Nắng nóng gia tăng trong tháng 5, số ngày nắng nóng nhiều hơn năm 2022

05:30 - 22/04/2023

Dự báo tháng 5 số ngày nắng nóng tại Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng cao hơn so với tháng 5 năm 2022. Khu vực Đông Nam Bộ vẫn có thể xuất hiện nắng nóng tập trung trong nửa đầu tháng.

Dự báo thời tiết từ nay đến 20/5/2023

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Từ nay đến 20/5, nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn từ 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm; riêng khu vực Tây Bắc Bộ có nơi cao hơn khoảng 2 độ C so với trung bình nhiều năm. Lượng mưa tại các khu vực trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Nắng nóng gia tăng trong tháng 5, số ngày nắng nóng nhiều hơn năm 2022 - Ảnh 1.

Dự báo tháng 5 số ngày nắng nóng tại Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng cao hơn so với tháng 5 năm 2022. Ảnh: N.Cường

Từ nay đến 24/4, nắng nóng có khả năng xảy ra diện rộng tại các tỉnh phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Từ đêm 24-25/4 do ảnh hưởng của không khí lạnh nên khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện mưa rào và dông. Trong cơn dông cần đề phòng tố, lốc và gió giật mạnh. Mưa có thể kéo dài đến ngày 26/4 sau sẽ giảm nhanh.

Nắng nóng sẽ chấm dứt tại khu vực trên và có khả năng gia tăng trở lại trong tháng 5. Dự báo tháng 5/2023 số ngày nắng nóng tại Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng cao hơn so với tháng 5/2022. Khu vực Đông Nam Bộ vẫn có thể xuất hiện nắng nóng tập trung trong nửa đầu tháng.

Đồng thời, hoạt động của không khí lạnh có thể gây ra các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó do tác động của nắng nóng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ ở khu vực dân cư, cũng như các khu vực sản xuất do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.

Từ 21/3-20/4/2023 Bắc Bộ và Trung Bộ đã xảy ra các đợt nắng nóng diện rộng như sau: ngày 22-23/3 tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ; ngày 22-24/3 tại Bắc và Trung Trung Bộ; ngày 17-20/4 tại khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Trong khi đó, tại Nam Bộ có nắng nóng diện rộng tại Đông Nam Bộ trong các ngày 21-22/3, 26-30/3, 4-10/4, sau đó từ 13-15/4 nắng nóng mở rộng sang miền Tây Nam Bộ. Trong đó đã 2 đợt nắng nóng từ ngày 22-24/3 và 17-20/4 đã xảy ra ở khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc và Trung Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Trong hai đợt nắng nóng này nhiều nơi đã ghi nhận được nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử.

(Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia)

Nắng nóng gay gắt hơn năm 2022

Trước đó, trong bản tin dự báo khí tượng, thủy văn, hải văn từ tháng 5 đến tháng 10/2023 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định: Nắng nóng trên cả nước có khả năng gia tăng hơn từ khoảng tháng 5-7/2023 và tập trung nhiều tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Số ngày nắng nóng có thể xuất hiện nhiều hơn và gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022.

Tháng 8/2023, nắng nóng tiếp tục xảy ra chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, cường độ nắng nóng có khả năng gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022. Sau đó nắng nóng có xu hướng suy giảm hơn trong khoảng tháng 9/2023.

Từ tháng 8-10/2023, tại khu vực Bắc Bộ nhiệt độ phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nhiệt độ phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; riêng tháng 10/2023 nhiệt độ tại khu vực Trung Bộ cao hơn khoảng 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tiết kiệm điện trong nắng nóng mùa hè

Theo Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội, để hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do nhu cầu sử dụng điện tăng cao, khách hàng nên lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo quy định của Bộ Công Thương (càng nhiều sao càng tiết kiệm điện năng). Thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm cũng như nâng cao tuổi thọ.

Nắng nóng gia tăng trong tháng 5, số ngày nắng nóng nhiều hơn năm 2022 - Ảnh 5.

Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để tránh hóa đơn tiền điện tăng cao trong mùa hè. Ảnh: home.onehowto

Đồng thời, rút phích cắm điện khi không sử dụng, bởi mặc dù không dùng nhưng chúng vẫn góp phần làm cho hóa đơn tiền điện tăng lên. 

Những thiết bị chưa rút phích, dù không sử dụng, cũng sẽ tiêu thụ khoảng 5% - 10% lượng điện năng tiêu thụ trong gia đình.
Viện nghiên cứu Berkeley, California, Mỹ

Đối với doanh nghiệp sản xuất, nên bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn (như máy nghiền, máy nén khí…) vào giờ cao điểm từ 17-20 giờ hàng ngày. Đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện như: lắp đặt thêm các máy biến tần cho hệ thống máy nén, điều hòa công nghiệp, quạt gió, mô tơ có công suất lớn trong dây chuyền sản xuất. Lắp đặt thêm các thiết bị đo đếm điện năng tại các bộ phận, tổ đội sản xuất để kiểm soát lượng điện sử dụng…


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nang-nong-gia-tang-trong-thang-5-so-ngay-nang-nong-nhieu-hon-nam-2022-179230421174040945.htm