưng phải thông thoáng trong đấu thầu. Ảnh minh họa: IT

Thanh tra Chính phủ phát hiện một số gói thầu có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh mua bán qua nhiều khâu trung gián để nâng giá bán cao bất thường, cần phải xem xét xử lý theo luật hình sự. Có 4 nhà thầu cung cấp một số loại trang thiết bị y tế thuộc các gói thầu do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư có giá trúng thầu cao bất thường so với giá vốn nhập khẩu (chênh lệch tổng cộng 41 tỷ 105 triệu đồng). 

Trong đó, riêng mặt hàng máy X-quang di động DR (Hãng Philip của Hà Lan sản xuất) do Công ty Thương mại và Công nghệ kỹ thuật TNT trúng thầu, có giá trúng thầu cao gấp 4,67 lần so với giá vốn nhập khẩu, giá trị chênh lệch lên tới 18 tỷ 999 triệu đồng. Công ty TNT là nhà thầu "quen mặt" được nhắc đến với vai trò "quân xanh", "quân đỏ" trong đại án Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC, giúp AIC trúng 16 gói thầu tại dự án Bệnh viện Đồng Nai. Trong đó, Công ty TNT tham dự 11 gói thầu, làm "quân xanh" trong 10 gói thầu, "quân đỏ" trong 1 gói thầu, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 112 tỷ đồng.

Một nhà thầu "quen mặt" khác là Công ty Thiết bị y tế Phương Đông. Theo kết luận thanh tra, công ty này "có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán cao bất thường". Công ty Phương Đông cung cấp gói thầu "mua sắm kit hóa chất dùng trong xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR" do Bệnh viện Nhi Đồng 1 làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, hai sản phẩm do công ty này cung cấp bị Thanh tra Chính phủ xác minh thấy có giá bán cao gấp hơn 2,5 lần so với giá nhập khẩu, chênh lệch 7,5 tỷ đồng. 

Công ty Phương Đông cũng bị nhắc đến trong đại án AIC với vai trò "quân xanh" tham gia đấu thầu dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Nhân viên của công ty này cũng từng bị tuyên án 5 năm tù vì móc ngoặc "thổi giá" máy xét nghiệm tại CDC Hà Nội năm 2020.

Gói thầu mua thuốc Generic điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà (lần 1) do Bệnh viện Nhi Đồng 1 làm chủ đầu tư: 300.000 viên do Công ty CP Gonsa trúng thầu cung cấp với giá 35.000 đồng/viên; nhưng Công ty CP Gonsa mua lại lô thuốc này từ đơn vị trung gian là Công ty TNHH GSPHARM với giá chỉ 21.000 đồng/viên (thuốc do Công ty Liên doanh Stellpharm - Chi nhánh 1 sản xuất). Và chỉ qua một khâu trung gian, việc mua-bán diễn ra trong 5 ngày, số tiền chênh lệch đã lên tới 4,2 tỷ đồng.

Ngăn chặn “nhóm lợi ích” trục lợi, nhưng phải thông thoáng trong đấu thầu bằng cách nào?  - Ảnh 2.

3 gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất xét nghiệm, điều trị và phòng, chống dịch Covid-19 (theo hình thức chỉ định thầu rút gọn) do Bệnh viện Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, Công ty Khoa học kỹ thuật Kiến Đức (Công ty Kiến đức) là đơn vị trúng thầu cung cấp. 3 gói thầu này có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh, mua bán qua nhiều khâu trung gian để nâng giá bán cao bất thường, cần phải xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Các vật tư, hóa chất của 3 gói thầu do hai hãng của Đức sản xuất, Công ty Roche Việt Nam nhập khẩu, Công ty Vimedimex Bình Dương và Công ty DKSH Việt Nam bán cho Công ty Kiến Đức. Kết cục là: Gói thầu thứ nhất có giá trúng thầu cao gấp 2,61 lần so với giá vốn nhập khẩu, giá trị chênh lệch 4 tỷ 482 triệu đồng; Gói thầu thứ hai giá trúng thầu cao gấp 2,84 lần so với giá vốn nhập khẩu, giá trị chênh lệch 1 tỷ 25 triệu đồng; Gói thầu thứ ba, giá trúng thầu cao gấp 2,89 lần so với giá vốn nhập khẩu, giá trị chênh lệch lên tới 14 tỷ 880 triệu đồng.

Thanh tra Chính phủ đã chuyển thông tin các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán cao bất thường kể trên sang Bộ Công an để xem xét, xử lý.

Những vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nhưng cần thiết phải nhìn nhận đúng thực tế để điều chỉnh hành lang pháp lý về đấu thầu nhằm ngăn chặn các hành vi tương tự trong tương lai không chỉ trong lĩnh vực y tế mà rộng hơn là nhiều lĩnh vực khác như giao thông, giáo dục,...

Việc vi phạm đấu thầu thời gian qua diễn ra dưới nhiều hình thức như thông đồng giữa nhà thầu và chủ đầu tư, thông đồng nhà thầu với các cán bộ nhà nước có chức quyền, nâng khống giá, lập các nhóm "quân xanh", "quân đỏ" với mục đích trục lợi của nhóm lợi ích. Số tiền "bôi trơn", "trả công" trong các cuộc đấu phải tình đến hàng chục tỉ đồng, thậm chí hàng trăm tỉ đồng. Các đối tác nhưng lại là cùng nhóm lợi ích bỏ túi hàng trăm tỉ đồng, còn nhà nước thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Các vụ đại án như AIC, Việt Á…, là minh chứng điển hình cho lợi ích nhóm và nhóm lợi ích.


Thế nhưng, xiết chặt quá thì các bệnh viện, các đơn vị phục vụ sức khỏe người dân, chăm lo việc học hành cho thế hệ tương lai lại không dám (hoặc không thể) mua các loại máy mọc hiện đại cập nhật công nghệ mới. Tình trạng này kéo dài hàng năm nay, và đương nhiên thiệt thòi thuộc về người bệnh.

Vì thế, việc cấp thiết phải kịp thời sửa đổi Luật Đấu thầu hiện hành và các nghị định hướng dẫn nhằm hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh trục lợi, tiêu cực tham nhũng; nhưng đồng thời phải hài hòa giữa quyền lợi nhà nước, thông thoáng cho các chủ đầu tư khi thực hiện mua sắm các gói thầu.

Việc sửa đổi phải có sự bổ sung, hoàn thiệu quy định về tiêu chí bảo đảm cạnh tranh lành mạnh ngay trong nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng "cài cắm" tiêu chí đánh giá. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh đấu thầu qua mạng - biện pháp được kỳ vọng giúp công khai, minh bạch tối đa, từ đó hạn chế hành vi vi phạm, trục lợi.

Dự thảo luật dự kiến loại bỏ các thủ tục ở cấp trung gian; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện trước đó; cho phép thực hiện trước một số các hoạt động để chuẩn bị đấu thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện. Mặt khác, áp dụng chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong đấu thầu theo hướng bổ sung các hành vi bị cấm để xác định đầy đủ các hành vi vi phạm đã xảy ra trong thực tế; đồng thời tăng cường chế tài và trách nhiệm xử lý của người có thẩm quyền…

Hy vọng, việc sửa đổi Luật Đấu thầu sẽ đạt được mục tiêu ngăn chặn việc trục lợi của các nhóm lợi ích nhưng cũng mở ra thông thoáng để các ngành có thể trang bị máy móc hiện đại, vật tư cấp thiết phục vụ nhân dân tốt hơn.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ngan-chan-nhom-loi-ich-truc-loi-nhung-phai-thong-thoang-trong-dau-thau-bang-cach-nao-179230102210216663.htm