Nâng tầm vai trò của Sở Giáo dục và Đào tạo trong tuyển dụng nhà giáo

Trần Văn Tâm
11:49 - 26/07/2025

Nghị định số 142/2025/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 12/6/2025, quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, điểm b, khoản 4 Điều 40 của Nghị định này đã nêu rõ trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Nâng tầm vai trò của Sở Giáo dục và Đào tạo trong tuyển dụng nhà giáo - Ảnh 1.

Thực trạng thiếu hụt giáo viên, nguồn số liệu: Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồ hoạ: TT

"Thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá... đối với đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định".

Luật Nhà giáo số 73/2025/QH15, được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2025, có hiệu lực từ ngày 01/01/2026, tại Điều 14 Luật giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tại điểm a, khoản 4 Điều 2 quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo:

"Thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt".

Từ góc nhìn của một giáo viên, người viết cho rằng quy định này không chỉ đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu quả mà còn hoàn toàn phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp, mang lại những lợi ích thiết thực cho ngành giáo dục.

Tuyển dụng đồng bộ, nâng cao chất lượng đầu vào

Trước đây, khi mỗi huyện, mỗi trường tự tuyển dụng giáo viên, tình trạng thường gặp là thiếu nhất quán trong quy trình và chất lượng đầu vào. Có nơi tổ chức thi tuyển, nơi lại phỏng vấn, hoặc chỉ đơn thuần xét tuyển, dẫn đến sự chênh lệch rõ rệt về năng lực và phẩm chất của giáo viên giữa các địa phương.

Với quy định này, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm tuyển dụng nhân sự cho toàn bộ hệ thống giáo dục công lập trong tỉnh. Điều này cho phép Sở, xây dựng một bộ quy chuẩn tuyển dụng chung, từ đề thi, quy trình phỏng vấn đến tiêu chí đánh giá. Nhờ vậy, mọi giáo viên đều được đánh giá công bằng, minh bạch và những người thực sự giỏi nhất sẽ được tuyển chọn, không phân biệt nơi mà giáo viên sẽ đến công tác là thành phố hay vùng nông thôn. Kết quả là, học sinh ở bất cứ đâu trên địa bàn tỉnh đều có cơ hội được học với giáo viên có chất lượng tốt nhất.

Với năng lực và nguồn lực chuyên môn cao nhất tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo có thể mời các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục tham gia xây dựng bộ tiêu chí tuyển dụng sát với thực tế và các yêu cầu mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chẳng hạn như Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hay kỹ năng số. Đồng thời, Sở cũng đủ khả năng tổ chức các kỳ thi tuyển quy mô lớn, chuyên nghiệp và khách quan, giúp lựa chọn những giáo viên không chỉ vững chuyên môn mà còn có phẩm chất đạo đức, kỹ năng mềm và khả năng thích ứng với môi trường giáo dục hiện đại.

Quản lý và phát triển giáo viên hiệu quả

Sở Giáo dục và Đào tạo không chỉ dừng lại ở khâu tuyển chọn mà còn đảm nhiệm toàn bộ quá trình quản lý nhân sự, từ khi giáo viên bắt đầu công tác cho đến khi phát triển sự nghiệp. Sau tuyển dụng, Sở sẽ nắm rõ năng lực từng giáo viên để phân công, bố trí về trường phù hợp nhất, tối ưu hóa nguồn nhân lực.

Hơn thế nữa, Sở sẽ là đơn vị xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng định kỳ về phương pháp dạy học mới, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, cập nhật kiến thức chuyên môn... Điều này giúp giáo viên không ngừng nâng cao nghiệp vụ, thích nghi với sự thay đổi của giáo dục. Đối với những giáo viên có thành tích tốt, Sở cũng là đơn vị có thẩm quyền xem xét, tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp, mở ra một lộ trình thăng tiến rõ ràng, giúp giáo viên yên tâm cống hiến lâu dài cho ngành.

Hỗ trợ xã hội hóa và tự chủ giáo dục

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung quản lý đội ngũ giáo viên còn mang lại lợi ích gián tiếp nhưng không kém phần quan trọng cho các trường học. Khi không còn phải loay hoay với công tác tuyển dụng và quản lý nhân sự, ban giám hiệu nhà trường có thể tập trung toàn bộ thời gian và nguồn lực vào nâng cao chất lượng giảng dạy, phát triển chương trình học, hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa phong phú cho học sinh. Điều này thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tự chủ và xã hội hóa giáo dục.

Đồng thời, khi Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý hiệu quả nguồn nhân lực công lập, các trường tư thục cũng có môi trường phát triển thuận lợi hơn, không phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giáo viên giỏi, góp phần tạo nên một thị trường lao động giáo dục công bằng và chuyên nghiệp.

Tóm lại, Luật Nhà giáo số 73/2025/QH15 mang đến nhiều thay đổi quan trọng trong công tác tuyển dụng và quản lý nhà giáo, hướng tới nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và vị thế của nghề giáo. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo trở thành đầu mối trong việc tuyển dụng, quản lý đội ngũ giáo viên là một bước tiến quan trọng. Quy định này góp phần giúp ngành Giáo dục trở nên chuyên nghiệp, đồng bộ và hiệu quả hơn, từ đó mang lại những lợi ích tốt nhất cho cả học sinh và đội ngũ giáo viên.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nang-tam-vai-tro-cua-so-giao-duc-va-dao-tao-trong-tuyen-dung-nha-giao-179250726114932593.htm